Y tế

Chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ thế nào?

Hải Long 11/10/2023 - 10:04

Bệnh đậu mùa khỉ là căn bệnh truyền nhiễm (Infectious Diseases) có khả năng lây lan từ người này sang người khác, trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người, do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm gây ra qua môi trường trung gian. Loại bệnh này mới xuất hiện tại Việt Nam và được các bác sĩ, chuyên gia y tế đưa ra cảnh báo và ngăn chặn để bệnh không phát tán rộng.

Liên tiếp phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ

Ở Việt Nam, trong ngày 6/10, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm 4 ca mắc đậu mùa khỉ mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 13 ca. Trong số những ca mắc, có 1 ca được phát hiện tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 7/2023 và 2 ca xâm nhập; những ca còn lại phát hiện trong nội địa 2 tuần vừa qua.

Tính đến thời điểm này, tại khu vực phía Nam đã ghi nhận 15 ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, trong đó TP Hồ Chí Minh 13 ca và 2 ca ở Bình Dương. Theo các chuyên gia dịch tễ, đậu mùa khỉ có nhiều con đường lây như tiếp xúc thân gần kéo dài (hôn, quan hệ tình dục, hít phải giọt bắn, dịch tiết… hoặc từ nguồn động vật hoang dã).

Tại Long An, ngày 11/10, ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên của một nam thanh niên sinh năm 1981.

daumuakhi(1).png
Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ được cách ly điều trị tại Bình Dương

Hiện, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức để giám sát tình hình dịch bệnh trong thành phố và các khu vực lân cận. Đồng thời, sẵn sàng ứng phó kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra. Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thực hiện tốt cách ly, điều trị và chăm sóc người bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Chủ động phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ qua các trường hợp được báo cáo trong đợt bùng phát đậu mùa khỉ tại hơn 100 quốc gia trên thế giới vào năm 2022-2023, bệnh đầu mùa khỉ hiện nay có 2 đặc điểm quan trọng.

Đặc điểm đầu tiên là hầu hết bệnh xảy ra trên những người đồng tính nam (MSM), người song tính, những người có nhiều bạn tình hoặc người mới có bạn tình là nhóm có nguy cơ rất cao. Đậu mùa khỉ chủ yếu lây qua đường quan hệ tình dục.

Đặc điểm thứ hai là đa số bệnh nhân đậu mùa khỉ có phát ban, bóng nước xuất hiện ở bộ phận sinh dục do liên quan đến đường lây là quan hệ tình dục không an toàn, không dùng bao cao su bảo vệ. Qua 2 đặc điểm mô tả trên, có thể thấy rằng, đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng. Bệnh có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ sát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang mắc bệnh.

daumuakhi2(1).png
Ảnh minh hoạ

Vào ngày 11/5/2023, WHO đã chính thức tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây lo ngại trên toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà dịch tễ cho biết, đậu mùa khỉ sẽ tự thải trừ hoàn toàn virus và lành bệnh nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt. Bệnh sẽ diễn tiến nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng đối với người suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, xơ gan, đái tháo đường…

Tại Việt Nam, ngay khi dịch bệnh được ghi nhận tại Việt Nam, Bộ Y tế đã có công văn khẩn đề nghị các Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 2265/QĐ-BYT ngày 22/8/2022, theo từng tình huống dịch bệnh cụ thể tại Kế hoạch số 401/KH-UBND ngày 29/11/2022 của UBND tỉnh.

Theo đó, chủ động, phối hợp, khẩn trương điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính để xác định nguồn lây nhiễm nhằm quản lý, xử lý triệt để ổ dịch (nếu có) không để dịch lây lan ra cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO