Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, vừa có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT, các nhà đầu tư BOT yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị trên khẩn trương rà soát các hành lang an toàn đường cao tốc vị trí bị lấn chiếm; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng thanh tra giao thông xử lý dứt điểm vi phạm.
Cùng với đó, phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông kiểm soát tải trọng xe ngay tại các đường dẫn vào đường cao tốc. Đồng thời, rà soát các vị trí, đoạn tuyến đường xuất hiện tình trạng người dân đón, trả khách, xe khách dừng, đỗ trái phép trên đường cao tốc và thông báo cho lực lượng chức năng giám sát, xử lý nghiêm theo quy định.
Đối với Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu đơn vị này phối hợp với Sở GTVT thông qua thiết bị giám sát hành trình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp xe khách dừng, đỗ trên đường cao tốc trái quy định.
Về thể chế, Cục Đường bộ Việt Nam được Bộ GTVT yêu cầu có trách nhiệm rà soát các bất cập trong thực tiễn, báo cáo Bộ sửa đổi, bổ sung các thông tư, nghị định theo hướng làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục Đường bộ Việt Nam, Khu Quản lý đường bộ, các Văn phòng quản lý đường bộ trong quản lý, khai thác, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc đầu tư theo phương thức PPP (hợp tác công tư), các dự án do UBND cấp tỉnh quản lý và các dự án do Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang khai thác, không để tồn tại khoảng trống trong quản lý nhà nước đối với kiểm tra, bảo vệ, giám sát hoạt động bảo trì các tuyến cao tốc theo thẩm quyền.
Đồng thời, rà soát, bổ sung các định mức còn thiếu như: định mức kiểm tra tải trọng xe, sửa chữa hệ thống chiếu sáng, sửa chữa kết cấu trạm thu phí, trực cứu hộ, cứu nạn trên đường cao tốc, bổ sung quy định về mô hình của trạm kiểm tra tải trọng xe có 1 cấp cân, quy mô của trạm kiểm tra tải trọng xe.
Đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam phải đảm bảo đúng thời hạn thỏa thuận các nhiệm vụ bảo dưỡng thường xuyên và đột xuất đối với doanh nghiệp dự án. Phân cấp trách nhiệm để doanh nghiệp dự án chủ động hơn trong phương án bảo trì, tăng cường tuần kiểm và hậu kiểm nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng thực hiện.
Đi vào các tuyến cao tốc cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ xử lý kịp thời các hư hỏng biển báo, đặc biệt trên tuyến La Sơn - Hòa Liên, hư hỏng mắt phản quang, hộ lan tôn sóng, vạch sơn kẻ đường, xử lý hư hỏng cục bộ mặt đường thuộc trách nhiệm của bảo dưỡng thường xuyên nhằm bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc.
“Các Khu Quản lý đường bộ liên quan rà soát, báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam bố trí kinh phí duy trì hoạt động hệ thống ITS (giao thông thông minh) trên tuyến Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương, xử lý triệt để vị trí sụt trượt taluy âm tại km 249+200 đoạn Lào Cai - Kim Thành thuộc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai”, Bộ GTVT yêu cầu.
Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT tỉnh Tiền Giang chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án) tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đầu tư, xây dựng các trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe; điều chỉnh mặt bằng, quy mô đoạn dừng xe khẩn cấp trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Đối với Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn, Bộ GTVT yêu cầu tham mưu cho UBND tỉnh Lạng Sơn và UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nhằm thực hiện hiệu quả trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền đối với dự án đường cao tốc này…