Đời sống

Nguyễn An Ninh với
báo chí cách mạng Nam Kỳ đầu thế kỷ XX

Văn Kỳ 19/06/2023 06:06

LTS: Sài Gòn đầu thế kỷ XX sinh động với những phong trào đấu tranh khẳng định ý thức dân tộc, chống lại chế độ thực dân Pháp. Để tập hợp quần chúng, những trí thức cách mạng đã lập nên các tờ báo và sử dụng vào mục đích tuyên truyền. Tuy bị đàn áp, khủng bố, người làm báo bị tù đày… nhưng những câu chuyện bất khuất ấy vẫn còn mãi với lịch sử vẻ vang của dân tộc. Công lý & Xã hội xin giới thiệu loạt bài về nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và con đường đấu tranh cách mạng bằng báo chí đầu thế kỷ XX tới độc giả.

anh-nen-bao-chi.png
z4441628133216_bf1f21c7390f04ac60fc207b465d1fd9-1-.jpg

NUÔI CHÍ LỚN ĐI TÂY HỌC LÀM BÁO
ĐỂ VỀ NƯỚC ĐẤU TRANH

Xuất phát từ mục đích đấu tranh chống chế độ thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh đã sang Pháp học luật và học làm báo tại tờ La Paria cùng những nhà yêu nước, trong đó có Nguyễn Ái Quốc.

Quá trình phóng viên đi tìm sử liệu, hiện thực hóa đề tài về mảng báo chí cách mạng vùng Nam Bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng giai đoạn đầu thế kỷ 20 trải qua không ít vất vả. Viết về cách mạng Nam Kỳ thì nhiều, nhưng vẽ nên một bức tranh sinh động của thời kỳ đấu tranh trên mặt trận báo chí chống lại chế độ còng, súng và nhà tù thực dân Pháp thì ít. Nhưng động lực cứ thôi thúc tác giả phải đi, kiếm tìm, thu thập tư liệu để rồi quyết định chọn nhà cách mạng, nhà trí thức, nhà báo xuất chúng, liệt sỹ Nguyễn An Ninh.

Cuộc đời Nguyễn An Ninh ngắn ngủi, hy sinh trong lúc bị đày ở nhà tù Côn Đảo của thực dân Pháp năm 1943, khi vừa đúng 43 tuổi. Nhưng ông vẫn sống mãi trong lòng dân tộc với vai trò là một trí thức lớn, nhà yêu nước, nhà cách mạng tiêu biểu đầu thế kỷ 20 ở Nam Kỳ. Ở đây, tác giả nói về Nguyễn An Ninh ở góc độ nhà báo, gắn liền với tên tuổi tờ báo La cloche fêlée, tiếng Việt nghĩa là Tiếng Chuông Rè, một tờ báo có nội dung cách mạng đầu tiên ở Nam Kỳ và dám trực diện công kích chế độ thực dân Pháp.

z4441628126424_befc08b7b6e9d2a1e7f12c03db930252.jpg
Nguyễn An Ninh (thứ 2 từ bên phải vào) cùng các bạn sinh viên thời học Luật ở Pháp (1919-1920)

Tác giả may mắn được tiếp cận và được sử dụng sử liệu từ gia đình nhà cách mạng Nguyễn An Ninh với hai nguồn chính là hồi ký của cụ Trương Thị Sáu (1899-1983, vợ nhà cách mạng Nguyễn An Ninh) và tư liệu của cụ bà Nguyễn Thị Minh (88 tuổi, người con thứ 5 của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh). Và, cuộc đời làm báo phục vụ cách mạng của Nguyễn An Ninh sống động đến bất ngờ.

Nguyễn An Ninh sinh năm 1900 tại xã Long Thượng, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An) trong một gia đình Nho giáo. Cha là cụ Nguyễn An Khương, giỏi chữ Hán, kiêm nghề thầy thuốc. Cụ Khương cũng là cây bút đắc lực của tờ “Nông cổ mím đàm” (ra đời 1901), tờ báo tiếng Việt do Paul Canavaggio - một chủ đồn điền và thương gia, hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ làm chủ nhiệm chuyên bàn luận về vấn đề nông nghiệp và thế sự.

Cụ Khương cũng là thành viên tham gia phong trào Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, là bạn của những chí sỹ lớn của dân tộc, đặc biệt là bạn thân của cụ Phan Châu Trinh. Về sau, cụ Khương mở khách sạn Chiêu Nam Lầu (nay là đường Nguyễn Huệ, Quận 1) để làm kinh tế và làm nơi lưu trú của những người tham gia phong trào đấu tranh chống Pháp ở Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ 20.

z4441628128750_c01b0919bfcd2626c795d9c39f2d01a0.jpg
Cụ Nguyễn An Khương (cha Nguyễn An Ninh) là người bán ruộng giúp vật chất, trợ lực tinh thần giúp Nguyễn An Ninh làm báo, làm cách mạng

Gia đình có truyền thống nho học và yêu nước, Nguyễn An Ninh lớn lên được tiếp xúc với những chí sỹ lớn là bạn của cha mình. Ông sớm nhạy cảm với các luồng tư tưởng, trong đó có tinh thần dân tộc, dân chủ, bài thực dân, chống áp bức, bóc lột. Năm 16 tuổi (1916), sau khi tốt nghiệp trung học hạng ưu, Nguyễn An Ninh ra Hà Nội học Cao đẳng Y khoa, sau đó học trường Cao đẳng Luật học.

Khi đang học dở năm nhất thì tháng 8/1917, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên chống Pháp do lãnh tụ Đội Cấn lãnh đạo nổ ra, bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Nguyễn An Ninh nhận ra, bản thân không thể yên vị ngồi ghế nhà trường để đồng bào lầm than, đau khổ. Chành thanh niên Nguyễn An Ninh quyết định bỏ học, tìm đường đi Pháp để học luật bản địa, nuôi chí lớn là tìm đường giải phóng đồng bào, dân tộc.

Năm 1918, Nguyễn An Ninh sang Paris, ông sống khổ cực cùng nhóm thợ thuyền, công nhân Việt bị đày sang Pháp tại thủ đô Paris và nộp hồ sơ vào học ngành luật tại Đại học Sorbonne. Nguyễn An Ninh giao du với giới trí thức và gặp được giáo sư Marcel Cachin (1869-1958), đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, cũng là bạn thân của Nguyễn Ái Quốc và được tiếp xúc với nền tư tưởng tiến bộ dân chủ.

z4441628133216_bf1f21c7390f04ac60fc207b465d1fd9.jpg
Khách sạn Chiêu Nam Lầu (nay đường Nguyễn Huệ, Quận 1) là nơi tụ họp những nhà yêu nước lớn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20

Tại đây, Nguyễn An Ninh gia nhập nhóm số 6 Villa Des Gobelins (thủ đô Paris) gồm các nhà cách mạng: Phan Châu Trinh (bị Pháp giam lỏng), tiến sỹ luật Phan Văn Trường, nhà yêu nước Nguyễn Thế Truyền, nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Ái Quốc (bác Hồ). Chính thời gian này, Nguyễn An Ninh đã chuyển hóa từ một người yêu nước thuần túy thành nhà cách mạng, mang chí lớn đấu tranh vì vận mệnh dân tộc.

Với học lực xuất sắc, Nguyễn An Ninh được nhà trường nể trọng. Đầu năm 1920, Nguyễn An Ninh tốt nghiệp ngành luật và chuẩn bị hồ sơ để học lên tiến sỹ nhưng sau đó vì chọn đấu trang, ông đã không tiếp tục. Năm 2021, Nguyễn An Ninh bắt đầu tham gia những đoàn hội lớn tại Pháp như: Hội người Việt Nam yêu nước, Hội liên minh nhân quyền, Hội liên hiệp thuộc địa.

Ông tham gia viết báo cho các tờ báo: La Tribunne Annamite (Diễn đàn bản xứ) của Nguyễn Phú Khai và Bùi Quang Chiêu, Le Libertaire (Người Tự Do, ủng hộ dân chủ), báo L'Humanité (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp). Đặc biệt, ông làm biên tập viên tờ Le Paria (diễn đàn của các dân tộc thuộc địa) do Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền và những nhà trí thức thuộc địa của Pháp đang hoạt động tại Paris cùng góp tiền làm và xuất bản.

3(1).jpg
Cụ Nguyễn Thị Minh nói về con đường hoạt động báo chí của cha mình.

Cụ bà Nguyễn Thị Minh nhận định về giai đoạn này của cha mình: “Đây là thời điểm quan trọng định hình tư tưởng của ba tôi, một thanh niên mới ngoài 20 tuổi. Ông nhận ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc đầu tiên phải thức tỉnh, khai mở tư tưởng quần chúng. Muốn vậy có hai hình thức đấu tranh hiệu quả đó là viết báo để tuyên truyền (như cách Nguyễn Ái Quốc làm tờ Le Paria ở Pháp), phổ biến tư tưởng và diễn thuyết trước đám đông để lôi kéo vận động quần chúng”.

Giai đoạn làm biên tập cho tờ báo Le Paria cùng Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường vô cùng quan trọng để chuẩn bị sau này Nguyễn An Ninh về nước lập nên tờ La Cloche Fêleé- tiếng Việt là Tiếng Chuông Rè. Bà Nguyễn Thị Minh nhận định: “Sau này ba tôi về nước lập nên tờ báo Tiếng Chuông Rè xuất bản ở Sài Gòn thực tế là phiên bản của tờ Le Paria”.

z4441628132154_272182007cc30d48f745bef2354b5f07.jpg
Ngôi mộ của thân phụ, thân mẫu Nguyễn An Ninh tại Quận 12, TP.HCM

Sau thời gian học luật và học làm báo, Nguyễn An Ninh nhận thấy phải về nước xây dựng phong trào với 2 hình thức làm báo và diễn thuyết nên đến gặp Nguyễn Ái Quốc trao đổi. “Để chuẩn bị về nước, ba tôi gặp bác Quốc trao đổi. Bác Quốc rất hoan nghênh, từ lâu bác đã hy vọng điều đó vì ba tôi là người có hoàn cảnh thuận lợi để thực hiện”. Tháng 10/1922, Nguyễn An Ninh xuống tàu về Sài Gòn, sau bao năm tha hương.

“Thì giờ còn lại ba tôi đến số 6 Villa Des Gobelins thăm cụ Phan (Phan Châu Trinh), ông Trường (tiến sỹ luật Phan Văn Trường). Ba tôi cũng thích dạo phố, thích tìm đến nơi có người Việt Nam sinh sống, thích kết bạn với những người có đầu óc cách mạng, nhất là thích nghe ý kiến của các giáo sư tiến bộ, các nhà báo nổi tiếng của Pháp. Cứ biết ở đâu có tổ chức nói chuyện là ba tôi đến nghe. Ba tôi đi đâu, ai gặp cũng đều thương cậu sinh viên trẻ, thông minh, có tài nói năng lưu loát và pha trò có duyên”, bà Nguyễn Thị Minh viết về cha mình lúc học tập và hoạt động ở Pháp.

Kỳ tới:
Nguyễn An Ninh: Từ cuộc "đốp chát" với viên thống đốc, đẻ ra Tiếng Chuông Rè

(Ảnh: Tư liệu gia đình nhà cách mạng Nguyễn An Ninh cung cấp)

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn An Ninh với báo chí cách mạng Nam Kỳ đầu thế kỷ XX
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO