Vinh danh Thẩm phán

Xét xử Trương Mỹ Lan theo thay đổi của Bộ luật Hình sự

Hải Long 02/03/2024 - 18:17

Ngày 5/3, TAND TP Hồ Chí Minh sẽ mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo liên quan đến sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan.

Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị truy tố về 3 tội: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Bị cáo Lan được xác định có vai trò chính, gây thiệt hại và chiếm đoạt hàng trăm ngàn tỷ đồng của SCB.

Theo VKSND Tối cao, Trương Mỹ Lan và đồng phạm với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của Ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước. Trong đó, có nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.

Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài, trong khi Bộ luật Hình sự (BLHS) có sự thay đổi cơ bản về đường lối xử lý tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018. Cáo trạng của Viện KSNDTC truy tố bị cáo Lan theo quy định tại BLHS năm 1999. Tại quy định của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 và Nghị quyết số 41 năm 2017 của Quốc hội về thi hành BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1/1/2018 xử lý theo điều, khoản tương ứng BLHS năm 1999. Những hành vi sai phạm nếu xảy ra sau ngày 1/1/2018 bị xử lý theo các điều, khoản của BLHS năm 2015, có xem xét đến nguyên tắc có lợi cho các bị cáo.

Từ kết quả điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng đã rà soát, phân loại xử lý các bị cáo theo các tội danh cụ thể, tương ứng với vị trí, vai trò, số lượng, tính chất, mức độ hành vi và lỗi của từng bị cáo.

Trương Mỹ Lan có hành vi sai phạm diễn ra trong thời gian trước khi BLHS năm 2015 có hiệu lực, nên theo các văn bản pháp luật kể trên, bị cáo Lan sẽ bị áp dụng BLHS 1999 đối với tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", thay vì áp dụng BLHS năm 2015.

Từ trong trại tạm giam, qua luật sư bào chữa, bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bày tỏ việc tự nguyện mang tất cả tài sản hợp pháp của mình cũng như vận động gia đình, kêu gọi bạn bè giúp đỡ để đảm bảo giải quyết triệt để các vấn đề về tài chính, kinh tế liên quan đến hậu quả vụ án.

Gia đình bị cáo Lan đã cung cấp tới các cơ quan tố tụng danh sách hơn 10 tài sản có giá trị rất lớn và không liên quan đến vụ án để xin phương án xử lý.

Theo cáo buộc, từ ngày 1/1/2012- 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập số lượng lớn hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn. Trong đó, đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB ra dùng vào các mục đích khác nhau, đến ngày 17/10/2022, còn dư nợ hơn 132 ngàn tỷ đồng không có khả năng thu hồi. Hành vi của Lan đã gây hậu quả thiệt hại cho SCB hơn 64 ngàn tỷ đồng.

Từ ngày 9/2/2018 đến 7/10/2022, Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của SCB hơn 304 ngàn tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 129 ngàn tỷ đồng.

Để che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và các sai phạm của SCB phát hiện qua thanh tra, để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, Lan trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra và chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB tiếp xúc, đặt vấn đề, trực tiếp đưa tiền cho Đỗ Thị Nhàn 5,2 triệu USD và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong Đoàn thanh tra.

Trên cơ sở đó, Nhàn chỉ đạo thành viên trong đoàn báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB; cố tình che giấu, bưng bít, làm nhẹ để có lợi cho SBC và tiếp tục kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho ngân hàng này được tái cơ cấu. Hành vi của Trương Mỹ Lan đã phạm vào tội Đưa hối lộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử Trương Mỹ Lan theo thay đổi của Bộ luật Hình sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO