Công nghệ

Điện thoại "cục gạch" mạng 2G sẽ bị "khai tử" từ tháng 9/2024?

N.Minh 07/09/2023 - 14:00

Tại họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) chiều 06/9, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long cho biết, tháng 9/2024 là thời điểm hết hạn giấy phép cấp cho mạng công nghệ 2G nên Bộ TTTT sẽ triển khai quy hoạch lại tần số này.

Cụ thể, theo ông Long, Bộ TTTT sẽ có giải pháp đến thời điểm tháng 9/2024, sẽ không còn máy 2G.

"Các nhà mạng sẽ phải có chính sách hỗ trợ người dùng chuyển đổi từ thiết bị 2G sang thiết bị 4G. Mục tiêu của việc này nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, đưa hoạt động của người dân lên môi trường số", Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết.

mang-2g-la-gi-1-800x450.jpg
Ảnh minh họa

Bộ TTTT đã có quy định không nhập thiết bị đầu cuối công nghệ 2G từ năm 2020. Tuy nhiên vẫn có thông tin máy điện thoại 2G nhập theo đường tiểu ngạch. Bộ TTTT sẽ triển khai thanh tra tại các địa phương về quy định không nhập thiết bị điện thoại 2G, nhằm đảm bảo đến thời điểm tháng 9/2024, khi giấy phép tần số cấp cho mạng 2G hết hạn, sẽ không còn điện thoại di động mạng 2G.

Bộ TTTT đã làm việc với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động và cơ bản thống nhất về định hướng lộ trình dừng công nghệ di động 2G.

“Có lẽ sóng 2G sẽ cần được duy trì thêm một thời gian, không phải để phục vụ cho máy 2G, mà phục vụ cho một số máy 4G. Bởi lẽ, theo thống kê, hiện ở Việt Nam có khoảng 15 triệu máy 4G không thể sử dụng thoại, tin nhắn trên mạng 4G, phải dùng xuống mạng 2G, 3G. Nghĩa là, chúng ta sẽ không còn máy 2G, đáp ứng đúng mục tiêu; song sẽ duy trì sóng 2G thêm một thời gian để tiếp tục chuyển đổi nốt lượng máy 4G nêu trên”, ông Long thông tin thêm.

Các doanh nghiệp viễn thông sẽ hỗ trợ người dân chuyển đổi sáng thiết bị 4G thông qua giá cước hoặc đổi máy mới. Thông thường, vòng đời của máy di động công nghệ 2 G là 3 năm. Như vậy, các máy 2G tại Việt Nam đang ở vào cuối của chu kỳ sử dụng, khi máy hỏng sẽ được người dùng thay thế.

Mạng 2G là một thuật ngữ không có gì xa lạ với phần đông người dùng điện thoại, nhất là những chiếc điện thoại "cục gạch".

2G là từ viết tắt của công nghệ viễn thông di động thế hệ thứ hai được ra mắt lần đầu tiên ở Phần Lan vào năm 1991 bởi nhà mạng Radiolinja. Các tính năng chính của kết nối di động 2G là mã hóa tín hiệu các cuộc hội thoại và tin nhắn dưới dạng kỹ thuật số, cung cấp các dịch vụ dữ liệu khác nhau cho điện thoại di động.

Giống như WiFi, các kết nối di động chính là các sóng vô tuyến và các nhà cung cấp mạng chỉ có một phổ tần số vô tuyến nhất định để dùng cho mạng lưới của họ. Vì thế, họ loại bỏ dần mạng di động 2G giúp giải phóng không gian phổ tần số vô tuyến cho các tiêu chuẩn mới, cụ thể là giúp mạng 4G chạy nhanh hơn.

Hiện nay, đa số người dùng nâng cấp thiết bị của mình và không còn sử dụng các thiết bị cũ nữa. Vì thế, không có lý do gì để tiếp tục giữ lại thế hệ mạng di động cũ thay vào đó đẩy mạnh sự phát triển cho mạng 3G, 4G.Việc tắt sóng 2G không có nghĩa là xóa sổ hoàn toàn những dòng điện thoại có chức năng nghe gọi cơ bản, mà người ta chỉ thay thế con chip sóng 2G trên những chiếc điện thoại đó bằng chip sóng 3G, 4G,...Những chiếc điện thoại "cục gạch" được sản xuất theo công nghệ cũ sẽ không thể hoạt động được. Người dùng vẫn có thể mua những chiếc điện thoại có thiết kế tương tự nhưng nhận được sóng 3G, 4G, 5G,...

Mạng 2G là một thuật ngữ không có gì xa lạ với phần đông người dùng điện thoại, nhất là những chiếc điện thoại "cục gạch".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện thoại "cục gạch" mạng 2G sẽ bị "khai tử" từ tháng 9/2024?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO