Mua bán hóa đơn trái phép tại TP.HCM: Vô tư giao dịch

Nguyễn Anh| 13/04/2018 13:33

Với chi phí khoảng từ 5% đến 10%, ai cũng có thể mua được hóa đơn, loại hàng hóa, dịch vụ nào cũng có, trừ súng ống và xe tăng như quảng cáo của các đối tượng bán hàng.

Gom công ty xuất hóa đơn

Hiện nay, dịch vụ cung cấp hóa đơn giá trị gia gia tăng mọc lên như nấm. Nếu cần hóa đơn thì không khó khăn gì để có thể mua được, kể cả đầu vào cũng như đầu ra. Ẩn trong đó là các công ty “ma” được thành lập ra chỉ để bán hóa đơn kiếm lợi. Trong vai nhân viên một doanh nghiệp, PV báo CL&XH đã đi mua hóa đơn và điều tra được nhiều thông tin mật trong thế giới ngầm này.

Thấy thông tin cung cấp hóa đơn, của người tên Tùng có số điện thoại 0944829xxx với lời quảng cáo: “Hóa đơn mình là hàng xịn 100% nhé. Công ty đang hoạt động, kinh doanh thường nhật. Hỗ trợ chuyển khoản. Bao xác minh công ty xuất…”. Tuy nhiên khi yêu cầu đang có 20 tấn cà phê chuẩn bị xuất khẩu sang Anh nhưng không có hóa đơn để làm thủ tục hải quan, PV đề nghị Tùng cung cấp hóa đơn thì Tùng nói ngay: “Ok. Được anh”. Sau khi nắm rõ tình tiết, Tùng nói: “Đợi em báo giá cụ thể cho anh nhé, sau đó thì chúng ta sẽ triển khai thôi”.

Các điểm cung cấp hóa đơn cho biết, loại nào cũng có

Tương tự, liên hệ với người tên Khanh, có số điện thoại 0903985xxx thì được người này cho biết: “Nếu lô hàng là 20 tấn cà phê, với số tiền là 5 tỷ đồng thì để anh hỏi lại kế toàn xem nên xuất hóa đơn như thế nào cho phù hợp. Vì số tiền 5 tỷ là lớn có thể xuất một lần hoặc xé nhỏ hai ba lần mới được. Còn hóa đơn để thì anh lo cho không có vấn đề gì đâu”. Khi hỏi công ty của anh tên gì thì Khanh chỉ cho biết: “Công ty xuất nhập khẩu” mà không nêu tên và sau đó chốt lại: “Khi nào xong anh sẽ báo cho em cụ thể nhé”.

Còn liên hệ với người tên Tám có số điện thoại 0988451xxx thì bao luôn tất cả các loại hóa đơn. Tám nói: “Anh cần hóa đơn gì cũng có, cứ nhắn email đi rồi tôi sẽ gửi danh sách công ty sang cho anh lựa chọn. Được thì sẽ kỳ hợp đồng, phí là 5%”. Và ngay sau đó, Tám gửi cho PV danh sách 5 công ty với những cái tên hết sức lạ lẫm như: Công ty TNHH Đ.T.N. (đã thay đổi giấy phép kinh doanh lần thư 4), Công ty TNHH TMDV H.T., Công ty TNHH TMDV N.Đ…

Điều đáng nói là những công ty này có những người đại diện pháp luật rất trẻ. Ví như Công ty TNHH Đ.T.N. thì người đại diện pháp luật (giám đốc) sinh năm 1985, người dân tộc. Công ty TNHH TMDV H.T. có người đại diện pháp luật sinh năm 1987. Rồi Công ty TNHH TM-DV N.Đ. cũng có người đại diện pháp luật sinh năm 1985… Theo đánh giá của những người rành về “thủ thuật” mua bán hóa đơn thì đây có thể là những công ty chỉ kinh doanh hóa đơn sau vài năm thì chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tạm dừng hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Thảo, người từng có nhiều năm làm kế toán cho một công ty tại TP.HCM nói: “Để lách luật thì họ lập ra hàng loạt các công ty bán hóa đơn. Về nguyên tắc, một người dân có thể sở hữu được nhiều công ty nhưng họ lợi dụng điều này để lập ra các công ty ma nhắm bán hóa đơn mà thôi. Còn với ngành thuế thì họ cũng chỉ kiểm tra quyết toán thuế trong ba hay bốn năm đối với một doanh nghiệp, còn lại thì vẫn do doanh nghiệp nộp tờ khai báo cáo theo định kỳ mà thôi”.

Tám gửi các công ty sang cho PV, trong đó đều là những có ty có rất nhiều ngành nghề để cho khách lựa chọn

“Chính vì thế, các công ty này hoạt động được ba bốn năm là xin tạm ngừng hoạt động. Nói tạm ngưng hoạt động nhưng thực chất đó là đóng cửa công ty để chuyển sang địa bàn khác hoạt động tiếp”, bà Thảo nói.

Hình thành băng nhóm

Thực tế, để rõ hơn về tình trạng các công ty mà ông Tám giới thiệu, PV đã đi tìm tận nơi để tìm hiểu có hoạt động hay không, trụ sở như thế nào?. Đầu tiên, PV tìm đến Công ty TNHH TM-DV H.Y.T. có địa chỉ ghi trên giấy phép đăng ký kinh doanh là 172/12/2 Nguyễn Bặc, phường 3, quận Tân Bình. Tuy nhiên, tìm đến địa chỉ PV chỉ thấy đó là một cửa hàng mua bán hàng thời trang.

Bước vào hỏi chị chủ cửa hàng thì được trả lời: “Ở đây không có công ty nào cả, là cửa hàng thời trang lâu lắm rồi”. Tuy nhiên, để chắc ăn, chị này còn vào hỏi thêm một người nữa và chúng tôi cũng nhận được cái lắc đầu không có công ty nào như trên. PV đi qua, đi lại kiểm tra vài địa chỉ gần đó đều không có công ty nào cả, chứ đừng nói là Công ty TNHH TMDV H.Y.T. như trên.

Tương tự, tìm đến địa chỉ ghi trên giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Đ.T.N. ở 114 Đinh Điền, phường 2, quận Tân Bình thì PV quan sát thấy đó là một cửa hàng bán rau, thực phẩm, gạo. Hỏi thêm chị chủ quán thì cũng được trả lời: “Ở đây không có công ty nào như anh nói cả”. Đều đáng nói là hai địa chỉ nói trên, dù ở khác phường nhưng khoảng cách rất gần nhau, càng gây thêm những nghi ngờ về tính xác thực của nó.

Địa chỉ Công ty TNHH TMDV H.Y.T hiện là một cửa hàng thời trang

Nói thêm về các chiêu thức hoạt động này, ông Nguyễn Viết Cường, giám đốc một doanh nghiệp tại TP.HCM từng bị gạ mua bán hóa đơn kiểu này nói: “Để vận hành trơn tru, các băng nhóm này thường thuê người thành lập doanh nghiệp (chủ yếu đứng đại diện pháp luật) ảo, rồi phân công nhóm khác đi tìm đầu ra để tiêu thụ hóa đơn ở các tỉnh thành, nhất là tại các thành phố lớn như TP.HCM. Ở đây, rất nhiều doanh nghiệp cần hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào, hàng trôi nổi trên thị trường, hàng hóa nhập lậu… Khi hai bên “ăn cạ” được với nhau thì ghi khống vào hóa đơn và ăn chia lợi nhuận. Đây là cách thức móc tiền thuế ai cũng biết”.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Hiện nay, hành vi phổ biến nhất vẫn là mua bán hóa đơn bàng hợp đồng “ma”. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nhưng được các đối tượng này lách luật. Ví dụ khi em cần một hóa đơn tư vấn pháp luật chẳng hạn thì về mặt nguyên tắc, anh với em phải ký một hợp đồng rõ ràng. Nếu số tiền mà lớn thì em phải chuyển tiền qua tài khoản cho anh”.

“Tuy nhiên, các đối tượng này lại sử dụng cách thức rút tiền trả lại. Ví dụ như hợp đồng trị giá là 20 triệu thì buộc phải chuyển khoản, khi đến ký hợp đồng thì sẽ rút tiền trả lại cho bên chuyển. Thực chất, hai bên không có giao dịch thực tế, còn muốn có hóa đơn thì phải tạo ra chứng cứ, đó là một hợp đồng ma”, luật sư Hùng phân tích thêm.

Thực tế, khi liên hệ với người tên Quý, có số điện thoại 0946066xxx để mua một hóa đơn trị giá 28 triệu, Quý nói: “Trên 28 triệu cho một máy tính xách tay thì phải chuyển khoản, do không xé lẻ được. Cho nên, anh nói bên công ty anh chuyển khoản qua công ty em, rồi bên em sẽ rút tiền ra trả lại cho bên anh, thế là xong”.

Còn địa chỉ Công ty TNHH Đ.T.N lại là một cửa hàng rau, thực phẩm, gạo

Tương tự, PV liên hệ với người tên Nam, có số điện thoại 0983573xxx thì cũng được tư vấn theo cách làm trên. Nam nói: “Anh cứ yên tâm đi, bên em làm ăn uy tín mà, với lại số tiền mấy chục triệu là nhỏ, có người còn chuyển sang cả mấy trăm triệu một hợp đồng mà có sao đâu. Cứ thế anh nhé, khi nào xong xuôi thì gọi điện cho em để ký hợp đồng nhé. Em lấy anh 10% thôi”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, đối với việc mua bán hóa đơn thì cơ quan thuế vẫn giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật. Nếu như các trường hợp nào mua bán hóa đơn trái phép thì do cơ quan công an điều tra, truy tố trước pháp luật. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mua bán hóa đơn trái phép tại TP.HCM: Vô tư giao dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO