Giao thông

Tranh cãi quy định “cấm người có nồng độ cồn lái xe"

Hải Long 14/11/2023 - 10:41

Điều 8 Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định các hành vi bị nghiêm cấm, có hành vi “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Vừa qua, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (dự thảo Luật). Trong đó, xoay quanh Điều 8 Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, có nhiều ý kiến tham gia góp ý cũng như nhận được rất nhiều ý kiến tranh luận của người dân về vấn đề này.

Tại Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật quy định như Nghị định 100 là yêu cầu nồng độ cồn bằng 0. Điều này có mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông. Quy định này được đa số ý kiến nhất trí, đồng tình. Về ý kiến khác cho rằng, nên quy định các hành vi bị cấm với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là quy định theo tỉ lệ nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.

chot.png
Ảnh minh hoạ

Được biết, quy định này nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có nhiều người không khỏi băn khoăn. Một số ý kiến cho rằng, trước đó, Nghị định 100 với những hình phạt nghiêm khắc khi sử dụng rượu, bia lái xe, không chỉ giảm số vụ tai nạn giao thông mà ngay cả các ca cấp cứu do gây gổ, đánh nhau… cũng đã giảm. Sau một thời gian áp dụng Quy định này, hàng quán nhiều nơi phải đóng cửa vì không có khách. Nay lại thêm quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe thật sự lo ngại vì chưa thực sự phù hợp với thực tiễn.

Điều 8 Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn được cho là phù hợp với tình hình thực tiễn trong thời gian qua.

Việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã góp phần kéo giảm tai nạn giao thông một cách rõ rệt, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của người dân và đã dần hình thành ý thức không uống rượu, bia khi tham gia giao thông của đại bộ phận người dân.

Tuy nhiên, quy định "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" có một vài ý kiến cho rằng quy định này quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam và đề xuất dự thảo Luật cần quy định rõ nồng độ cồn là bao nhiêu mới xử phạt sẽ gây ra xáo trộn và thiếu tính khả thi.

Ngoài ra, khi lái xe bị xử phạt nồng độ cồn sẽ xảy ra cãi vã, chống đối với lực lượng Cảnh sát giao thông. Đặc biệt, các vụ việc tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn có thể sẽ gia tăng trở lại.

Một số ý kiến cũng cho rằng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng đã quy định cấm người điều khiển ô tô, máy kéo và các phương tiện xe máy chuyên dùng sử dụng rượu bia và đã được áp dung ổn định hơn 10 năm.

Tiếp đó, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia ban hành năm 2019 đã mở rộng thêm việc cấm người điều khiển mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông sau khi uống rượu bia. Kết quả thực hiện các Luật này, cùng với việc nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm, được quy định tại Nghị định 100/2020 đã góp phần đáng kể trong việc kéo giảm TNGT.

Thêm vào đó, trong thời gian qua đa số người dân đã có ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ và nhiều người đã không uống rượu bia khi tham gia giao thông. Đồng thời, nhiều người đã có thói quen sử dụng các phương tiện công cộng (taxi, xe ôm…) khi đã uống rượu bia.

Nhìn lại kết quả sau hơn 3 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó có quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; Nghị định 100/2020, trong đó có việc nâng mức xử phạt với vi phạm nồng độ cồn, TNGT liên quan đến rượu bia đã giảm đáng kể.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tranh cãi quy định “cấm người có nồng độ cồn lái xe"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO