Nguyễn An Ninh: Đưa tư tưởng Cộng sản lên mặt báo, chấp nhận tù đày

Văn Kỳ 30/06/2023 21:00

Lập nên báo Tiếng Chuông Rè, Nguyễn An Ninh sử dụng triệt để phục vụ mục đích tuyên truyền, thức tỉnh quần chúng, đấu tranh trực diện thực dân Pháp. Cũng chính vì điều này, ông liên tục bị theo dõi, bắt bớ, 5 lần bị giam cầm, cuối cùng hi sinh trong nhà tù khi mới 43 tuổi.

4(1).jpg

Từ năm 1920, khi học tập và hoạt động ở Pháp cùng nhà yêu nước Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh, bản thân Nguyễn An Ninh đã nhận thức được sức mạnh tuyên truyền bằng công cụ báo chí. Sau này, khi xuất bản được tờ La Cloche Fêleé- Tiếng Chuông Rè ở Sài Gòn, Nguyễn An Ninh luôn tận dụng cơ hội để làm sao, trong khuôn khổ hạn hẹp của tờ báo phải truyền tải được những tư tưởng tiến bộ, tư tưởng cách mạng mà báo vẫn có thể tồn tại dưới chế độ kiểm duyệt của thực dân Pháp.

1(1).jpg
Tờ truy nã của thực dân Pháp đối với Nguyễn An Ninh với tội xúi giục quần chúng, chống chính quyền thuộc địa.

Cụ Nguyễn Thị Minh kể lại những toan tính sắc sảo của cha mình: “Má tôi kể cho chúng tôi nghe những toan tính của ba tôi để làm sao đưa được Tuyên ngôn Cộng sản (gọi đầy đủ là Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do Karl Marx và Friedrich Engels viết ra) lên báo La Cloche Fêleé. Đó là những đêm gần như ba tôi thức trắng. Khó khăn ở chỗ, làm cách nào bản Tuyên ngôn Cộng sản được đăng trót lọt, chứ không thể đăng một vài đoạn rồi bị tịch thu, bị cấm thì không đạt yêu cầu mà ảnh hưởng tới tờ báo. Đó là hàng quốc cấm, là tù tội. Làm sao cho bọn mật thám bớt chú ý trong thời gian ít nhất phải một tháng. Làm sao cái ngày báo đăng Tuyên ngôn Cộng sản kỳ đầu có sự kiện gì thu hút mật thám tập trung vào đó mà không còn thì giờ đâu để đọc kỹ La Cloche Fêleé- Tiếng Chuông Rè”.

2(1).jpg
Hình Nguyễn An Ninh bị truy nã công khai trong thời gian ông hoạt động báo chí.

Sau bao đêm suy nghĩ, Nguyễn An Ninh tìm ra kế, phải dùng bình phong là bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền để làm nền tảng, dẫn đường dư luận. Đây là văn bản nền tảng của Cách mạng Pháp (1789–1799), trong đó nêu các quyền cá nhân và quyền tập thể của tất cả các giai cấp xã hội là bình đẳng, kể cả bọn thực dân cũng phải công nhận.

Hồi ký bà Minh viết: “Ba tôi tính, phải kéo dài bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền bằng cách mỗi kỳ in 3 điều, in làm 27 kỳ, từ số 42 đến số 68. Sau đó đăng Tuyên ngôn Cộng sản chèn vào giữa thời gian đó làm 8 kỳ từ số 53 đến số 60. Trước ngày đăng, ba tôi sẽ đánh lạc hướng bằng buổi nói chuyện trước công chúng có nội dung nẩy lửa, để hút dư luận và mật thám Sài Gòn”.

Theo kế hoạch tuyên truyền, Nguyễn An Ninh cùng Ban biên tập đã quyết định đổi tên báo từ La Cloche Fêleé thành L’Annam kể từ ngày 01/5/1926. Dự kiến, Tuyên ngôn Cộng sản sẽ đăng từ số báo 53 đến số báo 60 trên Tiếng Chuông Rè. Nhưng trước số 52 một ngày, Nguyễn An Ninh bị mật thám bắt. Thông tin Nguyễn An Ninh bị bắt được đăng tải công khai, sau đó số tiếp theo đăng Tuyên ngôn Cộng sản.

3..jpg
Nhà tù, nơi giam Nguyễn An Ninh tại Côn Đảo

Khi báo chuyển sang tên mới là L’Annam, Ban biên tập vẫn chủ trương phê phán mạnh mẽ chính sách nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương. Khi Chính phủ Pháp đưa A.Varenne (Đảng xã hội Pháp) sang làm toàn quyền Đông Dương, L’Annam liền đăng tải bài: “Chiến sĩ xã hội A.Varenne và những tên thực dân lộng hành ở Đông Dương chẳng có gì khác nhau về đường lối cả”.

Các số báo sau đó, L’Annam liên tục chĩa ngòi bút vạch mặt chế độ thực dân Pháp. Có những bài viết chỉ rõ chủ nghĩa thực dân Pháp là nguồn cội của mọi khổ đau của nhân dân Việt Nam. Báo lên án chủ nghĩa thực dân ở mọi phương diện, đại diện cho chính quyền thực dân là những kẻ xảo trá, tàn bạo, tham nhũng.

4(2).jpg
Báo cáo mật thám Pháp rất chi tiết, theo dõi từng hoạt động nhỏ của Nguyễn An Ninh.

Đặc biệt, L’Annam đăng bài “Chủ nghĩa cộng sản ở Đông Dương” của tác giả Nguyễn Khánh Toàn (số 167, ngày 09/6/1927) nêu: “Muốn cho quần chúng chú ý thức tỉnh, chỉ cần quần chúng ý thức được quyền lợi và sức mạnh của mình. Và chủ nghĩa cộng sản đặt cho mình nhiệm vụ đem lại cho quần chúng ý thức về sức mạnh và quyền lợi đó”. Tờ báo đấu tranh trực diện vào chế độ thực dân Pháp, trưa ngày 21/7/1927, luật sư Phan Văn Trường bị bọn mật thám ập vào nhà riêng khám và bắt đi. Chúng còn vào tòa soạn báo L’Annam lục soát tài liệu. Ngày 25/7/1927, L’Annam ra số báo 178 đăng tin Phan Văn Trường bị bắt, báo L’Annam bị lục soát. Nhà cầm quyền thực dân tức tối ra lệnh, đình bản báo L’Annam. Sau đó là các cuộc bắt bớ toàn bộ nhân sự Ban biên tập L’Annam.

Ngày 08/5/1929, Tòa án thực dân đưa Nguyễn An Ninh ra xét xử và tuyên phạt 3 năm tù, cùng 5 năm mất quyền công dân về tội tham gia Hội kín. Sau năm 1931, Nguyễn An Ninh mãn hạn tù, tiếp tục quay lại hoạt động cùng đồng chí Hà Huy Tập và tham gia báo La Lutte. Ngày 28/9/1936, thực dân Pháp ra lệnh bắt Nguyễn An Ninh khi ông đang ngồi ở văn phòng luật sư Trịnh Đình Thảo, đập phá tòa soạn báo La Lutte, tịch thu hết mọi tài liệu. Sau đó, với sự đấu tranh kiên quyết của luật sư Trịnh Đình Thảo và bạn hữu Pháp tiến bộ, thực dân buộc phải thả Nguyễn An Ninh và ban biên tập.

2.jpg
Báo La Lutte là tờ thứ 2 Nguyễn An Ninh chủ trương tổ chức có mục đích vận động cách mạng.

Nguyễn An Ninh lại tiếp tục đấu tranh và bị bắt không lâu sau đó trong một lần đi tuyên truyền tại Trà Vinh. Đây là lần thứ tư Nguyễn An Ninh bị bắt, lần này tòa án thực dân tuyên phạt Nguyễn An Ninh 5 năm tù giam và 10 năm biệt xứ. Nguyễn An Ninh chống án, sau đó Tòa án giảm án xuống còn 2 năm tù và 5 năm biệt xứ.

Năm 1939, Nguyễn An Ninh ra tù, vẫn còn 5 năm biệt xứ, buộc phải đưa cả gia đình xuống Mỹ Tho để tạm thời trú ngụ. Ở đây ông tiếp tục hoạt động. Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn cũng bị bắt và đày đi biệt xứ ở Côn Đảo. Ngày 14/8/1943, Nguyễn An Ninh hy sinh trong tù.

Như vậy, con đường đấu tranh cách mạng, trong đó có mặt trận báo chí một thời sôi nổi tạm lắng trước súng đạn của thực dân. Tiên tuổi Nguyễn An Ninh vẫn còn mãi với những hi sinh to lớn với dân tộc thời kỳ đầu của cách mạng Nam Kỳ.

Từ La Cloche Fêleé đến L’Annam và La Lutte   

Bà Nguyễn Thị Minh nói: “Nhiều tài liệu viết cho rằng, La Cloche Fêleé đến L’Annam và La Lutte là 3 tờ báo độc lập, khác nhau về chủ báo là không đúng. La Cloche Fêleé chuyển thành tên L’Annam thể hiện 2 giai đoạn nhận thức đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, từ thấp đến cao mà ba tôi đã toan tính theo kế hoạch. Riêng tờ La Lutte ba tôi tổ chức riêng vào mục đích cổ động, yểm trợ cho nhóm ứng cử viên (có tư tưởng cách mạng, lao động) vào Hội đồng thành phố Sài Gòn tại kỳ đại hội tháng 4/1933. Với kinh nghiệm làm báo, ba tôi đứng ra tổ chức tờ La Lutte bằng tiền tích góp do mẹ tôi bán dầu cù là. Báo La Lutte ra số 1 ngày 24/4/1933 và xuất bản 4 số do ba tôi tự làm. Sau đó, nhóm La Lutte (những người có tư tưởng tiến bộ) cùng ba tôi và xuất bản tiếp từ số thứ 5 (ngày 4/10/1934)”.

Kỳ cuối: Cùng chồng dấn thân trên mặt trận báo chí

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn An Ninh: Đưa tư tưởng Cộng sản lên mặt báo, chấp nhận tù đày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO