Câu chuyện pháp đình

Nhờ công nghệ giám định gen, đòi được trâu đi lạc

Văn Kỳ 13/08/2023 19:01

Do trâu thả trên rừng thì bị lạc mất, ông Vi Văn Hồng đã đến bầy trâu nhà ông Vi Văn Tầu bắt một con về và cho rằng đó là trâu mình đi lạc. Ông Tầu đòi lại không được, bèn khởi kiện ra Tòa và quyết đi giám định gen để phân định trắng đen.

Nguyên đơn vụ án là ông Vi Văn Tầu (sinh năm 1969); bị đơn là ông Vi Văn Hồng (sinh năm 1977) là dân tộc Tày, ngụ cùng xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, là đương sự trong vụ án tranh chấp đòi tài sản là con trâu đực.

Theo hồ sơ, ông Tầu và ông Hồng là người cùng thôn, cùng xã và có đàn trâu thả trên rừng cách xa. Theo tập tục địa phương, cứ mỗi độ sau Tết âm lịch, người trong bản sẽ chăn trâu lên rừng thả rông, không cần trông coi.

trau-dad-1568858431924524606093-crop-15688586807081073361779.jpg
Ông Tầu đã đòi lại được trâu nhanh nhờ công nghệ giám định ADN. Hình minh họa

Trâu cứ ăn theo đàn, theo thói quen, nhiều khi đàn trâu tự sinh nở, lúc cứng cáp thì gia chủ mới biết. Bao đời, người Tày nuôi trâu dựa vào rừng núi, việc xác định quyền sở hữu cũng theo thói quen bầy đàn của trâu. Nếu trâu đi thành cụm về chuồng nhà nào, đấy là trâu nhà họ. Chính vì điều này, việc trâu đi lạc, tranh chấp lẫn nhau như chuyện tất yếu phải xảy ra.

Cuối năm 2019, ông Vi Văn Hồng lên rừng thăm trâu thì thấy khuyết một con trâu đực, tìm mãi vẫn không thấy đâu. Những ngày sau đó, ông Hồng huy động cả gia đình phách đồi, xuyên núi đi tìm nhưng cũng không thấy. Mọi người đinh ninh con trâu đã mất, khuyên ông về chăm trâu mẹ chờ thời gian sinh lứa mới để nhân giống. Nhọc nhằn, tiếc công, trong lòng Hồng vẫn nuôi ý nghĩ một ngày nào đó sẽ tìm thấy được con trâu đực của mình.

Ngày 04/5/2020 (âm lịch), như thường lệ, ông Hồng đi thăm trâu, khi đi ngang đàn trâu khác thì bỗng thấy con trâu đực, ông nhìn kỹ thì nhận định, nó y hệt con trâu nhà mình đã lạc. Mặc dù không biết có chắc chắn hay không, nhưng ông tin rằng đó là con trâu của mình nên quyết định xẻ đàn bắt con trâu này về. Đưa con trâu về, ông Hồng chăm bẵm cỏ rả, nhốt trong chuồng, không bao lâu sau con trâu đã quen bầy, quen chuồng.

Ông Vi Văn Tầu sau vụ mùa cũng lên thăm đàn trâu, nhưng lần này đàn khuyết mất con trâu đực. Đó là con trâu đẹp nhất, có hai vành khuôn màu trắng ở 4 chân. Ông đi tìm khắp nơi, cuối cùng hỏi han thì mới hay, ông Hồng thời gian gần đây có tìm lại được con trâu lạc giống đực, rất giống với trâu của nhà ông Tầu.

Ông Tầu đến tận chuồng nhà ông Hồng xem thì nhận ra ngay, đó là con trâu đực nhà mình, nhưng khi vào chăn về thì gia đình ông Hồng ngăn lại. Ông Hồng bảo rằng, đó là trâu nhà mình đi lạc đã tìm được.

Cuộc tranh chấp con trâu đực nảy lửa đã xảy ra. Cả hai phải nhờ cơ quan đoàn thể thôn bản đứng ra hòa giải, nhưng cơ quan đoàn thể có xu hướng cho rằng, đây là trâu nhà ông Hồng vì nó thả ra là chui vào chuồng nhà ông Hồng. Không thể đòi trâu bằng tranh cãi, ông Tầu quyết định khởi kiện vụ việc ra TAND huyện Lộc Bình.

Suốt quá trình Tòa thụ lý, ông Hồng khai con trâu đực nhà mình mất khoảng tháng 10/2019 đến ngày 04/5/2020 thì ông mới thấy trâu nhà mình ở đàn trâu nhà ông Tầu. Ông Hồng khẳng định, đó là trâu nhà mình; đồng thời chỉ ra đặc điểm: con trâu của ông khoảng 4 - 5 tuổi, là trâu đực do một con mẹ trong đàn có 4 con đẻ ra. Con mẹ đẻ ra 5 con, vào năm 2016- 2017 ông đã bán 2 con, 1 con 24 triệu, 1 con 26 triệu. Hiện nay trong đàn trâu của nhà ông Hồng còn 4 con, gồm 3 mẹ con 2 con đực và 1 con cái, con trâu mẹ này do bà nội để lại cho.

Khoảng tháng 10/2019 con trâu thả rông đi lạc tìm không thấy; đến tháng 5/2020 ông đi tìm lại thấy trong đàn trên núi nên mới bắt về. Nay nhà ông Vi Văn Tầu đòi con trâu này, ông Hồng không nhất trí trả.

Ông Tầu thì lập luận, nếu trâu mất hơn nửa năm sau mới thấy thì khó mà chắc chắn đó là con trâu nhà mình. Ông Tầu mô tả thông tin về con trâu nhà mình: Đàn trâu nhà ông gồm 7 con, 3 con đực, 4 con cái do bà nội để lại. Con trâu đang tranh chấp hiện nay do một con mẹ trong đàn đẻ ra, dưới con trâu này còn 2 con nhỏ, con trâu này 4 chân có màu lông trắng như con trâu mẹ. Đây cũng là đặc điểm mà con trâu ông Hồng đang bắt giữ.

Sau nhiều lần tranh cãi bất thành, chỉ còn cách đi giám định gen mới có hy vọng lấy lại trâu. Ông Tầu quyết định đề nghị Tòa án trưng cầu giám định ADN cho con trâu bằng cách lấy mẫu con trâu con ông Hồng đang giữ và con trâu mẹ nhà ông Tầu. Tòa tiến hành giám định. Theo Công văn số 28/PTNTĐ-KHCN ngày 02/7/2021 của Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào động vật - Viện chăn nuôi, kết quả cho thấy: Mẫu trâu có ký hiệu “trâu mẹ” có quan hệ huyết thống mẹ - con với mẫu trâu có ký hiệu “trâu tranh chấp”.

Tại phiên tòa xét xử ngày 29/7/2021, ông Hồng vẫn tự tin rằng nguyên đơn không thể bắt được con trâu này về, vì trâu đã quen chuồng. Trong khi ông Tầu đặt hết niềm tin, thắng bại phiên tòa tùy thuộc vào kết quả giám định. Khi HĐXX công bố kết quả giám định gen với nội dung, trâu mẹ của ông Tầu có mối quan hệ mẹ con với con trâu con ông Hồng đang giữ thì đương sự hai bên mới ngưng tranh cãi.

HĐXX và VKS cũng nhận định, kết quả giám định gen được thực hiện trên căn cứ khoa học, gần như không có xác suất sai. Do đó, hai đương sự tốt nhất hòa giải để tránh mất thời gian, tốn chi phí tố tụng. Nếu phiên tòa tiếp tục hoặc sau này có kháng cáo thì phần thắng cũng chắc chắn thuộc về ông Tầu, sớm muộn ông Hồng cũng phải trả con trâu.

Sau khi ông Hồng hội ý với gia đình thì quyết định xuống giọng hòa giải, đồng ý trả lại trâu nhưng ông vẫn yêu cầu ông Tầu phải trả tiền công chăn dắt từ ngày bắt trâu về. Ông Tầu không đồng ý và cho rằng, tự ý bắt trâu của ông về nuôi là lỗi của ông Hồng nên ông Hồng tự chịu. Ông Hồng cũng không chứng minh được công chăn nuôi, do đó HĐXX cho ông Hồng tự khởi kiện trong vụ án khác.

Biên bản hòa giải thành được Tòa công nhận, phiên tòa kết thúc. Ông Hồng buộc phải trả con trâu hơn nửa năm chăm sóc, tốn bao công sức, cùng phải chịu án phí tố tụng. Còn ông Tầu sau nhiều ngày đấu tranh, đã kết thúc vụ án bằng kết quả giám định gen, đòi được trâu về trong niềm vui. Ông Hồng có trách thì trách sự chủ quan, thiếu sâu sát trong quản lý đàn trâu của mình. Về phía ông Tầu cũng rút được bài học kinh nghiệm, chớ chủ quan thả trâu bừa bãi để rồi khi vấy vào vòng tranh chấp, cũng trầy trật mới bảo vệ được quyền lợi của mình.

* Tên các nhân vật đã thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhờ công nghệ giám định gen, đòi được trâu đi lạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO