Chiều 11/5, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Lễ ký Thông tư liên tịch quy định về phối hợp thông báo hoặc gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội.
Các đồng chí: Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đồng chủ trì buổi lễ.
Tại buổi lễ, Thiếu tướng Ngô Thị Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Thông tư liên tịch đã báo cáo kết quả thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC quy định về việc phối hợp thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội.
Theo đó, sau gần 05 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 05, công tác trao đổi, cung cấp tài liệu giữa các đơn vị chức năng thuộc 03 ngành Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hàng trăm ngàn lượt tài liệu liên quan đến người bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đã được gửi về cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ ngành Công an để cập nhật, bổ sung vào hồ sơ, cơ sở dữ liệu quản lý vụ việc, đối tượng vi phạm pháp luật; đồng thời, cơ quan Hồ sơ cũng đã cung cấp kịp thời, chính xác thông tin về đối tượng phạm tội cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Công tác phối hợp giữa 03 ngành được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đi vào nền nếp; thông tin, tài liệu đảm bảo giá trị pháp lý, việc khai khác thông tin góp phần hỗ trợ tích cực cho công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự và xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến người phạm tội để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Thiếu tướng Ngô Thị Hoàng Yến cho biết, lãnh đạo liên ngành Công an - Viện Kiểm sát - Tòa án ở nhiều địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 05. Cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc thu thập và tổ chức phân loại, xử lý thông tin, tài liệu do Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp gửi đến phục vụ có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm…
Báo cáo cũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch số 05 còn một số hạn chế, khó khăn. Để giải quyết những tồn tại, hạn chế đó, lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã thống nhất chỉ đạo các cơ quan chức năng của 3 đơn vị phối hợp xây dựng Thông tư liên tịch mới thay thế Thông tư liên tịch số 05. Việc xây dựng Thông tư liên tịch mới được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật và đủ điều kiện để ký ban hành.
Tại buổi lễ, trước sự chứng kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ và Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Trâm đã ký Thông tư liên tịch mới quy định về phối hợp thông báo hoặc gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội.
Phát biểu tại Lễ ký, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, những năm qua, công tác phối hợp giữa cơ quan Công an - Viện kiểm sát - Tòa án các cấp trong thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phục vụ kịp thời công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm; góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Thông tư liên tịch mới, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị, Cục Hồ sơ nghiệp vụ và các đơn vị chức năng của Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tham mưu tổ chức quán triệt sâu rộng đến cán bộ 03 ngành từ Trung ương đến cơ sở thống nhất về nhận thức, xác định việc phối hợp thực hiện Thông tư liên tịch có ý nghĩa quan trọng, phục vụ trực tiếp công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng ngành, đơn vị, đảm bảo đoàn kết thống nhất, gắn bó, hỗ trợ tích cực lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ.
Triển khai đồng bộ việc số hóa hồ sơ tài liệu, kết nối chia sẻ thông tin trên môi trường mạng, chuyển trạng thái trao đổi, chia sẻ thông tin, tài liệu từ “thủ công” sang “điện tử”, đảm bảo thông tin được trao đổi thường xuyên, chính xác, kịp thời, bảo mật theo quy định, phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, chú trọng hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp xây dựng văn bản phối hợp thực hiện Thông tư liên tịch. Định kỳ đánh giá tình hình, kết quả thực hiện; kịp thời tham mưu lãnh đạo 03 ngành chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để công tác phối hợp giữa 03 ngành ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực.