Nguyễn An Ninh: Từ cuộc "đốp chát" với viên thống đốc, đẻ ra Tiếng Chuông Rè

Văn Kỳ 20/06/2023 05:59

Từ một lời mỉa mai của viên Thống đốc Pháp, Nguyễn An Ninh đã nảy ra ý tưởng đặt tên cho tờ báo của mình là Tiếng Chuông Rè. Tiếng Chuông Rè hay hơn chuông vang, vì càng rè, nó càng làm cho thực dân nhức óc hơn. Nguyễn An Ninh vừa lo kinh tế, vừa viết, biên tập, xuất bản và bán báo… trước sự bắt bớ, đàn áp của mật thám Pháp ngay trên đất Sài Gòn.

z4441628133216_bf1f21c7390f04ac60fc207b465d1fd9(1).jpg

Tháng 10/1922, Nguyễn An Ninh từ Pháp về nước. Nhiều người hi vọng sau thời gian Tây học, ông sẽ làm quan chi Pháp. Nhưng không, người thanh niên trẻ xác định bản thân phải có trách nhiệm với vận mệnh dân tộc đang oằn mình khốn khổ dưới chế độ áp bức thực dân.

Bà Nguyễn Thị Minh kể lại cuộc nói chuyện giữa cha mình và ông nội: Nguyễn An Ninh nói: “Con làm luận án tiến sĩ luật bên Pháp cũng để có trình độ mong tìm ra hướng đi cho dân tộc mình”. Cụ Nguyễn An Khương hỏi: “Con dự định làm gì?”. Nguyễn An Ninh đáp: “Con muốn hiệp lực cùng Nguyễn Ái Quốc, kẻ trong nước người ngoài nước. Con sẽ đánh thức đồng bào còn đang mê ngủ. Sẽ làm cho họ hiểu bổn phận mỗi người trước vận mệnh của đất nước. Sẽ giải thích cho họ biết phải làm gì và theo ai. Con sẽ tổ chức một lực lượng quần chúng”.

z4441628126424_befc08b7b6e9d2a1e7f12c03db930252(1).jpg
Nguyễn An Ninh (thứ 2 từ phải sang) và các bạn thời sinh viên tại Paris.

Trong cuộc nói chuyện này, Nguyễn An Ninh định hình với cha 2 hình thức đấu tranh, đó là diễn thuyết để tập hợp quần chúng và ra một tờ báo của giới trí thức để làm phương tiện tuyên truyền con đường đấu tranh. Nguyễn An Ninh nói: “Nếu chấp nhận thì con sẽ ra một tờ báo, con muốn làm cơn gió thổi bùng ngọn lửa yêu nước có truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc. Trên tờ báo con có thể dẫn giải mọi chuyện, nếu khéo léo con sẽ nói được những điều mà ngày thường không ai dám nói. Tờ báo sẽ là của đông đảo quần chúng”.

z4441633333011_fcb31b12e0e1c5b05613d63ca563cdb5.jpg
Tên tờ báo La Cloche Fêleé- Tiếng Chuông Rè của Nguyễn An Ninh ra đời từ lời mỉa mai của viên Toàn quyền Pháp

Để thăm dò dư luận, thăm dò phản ứng của chính quyền thực dân, Nguyễn An Ninh đến Hội khuyến học Nam Kỳ xin đăng đàn diễn thuyết trước công chúng.

Tối 25/01/1923, một thanh niên vừa bước chớm tuổi 23 đã đứng trước đông đảo quần chúng thực hiện bài diễn thuyết “Chung đúc nền học thức cho dân An Nam”. Bài nói chuyện đã được đông đảo người dự hưởng ứng với những tràng vỗ tay không ngớt. Ngày hôm sau, nhiều báo đã đưa tin cuộc nói chuyện, trong đó có báo Nông cổ mín đàm, gây hiệu ứng lớn trong quần chúng.

Để chuẩn bị ra báo, tháng 02/1923, Nguyễn An Ninh quyết định đi Pháp lần hai. Ông gặp lại tiến sĩ luật Phan Văn Trường, nhà yêu nước Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn An Ninh rủ Phan Văn Trường về Sài Gòn làm báo, Nguyễn Ái Quốc đồng ý. Luật sư Phan Văn Trường cũng đồng ý, nhưng ông hỏi lại: “Anh biết rõ anh Quốc (Nguyễn Ái Quốc) vất vả với tờ Le Paria thế nào rồi chứ? Trên đất Pháp tự do báo chí, còn ở xứ thuộc địa mọi sự cấm đoán, kể cả nhà in và độc giả”. Nguyễn An Ninh trả lời: “Ra báo bằng tiếng Pháp thì sẽ không bị cấm đoán nữa. Hơn nữa, Ninh tin có thể luồn lách, chỉ cần ông nhận lời. Với quốc tịch Pháp và kinh nghiệm của ông, sẽ giúp Ninh rất nhiều”.

Phan Văn Trường là tiến sĩ, luật sư Tòa thượng thẩm Pháp, giáo sư giảng dạy ở các trường đại học Pháp, được kính nể, cuộc sống không khó khăn. Chấp nhận lời đề nghị của Nguyễn An Ninh, đồng nghĩa với khổ ải, khó khăn, nghèo đói và nguy hiểm. Nhưng vì lòng yêu nước, luật sư Phan Văn Trường đồng ý.

Thời gian sau, Nguyễn Ái Quốc sang Nga; tháng 8/1923 Nguyễn An Ninh về lại Sài Gòn; cuối năm 1923, Phan Văn Trường cũng về Việt Nam. Suốt thời gian một tháng trên tàu, Nguyễn An Ninh cũng chuẩn bị luôn cho cuộc diễn thuyết trước quần chúng lần thứ hai.

Về tới Sài Gòn, Nguyễn An Ninh cấp tập chuẩn bị các công đoạn ra tờ báo. Đồng thời, tối 15/10/1923, Hội khuyến học Nam Kỳ đã tổ chức buổi nói chuyện lần thứ hai của Nguyễn An Ninh. Với chủ đề “Lý tưởng của Thanh niên An Nam” tại con phố đường Aviateaur Garros (Sài Gòn), nay là đường Thủ Khoa Huân, buổi nói chuyện chật kín người tham dự.

z4441633315238_c9b4eee764fadb7440c287863aba6c2d.jpg
Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh (bên trái ngoài cùng, bên phải ngoài cùng là nhà yêu nước Nguyễn Thế Truyền) lúc làm báo La Paria tại Pháp năm 1922

Tại buổi nói chuyện, chàng thanh niên 23 tuổi lần này đĩnh đạc, mặc áo dài đen, ăn nói chững chạc, đã chỉ ra con đường của thế hệ thanh niên Việt Nam là đấu tranh vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, đánh đổ thực dân. Buổi nói chuyện đã gây tiếng vang trong quần chúng nhân dân, sau đó khắp Nam Kỳ lục tỉnh in hình Nguyễn An Ninh treo trong nhà, xem như là lãnh tụ của phong trào đấu tranh dân tộc.

Khi đang chuẩn bị để tổ chức ra tờ báo thì Thống đốc Nam Kỳ - Maurice Cognacq và trùm mật vụ Paul Arnoux mời Nguyễn An Ninh tới dinh Thống đốc làm việc liên quan đến buổi nói chuyện đêm 15/10/1923. Trước hai viên quan Pháp mặt hằm hằm, chàng thanh niên Nguyễn An Ninh bình tĩnh.

Thống đốc Arnoux nhìn Nguyễn An Ninh rồi gằn giọng: “Anh nói gì ở Hội khuyến học Nam Kỳ?”. Nguyễn An Ninh đáp: “Tôi nói rằng đất nước tôi cần tri thức, thanh niên An Nam cần có lý tưởng”. Không đợi Nguyễn An Ninh nói hết, tay Thống đốc quát: “Không cần tri thức ở đất nước này. Nếu anh muốn làm tri thức thì sang Moscow (Nga) mà làm. Anh định gieo hạt giống ở đất nước này nhưng nó không nảy mầm được đâu. Cái xứ Nam Kỳ này phải nghe lời tôi. Từ nay tôi cấm anh tụ họp đông người và diễn thuyết”.

20230526_153104(1).jpg
Nguyễn An Ninh trong tờ truy nã của thực dân Pháp năm 1937.

Nguyễn An Ninh im lặng, bình thản. Viên Thống đốc liền xuống giọng: “Tôi thương và kính trọng tài năng của anh nên mới nói như vậy. Anh đỗ cử nhân luật tại Pháp, thông minh và nói giỏi tiếng Pháp hơn người Pháp. Anh chấp nhận cộng tác với nhà nước thì sẽ được vợ đẹp, con ngoan, nhà lầu, xe hơi với chức quan to cho anh".

Nguyễn An Ninh liền cắt ngang: “Tôi học không phải để làm quan”. Toàn quyền lại hỏi: Vậy anh mở văn phòng luật sư, hay làm Chánh án? Rồi viên Thống đốc gằn giọng lạnh lùng: “Anh định làm chánh trị à? Khám lớn đang rộng cửa, Côn Đảo còn rộng chỗ cho anh. Tư tưởng của anh là phiến loạn”. Nguyễn An Ninh đáp: “Tại sao lại là phiến loạn? Tôi có thể tranh luận cùng ngài. Tôi yêu nước Pháp, tư tưởng tiến bộ Pháp, tôi muốn truyền bá dân chủ, công bằng, bác ái của cách mạng Pháp cho đồng bào tôi là phiến loạn à? Những việc làm của tôi chỉ để gióng lên hồi chuông báo động với đồng bào tôi thôi”.

Viên Thống đốc hét lên: “Nhưng tiếng chuông của anh chỉ là tiếng chuông nứt, tiếng chuông rè, hiểu chưa”. Nghe xong, Nguyễn An Ninh cười thầm. Trong đầu ông lóe lên ý tưởng, đang bí không biết đặt tên tờ báo là gì, nay nhờ viên Thống đốc mà có tên đặt cho tờ báo. Tiếng Chuông Rè hay hơn chuông vang, vì càng rè, nó càng làm cho thực dân nhức óc hơn. Ông không tranh luận nữa và ra về sau sự cảnh cáo của viên Thống đốc. Nguyễn An Ninh quyết định chọn tên Tiếng Chuông Rè cho tờ báo của mình sau buổi làm việc này.

z4441633321284_711736e9ed1d749f4d474d2ec05e86f6.jpg
Cụ bà Nguyễn Thị Minh kể về hoạt động báo chí cách mạng của cha mình

Bà Nguyễn Thị Minh nhớ lại: “Sau này nhắc lại cho má tôi nghe, ba tôi nói chuẩn bị ra tờ báo chưa biết lấy tên gì thì ngài Thống đốc lại gợi giúp một cái tên “Tiếng Chuông rè”. Chuông rè lại hay hơn chuông vang, vì nó càng rè thì càng làm cho ngài Thống đốc nhức óc hơn”.

Gọi là Chuông Rè nhưng tiếng chuông ấy, tiếng vọng ấy, âm vang ấy không hề rè. Nó góp phần tạo nên một làn sóng yêu nước và quật khởi khắp miền Nam.

Báo La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh được người đọc yêu thích thì nhà cầm quyền tìm cách uy hiếp người đọc, vì không thể cấm được ông cử nhân luật đã chấp hành đúng luật lệ quy định. Công chức đọc báo bị đuổi việc, học sinh đọc báo bị đuổi học, binh lính đọc báo bị đuổi đến nơi xa xôi hẻo lánh, các nhà tư sản điền chủ đặt mua báo thì tiền bị chặn lại ở bưu điện, nhà in nào in báo thì chủ nhà in bị đe dọa, trẻ em bán báo thì bị đưa về bót, bị tịch thu hết báo. Chưa có tờ báo nào ở xứ Nam kỳ bị khổ sở như tờ báo của Nguyễn An Ninh.

Kỳ tới: Điên cuồng khủng bố ngăn chặn Tiếng Chuông Rè

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn An Ninh: Từ cuộc "đốp chát" với viên thống đốc, đẻ ra Tiếng Chuông Rè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO