Nhớ về nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam (TANDTC), nguyên Chánh án TAND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Tùng, tôi mãi luôn ấn tượng về một “con người hành động”.
Với chuỗi kế hoạch bài bản, đột phá chiều sâu, ông lãnh đạo TAND tỉnh Bình Dương trở thành đơn vị tiên phong trong cải cách tư pháp, “Lá cờ đầu” phong trào thi đua vào những năm đầu thế kỷ 21. Đặc biệt là sự ấm áp, gần gũi với Báo Công lý và những kỷ niệm cùng phóng viên “trên đường thiên lý” tác nghiệp…
Xây dựng ngành, đồng hành cùng Công lý
Tôi gặp ông Nguyễn Thanh Tùng vào một chiều mưa cách đây 22 năm, trong chuyến công tác lần đầu từ Thủ đô vào "đất phương Nam". Thời điểm này, ông Tùng là một trong những Chánh án trẻ nhất nước, kế thừa, xây dựng, phát huy những nền tảng ngành TAND Bình Dương sau khi tách tỉnh từ Sông Bé (cũ). Tình cảm, sự ân cần, chu đáo hỗ trợ một phóng viên trẻ và sự nhiệt huyết công tác của ông lúc đó khiến tôi rất cảm phục. Ông chủ động tạo mối quan hệ sâu sắc, chặt chẽ với báo Công lý xuyên suốt các nhiệm kỳ công tác của mình.
Còn nhớ thời điểm 2003, Chánh án Nguyễn Thanh Tùng là người có nhiều sáng kiến mới lạ trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về “Một số vấn đề trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”.
Trong các buổi trao đổi, ông nêu nhiều khát vọng, thay đổi về quản trị, nâng cao hiệu quả công tác Tòa án hai cấp tỉnh Bình Dương. Năm 2003, ông tiến hành triển khai Kế hoạch 01 ông từng ấp ủ nhiều năm trước đó. Kế hoạch này đánh giá toàn diện thực trạng cán bộ, tạo sự thống nhất về tư tưởng cải cách tư pháp, trên cơ sở đó kiện toàn một số đơn vị trọng điểm.
“Sách lược” về xây dựng, quản trị nhân sự được ông hiện thực hóa vào năm 2004, khi Chánh án Nguyễn Thanh Tùng triển khai tiếp Kế hoạch 02, tiến hành luân chuyển cán bộ, cơ cấu tổ chức các đơn vị, bố trí cán bộ theo năng lực, sở trường nhằm nâng cao chất lượng quản lý. Ông trao đổi với tôi về quan điểm đề cao việc “dụng nhân như dụng mộc”, sử dụng đúng người, phát huy sở trường từng cán bộ và đào tạo con người.
Thời điểm đó, ông có tâm sự sẽ triển khai Kế hoạch 03, tiếp tục đi vào chiều sâu cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. TAND tỉnh Bình Dương - thời điểm này là đơn vị dẫn đầu về tổ chức thi tuyển chức danh quản lý.
Tôi vẫn còn nhớ ông nói với dứt khoát, thẳng thắn: “Cơ chế “sống lâu lên lão làng” không thể tồn tại trong ngành Tòa án Bình Dương, muốn làm công tác lãnh đạo, cán bộ phải được thi tuyển. Chúng ta cần loại bỏ tư tưởng ỷ lại, gây sức ỳ, làm vật cản cho sự phát triển của lớp trẻ. Nội dung thi tuyển gồm năng lực chuyên môn và năng lực quản lý. Chúng tôi tiến hành xếp loại và nâng bậc Thẩm phán, Thư ký theo 3 cấp: 1-2-3. Không bổ nhiệm lại những cán bộ yếu, không đạt”.
Với những kế hoạch bài bản, quyết liệt của ông, cải cách tư pháp trong ngành Tòa án Bình Dương có nhiều chuyển biến rất tích cực. Cán bộ, Thẩm phán đều đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo tính khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Với vai trò theo dõi, quan sát, tôi nhận thấy đó là kết quả của việc thực hiện cải cách tư pháp một cách chủ động, khoa học, có lộ trình với tầm nhìn xa.
Ở thời điểm 2004-2005, số lượng án TAND hai cấp tỉnh Bình Dương thụ lý tăng rất nhanh, ông Nguyễn Thanh Tùng không ngần ngại đối diện với thực trạng trên. Ông đề nghị TANDTC biệt phái tạm thời 17 Thẩm phán dự bị về công tác tại tỉnh trong 1 năm để giải quyết tình trạng thiếu Thẩm phán.
Ông có tâm sự với tôi: “Nếu Thẩm phán nào gắn bó với Bình Dương, đơn vị sẽ tạo nhiều điều kiện ưu đãi để ở lại công tác lâu dài”. Quả nhiên, nhiều Thẩm phán tôi biết đã chọn Bình Dương là quê hương thứ hai. Hiện nhiều người vẫn đang gắn bó, “an cư lạc nghiệp” trên mảnh đất hiền hòa và cống hiến cho Tòa án…
Ông Nguyễn Thanh Tùng là vị Chánh án rất chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, ông luôn đề cao và có sự liên hệ rất mật thiết, chặt chẽ với Báo Công lý. Thời điểm đó, ông liên tục tổ chức hàng loạt Hội thảo với nhiều chủ đề “nóng” liên quan đến cải cách tư pháp, nâng cao hoạt động tranh tụng… Báo Công lý luôn phản ánh sâu sát các hội thảo của TAND tỉnh Bình Dương, có nhiều bài viết phản ánh kịp thời các vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Đó là thời điểm TAND tỉnh Bình Dương có nhiều thành tích xuất sắc trong hệ thống Tòa án, từng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động, liên tục được Chính phủ tặng Cờ thi đua…
“Xắn tay áo” thực tế cùng Công lý
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương những năm đầu thập niên 2000, Báo Công lý có nhiều bài viết phản ánh các hiện tượng cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, thu hút sự quan tâm của xã hội. Đơn cử loạt bài về chủ đề “Hiệu trưởng lấn chiếm đất công, xây nhà trái phép”; “Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra không thi hành án”; “Phó Bí thư xây dựng trái luật”… Báo Công lý phỏng vấn một số chuyên gia pháp lý, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là ông Nguyễn Thanh Tùng, với cương vị Chánh án, đứng đầu cơ quan xét xử địa phương.
Bao giờ cũng vậy, ông luôn trả lời Báo Công lý với niềm nhiệt tình, đưa ra những phân tích thấu đáo, gợi mở hướng giải quyết theo đạo lý và pháp luật. Sau hơn 20 năm, tôi vẫn nhớ thái độ biểu đạt dứt khoát về việc cán bộ giữ trọng trách cao, càng phải làm gương và khi vi phạm cần phải xử lý nghiêm khắc. Đó là những kỷ niệm sâu đậm trong ký ức của tôi về sự liêm chính khi ông bày tỏ quan điểm trước những vụ việc, vấn đề tiêu cực xã hội.
Không chỉ lên tiếng về công bằng xã hội, có những vụ việc ông “xắn tay áo” vào cuộc cùng Báo Công lý. Đơn cử một vụ hy hữu ở thị xã Bến Cát (Bình Dương), sau khi Báo phản ánh nỗi bức xúc của một người cao tuổi ở tình thế “muốn vào nhà, phải “trèo rào vượt tường”, ông Tùng đã cùng Tổng biên tập Báo Công lý thời điểm đó là ông Nguyễn Gia Cương và phóng viên xuống tận hiện trường, trèo lên hàng rào quan sát, chứng kiến sự nguy hiểm mà người dân phải đối mặt. Ông phân tích nhiều góc nhìn pháp lý, đạo lý, gợi mở hướng giải quyết một cách nhanh chóng, đúng pháp luật. Sự quan tâm, khảo sát của ông ngay tại hiện trường góp phần nhanh chóng tháo gỡ tranh chấp, vi phạm, khép lại vụ việc trong sự “tâm phục khẩu phục” của các bên…
Trong quá trình lãnh đạo, ông Nguyễn Thanh Tùng đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho Báo Công lý tác nghiệp, đặc biệt là trong những “đại án”, “kỳ án” gây rúng động xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đơn cử như vụ trùm giang hồ Hoàng “lựu đạn”, nữ sát thủ giết người hàng loạt Lê Thanh Vân… Phóng viên được tiếp cận rất nhanh với những thông tin “độc quyền” mới mẻ, được trao đổi với Thẩm phán trước phiên tòa, thu thập được những tình tiết đắt giá trong vụ án, có những loạt bài thu hút được độc giả, góp phần tuyên truyền pháp luật qua những vụ án đặc biệt nghiêm trọng này…
Ông Nguyễn Thanh Tùng nhiều dịp chia sẻ cùng tôi về nhiều ý tưởng, sáng kiến cải cách tư pháp. Sau này tôi nhận thấy ông là Chánh án đầu tiên đưa ra ý tưởng thí điểm thay đổi nguyên tắc bố trí phòng xử án, sắp xếp lại vị trí chỗ ngồi của HĐXX, kiểm sát viên, luật sư, thư ký... Tuy nhiên, vì nhiều lý do, ý tưởng mới chưa được thực hiện trong nhiệm kỳ Chánh án của ông. Sau này, nhiều chuyên gia pháp lý đồng tình với ý tưởng của ông bởi “tranh tụng bình đẳng phải bắt đầu bình đẳng từ chỗ ngồi”.
Với trình độ quản lý cùng kinh nghiệm thực tiễn công tác, sau khi kết thúc hai nhiệm kỳ Chánh án TAND tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Thanh Tùng được lãnh đạo TANDTC bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng.
Ông giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam suốt thời gian dài và tiếp tục gần gũi, chia sẻ, hỗ trợ Báo Công lý nhiều mặt. Ông và tôi có thêm nhiều kỷ niệm, cho đến ngày ông vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhất trước khi nghỉ hưu tại hội trường TAND tỉnh Bình Dương, nơi ông xây dựng, lãnh đạo, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc…
Cho đến hôm nay, ông Nguyễn Thanh Tùng vẫn sục sôi “nghĩa khí” đấu tranh bảo vệ công lý cho xã hội, giúp những người yếu thế. Ông đóng góp nhiều đề tài nóng bỏng cho Báo Công lý, trở thành cộng tác viên thân thiết. Trong dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhớ về những năm làm báo của mình, tôi lại nhớ về Thẩm phán, nguyên Vụ trưởng, Chánh án Nguyễn Thanh Tùng. Và không chỉ có vậy, ông còn là một cán bộ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, quyết liệt bảo vệ công bằng lẽ phải, bằng sự cộng tác cương trực, nhiệt huyết cùng Công lý.