Bài 1: “Quy trình” mua bán… lạ kỳ!

Sông Hương – Huỳnh Sang| 31/05/2022 09:21

Một “quy trình” mua bán trả góp xe gắn máy lạ kỳ đã được Cửa hàng Nguyễn Minh Sơn tung ra trong giao kết thương mại. Nhiều khách hàng đâu biết rằng bản thân họ có thể rơi vào hoàn cảnh bất lợi, khi “ký khống” những giấy tờ tưởng chừng như vô hại.

Khi người nghèo đi mua xe máy cũ trả góp

Trong vai khách hàng, chúng tôi đã đến Hộ kinh doanh Nguyễn Minh Sơn 1 (Cửa hàng Nguyễn Minh Sơn) tại địa chỉ số 210A Phạm Thế Hiển để tìm hiểu về “quy trình” bán trả góp xe gắn máy cũ lạ kỳ này.

Đón tiếp chúng tôi là người phụ nữ trạc tuổi trung niên, giọng sành sỏi và rất chuyên nghiệp. Bà O. – Tên người bán hàng đon đả giới thiệu với chúng tôi chiếc xe nhãn hiệu Honda Vision màu hồng nâu, được bán với giá 31 triệu đồng. Người mua phải thanh toán 16 triệu đồng, còn nợ lại 15 triệu đồng, cộng thêm 9 triệu đồng lãi suất trả góp trong 12 tháng, tương đương 60%/năm.

Khi bà O. chìa ra mẫu hợp đồng mua bán, chúng tôi thấy lạ ở chỗ hợp đồng không thể hiện tổng giá tiền sản phẩm, không thể hiện số tiền khách hàng thanh toán và chỉ ghi nhận số tiền khách hàng còn nợ lại, cùng với chiết tính lãi suất phải đóng hàng tháng. Quái dị nhất là việc yêu cầu khách hàng phải “ký khống” và lăn tay vào các loại giấy tờ như: Giấy bán xe; Hợp đồng cho thuê xe ô tô, xe gắn máy; Biên bản thanh lý hợp đồng. Để hiểu thêm về quy trình mua bán xe kỳ lạ này, chúng tôi vẫn quyết định mua chiếc xe Vision nói trên.

Sau đó, chúng tôi tập trung hỏi xoáy vào “Hợp đồng ràng buộc” phải “ký khống” theo kèm với “Hợp đồng bán trả góp xe gắn máy”. Bà O. giải thích cặn kẽ: “Đối với người mua xe mà không góp, thì sau một tháng là cửa hàng có quyền thanh lý. Nếu anh có thành ý đóng tiền trễ hạn và có điện thoại xin, thì ở đây vẫn du di cho. Nhưng mà ba tháng, bốn tháng, năm tháng mà anh cố tình không góp thì bắt buộc cửa hàng thu hồi xe và thanh lý hợp đồng. Cho nên, anh phải ký tờ giấy bán xe. Đó là hồ sơ bắt buộc. Có nhiều người đang mua xe góp cũng có thể chuyển thành hợp đồng cho thuê xe, vì góp không nổi; Hoặc làm hợp đồng góp lại. Còn nếu như góp đều thì mấy tờ giấy anh ký chỉ là tờ giấy bỏ, chớ không là gì hết”…

Để tường tận bản chất, chúng tôi vẫn quyết định đặt cọc mua chiếc xe nói trên. Nhưng sau đó, viện lý do khó khăn, chúng tôi xin bán lại chiếc xe vừa mua cho cửa hàng thì nhận được lời giải đáp: Nếu khách hàng trả xe sẽ phải chịu tổn thất 20% tổng giá trị chiếc xe…

Ai được quyền bán xe?

Theo tìm hiểu, chiếc xe chúng tôi đã mua hiệu Honda Vision (Biển số: 59L2 – 737.35; Số máy JF66E1059856; Số khung: 5810GY958080), hiện vẫn do một người phụ nữa là Võ Ngọc Ng. (ngụ P3Q8) đứng tên trên giấy tờ. Chiếc xe Cửa hàng Nguyễn Minh Sơn mua lại (hợp đồng giấy tay), với giá tiền 24 triệu đồng.

Tuy nhiên, tại Văn phòng công chứng Hoàng Xuân Ngụ (P4Q5), hợp đồng công chứng ngày 28/02/2022 thể hiện: Bên bán là Trần Thanh D. và Võ Thị Ng.; Bên mua là Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ Thương mại Nguyễn Minh Sơn chỉ giao dịch chiếc xe với giá bán là 2 triệu đồng, thấp hơn giá bán thực tế 12 lần.

Như vậy, trong vụ mua bán này, Trần Thanh D. và Võ Thị Ng. đã có dấu hiệu đồng thuận, móc ngoặc với bên mua xe để trốn thuế và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, người chủ đứng tên chiếc xe cũng chỉ là một trong số hàng nghìn trường hợp bán xe, trốn thuế tương tự?

Quy trình mua bán xe gắn máy cũ… lạ kỳ

Cụ thể, khi hoàn tất thủ tục mua chiếc xe nói trên với vợ chồng chị Ng., Cửa hàng Nguyễn Minh Sơn đã không làm thủ tục sang tên, mà bán thẳng chiếc xe Honda Vision nói trên cho chúng tôi, cũng bằng hợp đồng giấy tay, với giá 31.000.000 đồng, trả trước 16 triệu, còn nợ lại 15 triệu, cộng tiền lãi 9 triệu đồng/năm.

Sau 10 ngày kể từ khi ký hợp đồng “Bán trả góp xe gắn máy”, chúng tôi thực hiện tất toán khoản nợ và lãi phạt 6 tháng (4,5 triệu đồng) cho Cửa hàng Nguyễn Minh Sơn. Nhân viên của cửa hàng này đã thu lại hết các chứng từ giao dịch trước đó, rồi xuất hóa đơn bán hàng của Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ Thương mại Nguyễn Minh Sơn chỉ bằng 7% giá bán thực tế (tương đương với đơn giá 2,2 triệu đồng/chiếc) và giao giấy tờ xe (Cavet) cho chúng tôi.

Lạ một điều là giấy tờ xe không phải do Cửa hàng Nguyễn Minh Sơn hoặc người được ủy quyền đứng tên, mà do “chủ cũ” là Võ Thị Ng. đứng tên.

Hợp đồng ký khống sẽ mang đến nhiều bất lợi cho người mua và làm sai lệch bản chất việc mua bán

Theo quy định bắt buộc, thủ tục mua bán xe máy, ô tô cũ được thực hiện theo quy định tại Thông tư 58/2020/TT-BCA với các bước sau đây: Hai bên ký Hợp đồng mua bán xe có công chứng hoặc chứng thực (nếu công chứng thì ký Hợp đồng mua bán tại Phòng công chứng/Văn phòng công chứng; Chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã); Nộp lệ phí trước bạ (Lệ phí trước bạ xe máy nộp tại Chi cục thuế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, hiện nay, người dân có thể khai, nộp lệ phí trước bạ qua mạng); Sang tên xe cũ tại cơ quan Công an có thẩm quyền (người bán nộp lại đăng ký và biển số xe cho Công an đã cấp đăng ký xe, bên mua đi đăng ký xe)…

Trở lại chuyện “Hợp đồng bán trả góp xe gắn máy” tại Cửa hàng Nguyễn Minh Sơn, Nhà nước sẽ không công nhận quyền chủ sở hữu của hộ kinh doanh này, khi chưa sang tên, đổi chủ những chiếc xe đã bán cho khách hàng.

Vậy mà, nhân viên Cửa hàng này lại dùng cả “Hợp đồng ràng buộc” (ký song song với “Hợp đồng bán trả góp xe gắn máy”) trước đó, để tố cáo người mua xe đến Cơ quan cảnh sát điều tra, hòng thu hồi lại chiếc xe đã bán.

Bao người vì thế mà phải đẫm… nước mắt! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: “Quy trình” mua bán… lạ kỳ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO