Nội chính

Việt Nam sẵn sàng là cầu nối giữa ASEAN và Liên minh châu Phi

Nhật Minh 20/05/2023 18:31

Nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima (Nhật Bản), sáng 20/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Liên bang Comoros Azali Assoumani.

img9713-1684563147814338045818.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Liên bang Comoros Azali Assoumani. Ảnh: VGP 

Hai nhà lãnh đạo đánh giá hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống song mức độ hợp tác còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hai nước. Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn các cấp, đẩy mạnh trao đổi thông tin về kinh tế, thương mại, đầu tư, cơ hội, thế mạnh của mỗi bên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Tổng thống Azali Assoumani; chúc mừng Comoros được bầu làm Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi (AU) năm 2023; khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với các nước bạn bè châu Phi, trong đó có Comoros.

Về hợp tác song phương, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Comoros tạo điều kiện cho một số mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như gạo, thực phẩm, hàng tiêu dùng, dệt may, da giày, máy móc... tiếp cận thị trường Comoros; đề xuất hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có các dự án hợp tác phát triển nông nghiệp ba bên, trong đó có cơ chế với tổ chức nông lương thế giới (FAO) và Ngân hàng phát triển châu Phi tại Comoros.

Thủ tướng cũng đề nghị hai nước tăng cường trao đổi, phối hợp tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương; đồng thời, khẳng định Việt Nam mong muốn hợp tác, hỗ trợ AU hiện thực hóa tầm nhìn về một châu Phi hội nhập, thịnh vượng và hòa bình, vì người dân; Việt Nam sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và AU.

Tổng thống Azali Assoumani cảm ơn lời chúc, lời thăm hỏi của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam; khẳng định nhân dân Comoros luôn dành tình cảm tốt đẹp cho Việt Nam; nhấn mạnh mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Việt Nam cả trên khía cạnh song phương cũng như trên cương vị Chủ tịch AU.

Tổng thống Azali Assoumani đồng thuận cao với các đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm cho Comoros trong bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng, y tế… nhằm hỗ trợ Comoros thực hiện kế hoạch và tầm nhìn trở thành một nền kinh tế mới nổi vào năm 2030.

Tổng thống Azali Assoumani nhất trí việc hai bên sớm đàm phán, ký kết một số văn bản quan trọng như Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ… để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hợp tác song phương. Về hợp tác đa phương, Comoros sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, vai trò của luật pháp quốc tế. 

* Sáng cùng ngày, tại cuộc tiếp ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và OECD, cảm ơn hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách của OECD cho Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác, trước mắt chuẩn bị tốt cho Hội nghị Bộ trưởng Chương trình Đông Nam Á năm 2023; đề nghị OECD tạo điều kiện cho nhiều cán bộ điều phối Việt Nam làm việc tại Ban Thư ký.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là nước đang phát triển, là nền kinh tế đang chuyển đổi, độ mở kinh tế lớn, khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế, mong OECD hỗ trợ chia sẻ nghiên cứu, cách tiếp cận trong những vấn đề mới, nhất là thuế tối thiểu toàn cầu, an ninh năng lượng, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn…

Tổng Thư ký OECD chúc mừng thành quả cải cách và chuyển đổi kinh tế của Việt Nam, cảm ơn những đóng góp tích cực và vai trò chủ chốt của Việt Nam trong Chương trình Đông Nam Á trên cương vị đồng Chủ tịch Chương trình, đặc biệt là tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Chương trình Đông Nam Á tháng 10/2022 tại Hà Nội.

Ông Mathias Cormann bày tỏ ấn tượng trước vai trò quốc tế của Việt Nam với việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng cũng như tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD tháng 6/2023 sắp tới.

Tổng Thư ký OECD cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi, hợp tác với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam phục hồi, phát triển kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm gồm xây dựng chính sách đầu tư thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Tổng Thư ký Mathias Cormann mong Việt Nam tham gia sáng kiến Diễn đàn các phương pháp giảm carbon (IFCMA) để đóng góp xây dựng cách tiếp cận chuẩn, tổng thể về việc giảm thiểu carbon ở cấp độ toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 49 diễn ra từ ngày 19-22/5 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, trong đó Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng từ ngày 20-21/5.

Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng có lãnh đạo cấp cao 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến thuộc nhóm G7 (Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, Italy) và các vị khách mời là lãnh đạo cấp cao của 8 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế (Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á).

Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và là lần thứ hai theo lời mời của Nhật Bản. Điều này cho thấy sự coi trọng của Nhật Bản, Chủ tịch G7 năm 2023 nói riêng và Nhóm G7 nói chung với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực. Sự tham dự của Việt Nam khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp cho nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác, duy trì tăng trưởng và giải quyết các thách thức chung của cộng đồng quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam sẵn sàng là cầu nối giữa ASEAN và Liên minh châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO