Tại buổi thăm và làm việc của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương với Ban cán sự đảng TANDTC, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ đã báo cáo một số nội dung liên quan đến công tác Tòa án, đồng thời có những đề xuất, kiến nghị quan trọng.
Công tác cải cách tư pháp thay đổi rõ rệt
Báo cáo về một số nội dung liên quan đến công tác Tòa án tại buổi làm việc, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, TANDTC đã ưu tiên đầu tư cho việc cải tiến, nâng cao các điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống truyền hình hội nghị, Trung tâm dữ liệu TAND, Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động TAND và nhiều phần mềm ứng dụng góp phần tạo môi trường làm việc hiện đại, thuận tiện, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch.
Triển khai thi hành có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đến nay, có tổng cộng 647 Tòa án (03 Tòa án nhân dân cấp cao; 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 581 Tòa án nhân dân cấp huyện) đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 5.404 vụ án.
Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong CCTP của hệ thống Tòa án, đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, tiết kiệm chi phí và thời gian.
Ngoài ra, đã triển khai phần mềm “Trợ lý ảo” đóng vai trò như một thư ký riêng, được lập trình am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ Tòa án, làm việc 24/7, để hỗ trợ Thẩm phán trong công tác chuyên môn.
Bên cạnh các kết quả nêu trên, hoạt động của các Tòa án thời gian qua cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.
Theo Phó Chánh án TANDTC, hiện nay, TANDTC đã và đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) với điểm nhấn là quy định cụ thể quyền hạn của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán quốc gia và Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch nước.
Đề án “Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực của cơ quan thực hiện quyền tư pháp đối với các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, lập pháp”; Đề án “Nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn; kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp”.
Đề án “Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp sai trái trong hoạt động tư pháp”; Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu CCTP đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; Đề án “Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên”.
Phó Chánh án TANDTC cũng cho biết, hạ tầng công nghệ thông tin của các Tòa án địa phương sau một thời gian sử dụng bị xuống cấp, lạc hậu; trong khi kinh phí để bảo trì, duy trì thường xuyên chưa đáp ứng nhu cầu dẫn tới nhiều thiết bị hỏng, hoạt động không ổn định.
Các dịch vụ công trực tuyến của Tòa án vẫn chưa được người dân lựa chọn sử dụng do người dân chưa có “chữ ký điện tử”, thiếu quy trình tố tụng điện tử, quy định về giao dịch điện tử còn phức tạp, khó khăn... Nguồn nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin của các Tòa án địa phương còn thiếu và yếu, chủ yếu là kiêm nhiệm.
Để giúp Tòa án hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ chính trị được giao; đồng thời, xuất phát từ nhu cầu giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác, TANDTC đưa ra một số kiến nghị liên quan đến công tác Tòa án, thực hiện nhiệm vụ CCTP.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh các cơ quan Bộ Công an, VKSNDTC, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Tư pháp Quốc hội,… đã phát biểu ý kiến đánh giá về công tác Tòa án, hoạt động phối hợp giữa các cơ quan trong thực thi nhiệm vụ thời gian qua. Đồng thời, kiến nghị một số nội dung phối hợp trong tố tụng liên quan đến nhiệm vụ của công an, kiểm sát.
Các ý kiến cơ bản nhất trí với báo cáo của TANDTC và cho rằng, thời gian qua với chức năng nhiệm vụ của mình, công tác Tòa án đã thay đổi rõ rệt trên nhiều phương diện, đặc biệt là trong công tác CCTP.
Ấn tượng về kết quả ứng dụng công nghệ thông tin
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cũng đánh giá, ngành Tòa án ngày càng có nhiều đổi mới quan trọng. Ban Lãnh đạo TANDTC quan tâm chăm lo xây dựng, chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao. Hoạt động xét xử của Tòa án ngày càng đổi mới công khai, minh bạch. Tất cả các nhiệm vụ được đưa ra đều nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng xét xử, trong khi ngành Tòa án còn gặp nhiều khó khăn, thiếu biên chế, lượng việc gia tăng…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đánh giá cao tinh thần năng động, chủ động của TANDTC cũng như hệ thống Tòa án trong việc triển khai nhiệm vụ và hoàn thiện thể chế thời gian vừa qua, đã đạt được kết quả hết sức tích cực. Điển hình như việc tham gia xây dựng Đề án về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, xây dựng các pháp lệnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
TANDTC cũng chủ động trong đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho các Tòa án cũng như đầu tư về cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Tòa án nói chung. Đặc biệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đánh giá cao sự chủ động của Tòa án trong phối hợp với các cơ quan tư pháp và các cơ quan khác trong quá trình giải trình các nghị quyết, pháp lệnh trình Quốc hội/UBTVQH.
Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Đặng Khánh Toàn cũng nhất trí cao với báo cáo của TANDTC và đặc biệt ấn tượng với kết quả đầu tư về công nghệ thông tin trong hệ thống Tòa án hiện tại. Những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động Tòa án thời gian qua cũng được nêu đầy đủ trong báo cáo.
Theo ông Toàn, trong quá trình xây dựng Nghị quyết số 27 về tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam trong giai đoạn mới, TANDTC, Tòa án các cấp, đặc biệt Ban cán sự đảng TANDTC đã có những đóng góp rất quan trọng.
Các nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất liên quan đến lĩnh vực CCTP, xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, liêm chính và hoàn thiện cơ chế thẩm quyền Chủ tịch nước, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực rất rõ ràng, giúp cho Ban Chỉ đạo cũng như các cơ quan có trách nhiệm kịp thời báo cáo, trình Bộ Chính trị.
TANDTC được giao nhiệm vụ xây dựng 5 đề án liên quan đến yêu cầu CCTP, những nhiệm vụ này đều phải hoàn thành trước 2025. "Đây cũng là nhiệm vụ rất nặng nề mà Ban cán sự Đảng TANDTC phải thực hiện", ông Toàn nhấn mạnh.
Trước đó, trong phần báo cáo thêm một số nội dung, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết, theo kế hoạch và cam kết với Hội đồng Chánh án các nước ASEAN, đến 2025 phải hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử. Đến nay, TANDTC cũng đã có những bước đi rất quan trọng về vấn đề này. Một số Chánh án các nước khi đến Việt Nam đều đánh giá rất cao sự nỗ lực xây dựng Tòa án điện tử của Việt Nam.
Chánh án cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết 27, Ban cán sự đảng TANDTC đã ban hành Kế hoạch số 25- KH/BCSĐ ngày 09/01/2023 triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII trong TAND, trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp về CCTP, về xây dựng thể chế, về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với TAND trong giai đoạn mới.
TANDTC cũng tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án.
Tháng 02/2023 vừa qua, TANDTC đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác CCTP theo Nghị quyết số 27-NQ/TW với thành phần tham dự gồm Chánh án Tòa án 04 cấp để tiếp tục rà soát, bổ sung thêm các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử đáp ứng yêu cầu CCTP trong giai đoạn mới.