Đời sống

Tập hợp giới trí thức xây ngọn cờ báo chí đấu tranh

Văn Kỳ 22/06/2023 21:00

Sau thời gian một mình bỏ kinh phí tổ chức xuất bản tờ La Cloche Fêleé - Tiếng Chuông Rè từ khâu viết bài, trình bày, in ấn, phát hành… nhưng bị thực dân Pháp khủng bố, phải tạm ngưng. Nguyễn An Ninh nhận thấy cần phải tập hợp những nhà trí thức có kinh nghiệm dưới ngọn cờ báo chí để tăng cường sức mạnh đấu tranh.

1.jpg

Báo La Cloche Fêleé - Tiếng Chuông Rè phát hành từ cuối 1923, dung lượng thông tin cổ động quần chúng, trực diện đấu tranh đả phá chế độ thực dân Pháp ngày càng lớn, chính quyền Nam Kỳ vô cùng tức tối, dùng mọi thủ đoạn khủng bố, ngăn chặn.

Ngày 14/7/1924 phát hành xong số 19, báo Tiếng Chuông Rè phải tạm ngưng, Nguyễn An Ninh lại tranh thủ viết cuốn sách “Nước Pháp ở Đông Dương”, dự tính sẽ sang Pháp in để phổ biến ra quần chúng. Thời điểm này, cụ Phan Châu Trinh đang bị thực dân Pháp giam lỏng ở Paris nhiều năm, lớn tuổi, bệnh nặng cụ có nguyện vọng được về nước ở bên đồng bào nên cuối cùng được Pháp chấp nhận. Sau khi bàn bạc, Nguyễn An Ninh quyết định tạm ngưng tờ báo để sang Pháp đưa cụ Phan về.

1(2).jpg
Tiến sỹ luật, nhà yêu nước Phan Văn Trường từ Pháp về Việt Nam cùng với Nguyễn An Ninh xây dựng tờ báo đấu tranh

Tháng 01/1925, Nguyễn An Ninh sang Pháp lần thứ tư. Đến Pháp, ông tất bật thăm những bạn bè Pháp có thiện cảm, ủng hộ cuộc đấu tranh cho dân tộc Việt Nam. Gặp gỡ đồng bào Việt Nam tha hương, chính Nguyễn An Ninh đã nhiều lần tranh thủ đăng đàn nói chuyện về chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương, con đường đấu tranh của dân tộc Việt Nam ngay trên đất Pháp. Đồng thời, ông cũng đã in xong 2.000 bản sách “Nước Pháp ở Đông Dương”, phát hành ở Paris và bí mật gửi về Sài Gòn 150 quyển để tuyên truyền qua đường một người thân tín là ông Trịnh Văn Kiệt.

Lần giở nguồn tư liệu giai đoạn này, thật bất ngờ khi cụ Nguyễn Thị Minh đã thu thập được gần như toàn bộ hồ sơ lưu trữ của mật thám Pháp ghi lại nhất cử nhất động về cha mình, khi ở Pháp cũng như lúc đưa cụ Phan Châu Trinh về Việt Nam năm 1925. Các báo cáo mật được mật thám Pháp giám sát liên tục, nhưng thực dân Pháp không thể làm gì được Nguyễn An Ninh.

2.jpg
Luật sư Trịnh Đình Thảo, người đồng chí nhiều lần bảo vệ Nguyễn An Ninh trước Tòa án Pháp.

Cụ thể, tại bản Báo cáo mật số 446 ngày 01/7/1925 của Sở Mật thám Nam Kỳ (thuộc Nha Cảnh sát Đông Dương) có ghi: “Phan Châu Trinh và Nguyễn An Ninh đi trên tàu Fontainbleau khởi hành từ Marseille đã về tới đây (Sài Gòn) ngày 18/6/1925. Ra đón có khoảng tầm 10 người, một xe hơi của Lê Kim Ty đã đưa 2 người về khách sạn Chiêu Nam Lầu của bà cô Ninh. Tại Sài Gòn đã tiến hành lục soát tỷ mỹ các hành lý của Nguyễn An Ninh và Phan Châu Trinh và các ngăn đồ đạc của thủy thủ người Việt để tìm tài liệu nhưng không thấy gì”.

Cụ Phan Châu Trinh được đưa về nhà Nguyễn An Ninh ở Hóc Môn để chữa trị do bệnh hen suyễn trở nặng. Sau khi sắp xếp ổn thỏa, Nguyễn An Ninh bắt tay ngay để báo La Cloche Fêleé - Tiếng Chuông Rè được xuất bản trở lại sau khi tạm ngưng ở số 19. Lần này có sự góp sức của tiến sỹ luật Phan Văn Trường, người đã nhận lời đề nghị của Nguyễn An Ninh về Sài Gòn làm báo cùng khi ông còn ở Pháp.

Luật sư Phan Văn Trường nhận đứng làm chủ nhiệm báo, vì ông có quốc tịch Pháp; Nguyễn An Ninh là cây bút chủ lực với những bài viết sắc bén. Báo tổ chức bài chặt chẽ, lập luận chắc chắn hơn; đồng thời chuyển về trụ sở mới số 273 đường Espagne Sài Gòn (Lê Thánh Tôn ngày nay).

3.jpg
Passport của Nguyễn An Ninh giúp ông đi lại giữa Pháp và Việt Nam lúc hoạt động.

Ngoài ra, Tiếng Chuông Rè còn có sự tham gia của nhiều trí thức, trong đó có cả những trí thức gốc Pháp có tư tưởng tiến bộ nhưng luật sư Paul Monin, người được xem là viết hay, nói giỏi. Nội dung của báo Tiếng Chuông Rè có những bài viết mang tính chính luận, mang tầm Quốc tế, đưa tiếng nói đấu tranh một cách khôn khéo. Trong đó có đăng các bài của báo L’Humanité (Nhân đạo) - Cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Pháp; Tờ Corretcondances Internationanles (Thư tín Quốc tế)- Cơ quan của Quốc tế Cộng sản…

Từ số 53 (29/3/1926) đến số 60 (26/4/2026) Tiếng Chuông Rè đăng toàn văn Tuyên ngôn Cộng sản của Karl Marx và Friedrich Engel. Đây được xem là sự bứt phá, khôn ngoan của Nguyễn An Ninh, luật sư Phan Văn Trường và Ban biên tập Tiếng Chuông Rè, vì đã công khai đưa Tuyên ngôn cộng sản, tư tưởng dân chủ, tiến bộ, đánh trực diện những chính sách thối nát của chế độ thực dân Pháp ra công khai ngay giữa Sài Gòn – được xem là thủ phủ thuộc địa. Thực dân Pháp rất cay cú nhưng không làm gì được.

4(2).jpg
Báo L’Annam do nhóm trí thức cách mạng cùng Nguyễn An Ninh tổ chức được đổi tên từ Tiếng Chuông Rè

Ngoài ra, Tiếng Chuông Rè còn đăng loạt bài viết trong cuốn “Nước Pháp ở Đông Dương” của Nguyễn An Ninh; bài của Nguyễn Tịnh “Ông Varenne và quyền tự do báo chí”; Bài của Dejeans “Chính sách thuộc địa”… những bài này đã công khai tố cáo tội ác man rợ của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam.

Ngoài các bài luận văn chính trị mang tính chiến đấu, Tiếng Chuông Rè còn đăng cả tin trong nước, Quốc tế, tiểu thuyết nhiều kỳ để có sự sinh động, tránh tai mắt, gây sự của thực dân Pháp. Ngày 03/5/1926, Tiếng Chuông Rè- La Cloche Fêleé in số báo số 62, là số cuối cùng trước khi thay đổi măng-sét thành L’Annam để chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới, mạnh mẽ hơn.

Thức tỉnh và tổ chức quần chúng

“Ra báo La Cloche Fêleé chỉ là bước đầu tuyên truyền thức tỉnh đồng bào thấy rõ tội ác và chính sách cai trị ngu dân của bọn thực dân. Việc vận động tổ chức quần chúng lại mới là bước quan trọng. Việc này phải làm từng bước và phải có thời gian”, cụ Nguyễn Thị Minh nói về tờ báo của cha mình.

Kỳ tới: Nguyễn An Ninh: Dấn thân trên mặt báo chí, đối mặt tù đày

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn An Ninh: Tập hợp giới trí thức xây ngọn cờ báo chí đấu tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO