Đời sống

Bà Nguyễn An Ninh: Cùng chồng dấn thân trên mặt trận báo chí

Văn Kỳ 02/07/2023 20:00

Trên con đường đấu tranh cách mạng, trong đó có mặt trận báo chí, không thể không kể đến người vợ của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Bà là Trương Thị Sáu, người phụ nữ tài sắc, là đồng chí kiên trung, đã hi sinh tất cả vì chồng, vì sự nghiệp cách mạng dân tộc.

4(1).jpg

Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ đi chi tiết những sự kiện lịch sử, những nhân vật được nhắc đến, qua phần lớn hồi ký của cụ bà Trương Thị Sáu (1899-1983, vợ nhà cách mạng Nguyễn An Ninh) và người con ruột của nhà cách mạng là bà Nguyễn Thị Minh.

Bà Nguyễn Thị Minh, người con thứ 5 của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, năm nay đã 88 tuổi, nhưng vô cùng minh mẫn, sắc sảo. Chính bà đã kỳ công sưu tập những tư liệu để xây dựng đầy đủ cuộc đời cách mạng, trong đó có giai đoạn đấu tranh cách mạng bằng báo chí của cha mình. Trong gian nhà nhỏ đầy sách, bà vẫn miệt mài đọc, sưu tập với hi vọng giữ lại những gì trung thực nhất của lịch sử để truyền lại cho hậu thế.

1.jpg
Một bức ảnh chụp năm 1927. Trong ảnh là bà Trương Thị Sáu, người phụ nữ giàu đức hi sinh cùng các con.

Bà Nguyễn Thị Minh cho biết, nói về cuộc đời Nguyễn An Ninh, không thể không nhắc đến mẹ bà là cụ Trương Thị Sáu. Bà kể: Cụ Sáu sinh thời được quần chúng nhân dân gọi theo tên chồng - bà Nguyễn An Ninh. Cụ Sáu sinh ngày 26/6/1899 tại xã Phước Lại, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là Long An). Mồ côi cha từ 2 tháng tuổi, anh em từ nhỏ nương tựa nhau sống, từ nhỏ cụ Sáu đã bản lĩnh, chịu khó, giàu đức hi sinh. Năm 18 tuổi, tự lập tiệm may ở Cầu Ông Lãnh (Sài Gòn), người ta biết đến là tiệm Cô Sáu Cầu Ông Lãnh nổi tiếng may đẹp.

Mối duyên vợ chồng giữa Cô Sáu Cầu Ông Lãnh và nhà cách mạng Nguyễn An Ninh cũng xuất phát từ tờ báo La Cloche Fêleé - Tiếng Chuông Rè. Trong hồi ký “Cùng anh đi suốt cuộc đời”, cụ Sáu nhắc lại kỷ niệm: Cuối năm 1923, đầu 1924 Sài Gòn vô cùng sôi động bởi các tư tưởng dân chủ, tiến bộ, cổ động phong trào chống thực dân, đòi quyền tự do, quyền dân tộc được khởi xướng bởi các nhân vật trí thức. Là một người có ý thức dân tộc, Trương Thị Sáu luôn bảo các em mua báo về đọc, trong đó lưu ý tới tờ La Cloche Fêleé - Tiếng Chuông Rè của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh.

“Ông này mới thiệt là yêu nước, chống Tây chứ mấy ông kia là thân Tây, chỉ yêu nước giả hiệu thôi. Nhờ vậy mà tuy không biết chữ Pháp, ngày nào tôi cũng nghe báo Tiếng Chuông Rè”, cụ Sáu viết trong hồi ký với ấn tượng ban đầu về Nguyễn An Ninh khi đọc báo Tiếng Chuông Rè.

2(2).jpg
Cụ Trương Thị Sáu (ở giữa) lúc tập kết ra Bắc công tác tại trường Nhi đồng, nơi dạy các con em của những người tập kết. Bức ảnh chụp khi Bác Hồ tới thăm trường.  

Cảm mến Nguyễn An Ninh - một người yêu nước qua tờ báo, nhưng kỳ thực Trương Thị Sáu chưa biết Nguyễn An Ninh ngoài đời thực là ai, như thế nào. Trong số những người bạn của Cô Sáu Cầu Ông Lãnh có bà Chín Định, vợ Đốc phủ Hiến, cũng là bạn của Nguyễn An Ninh, cùng hai người bạn thân khác đều mong muốn mai mối cho hai người nên duyên.

Một ngày nọ, những người này dẫn Nguyễn An Ninh lại tiệm may của Trương Thị Sáu chơi. Gặp người thực, Cô Sáu mới bất ngờ: “Hồi đọc báo tôi tưởng anh Ninh là ông già đạo mạo. Bữa gặp mặt mới rõ là một thanh niên rất trẻ, vui tính, hay cười, hoạt bát, lúc đó mới 24 tuổi”.

Buổi gặp mặt đầu tiên đó, Nguyễn An Ninh đã nói về sự tiến bộ, dân chủ, dân quyền, quyền tự do báo chí, tự do hội họp, đi lại... Nghe xong, Cô Sáu càng cảm mến Nguyễn An Ninh. Quen gần một năm sau thì phía Nguyễn An Ninh xin cưới, nhưng với điều kiện Cô Sáu phải bỏ tiệm về Trung Chánh, xã Mỹ Hòa, Hóc Môn (nay Quận 12) nơi nhà Nguyễn An Ninh ở.

4.jpg
Bà Trương Thị Sáu được gặp Bác Hồ trong thời gian công tác ngoài Bắc

Gia đình Nguyễn An Ninh có truyền thống yêu nước, cha là Nguyễn An Khương, một nhà nho, thầy thuốc quen thân với những nhà trí thức, chí sĩ yêu nước lớn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cùng bà cô là Nguyễn Thị Xuyến cùng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào Đông Du. Để có kinh phí và tụ họp các sĩ phu, cụ Khương mở khách sạn lớn có tên Chiêu Nam Lầu tại Sài Gòn (đường Nguyễn Huệ, Quận 1 ngày nay), là nơi lưu trú của những nhà yêu nước Bắc- Nam.

Gật đầu về nhà chồng, Trương Thị Sáu bán hết tất cả tiệm, gom được khoảng 10 ngàn đồng và hột xoàn. Đây cũng là số vốn sau này Cô Sáu chi tiêu tằn tiện, phân ra hỗ trợ những người yêu nước trú chân tại nhà Nguyễn An Ninh ở Hóc Môn. Kể từ khi về nhà chồng, Cô Sáu không quản ngại khó khăn khai hoang, làm vườn, trồng xoài, chăn nuôi gà vịt, heo để có thêm thu nhập. Nhà chồng trở thành nơi tụ họp của các nhân sĩ, nhà yêu nước khắp Nam Kỳ lục tỉnh và từ miền Bắc vào. Trương Thị Sáu luôn đảm đang, chu toàn, lo nơi ăn chốn ngủ, phòng đọc sách cho bạn chồng, không để chồng phải bận tâm. Các khoản tiền cụ tích góp được từ thời con gái, về làm thêm vườn tược, bán đi cụ gom lại, anh em thiếu thốn kinh phí hoạt động, bà lại đưa.

Cụ Phan Châu Trinh là linh hồn của phong trào chống Pháp, nhưng bị Pháp giam lỏng tại Paris, cuộc sống khổ cực, già yếu và bệnh. Cưới nhau được 2 tháng, Nguyễn An Ninh bàn với vợ đi Pháp để đưa cụ Phan Châu Trinh về nước.

Ngày 29/5/1925, Phan Châu Trinh cùng Nguyễn An Ninh xuống tàu rời Pháp về Sài Gòn. Cụ Phan bị bệnh lao nan y rất yếu, được đưa về nhà Nguyễn An Ninh tại Hóc Môn để nhờ chú chồng là cụ Nguyễn An Cư - một danh y nổi tiếng để chữa trị. Chính Trương Thị Sáu tự tay sắc thuốc theo toa cho cụ Phan uống, chăm sóc tận tình. Sau 2 tháng dưỡng bệnh, cụ Phan khỏe trở lại.

3.jpg
Mộ nhà cách mạng Nguyễn An Ninh tại Côn Đảo

Với bản lĩnh, tài và sắc, Trương Thị Sáu có thể chọn cuộc sống vinh hoa, phú quý với một quan Tây hoặc một người giàu có nào đó ở Sài Gòn lúc đó. Thế nhưng, bà đã gạt đi tất cả để chọn Nguyễn An Ninh. Bà đã xác định, đi cùng Nguyễn An Ninh là chấp nhận đôi chân bước chung con đường cách mạng. Là hi sinh, khổ ải, chia cắt. Dù có với nhau 5 người con, nhưng khoảng thời gian vợ chồng giữa bà và Nguyễn An Ninh không là bao. Kể từ khi cưới nhau, Nguyễn An Ninh 5 lần đi Pháp, là thời gian tổ chức vận hành các tờ báo, 5 lần tù đày. Khi Nguyễn An Ninh bị đày ra Côn Đảo, đến lúc hi sinh năm 1943 bà cũng không được gặp.

Sau ngày giải phóng, bà lại cống hiến hết mình xây dựng đất nước với trọng trách Đảng và Nhà nước giao. Bà Nguyễn Thị Minh - con gái nhà yêu nước Nguyễn An Ninh kể: Cụ (Trương Thị Sáu) mất ngày 03/12/1983, thọ 84 tuổi và được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Cuộc đời đấu tranh cách mạng bằng báo chí của Nguyễn An Ninh không thể vẻ vang nếu thiếu hình bóng của cụ Trương Thị Sáu - người vợ, người đồng chí kiên trung.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Nguyễn An Ninh: Cùng chồng dấn thân trên mặt trận báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO