Tính đến nay, cả nước ghi nhận hơn 13.000 ca mắc tay chân miệng, số ca này tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023, hiện chưa có trường hợp nào tử vong.
Theo thống kê, cả nước ghi nhận 13.746 ca mắc tay chân miệng, số liệu này tăng hơn 3.000 ca so với số liệu Bộ Y tế đã công bố trong cuộc họp phòng chống dịch trực tuyến toàn quốc vào ngày 10/4.
Tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cảnh báo số mắc tay chân miệng bước vào đỉnh dịch lần 1, tuần cao nhất ghi nhận gần 200 ca mắc. Trong thời gian từ ngày 12/4 - 19/4, Hà Nội ghi nhận 195 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 34 trường hợp so với tuần trước. Dự báo trong thời gian tới số ca mắc sẽ còn tiếp tục gia tăng.
Cũng trong khoảng thời gian từ ngày 12/4 - 19/4, Thủ đô Hà Nội ghi nhận 8 ổ dịch tay chân miệng. Trong đó Thanh Oai có 3 ổ dịch; 5 quận, huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng mỗi nơi có 1 ổ dịch. Không chỉ riêng ở Hà Nội, tại miền Bắc số ca mắc tay chân miệng cũng đang gia tăng.
Tay chân miệng đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, trong khi bệnh này lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh khi trẻ sinh hoạt tập thể tại cơ sở giáo dục mầm non, nhưng công tác tác phối hợp, giám sát phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục mầm non lại chưa hiệu quả...
Bên cạnh bệnh tay chân miệng, số ca mắc sởi, ho gà cũng cảnh báo gia tăng, từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 130 ca mắc sởi, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023. Các ca mắc ghi nhận trong năm có xu hướng cao trong thời gian từ tháng 1 - 4. Về ho gà, đến nay cả nước đã ghi nhận 118 ca mắc, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023.
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính từ ngày 8 - 14/4 có 287 ca mắc tay chân miệng, tăng 87% so với trung bình 1 tháng trước.
Để phòng chống các bệnh truyền nhiễm, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ cần đưa con đi tiêm chủng đầy đủ các bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm các bệnh có vaccine nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm như sởi, ho gà, bạch hầu.
Thực hiện vệ sinh làm sạch môi trường các vật dụng dễ bị ô nhiễm; theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và người mắc bệnh,...Đồng thời, tìm đến các cơ sở y tế gần nhất nếu phát hiện triệu chứng sốt cao, li bì, mất tỉnh táo…