Điều tra

Trốn đóng, gian lận bảo hiểm rõ nhiều, khởi tố chả là bao

Phú Nguyễn 11/03/2024 - 08:49

Thông tin từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, từ năm 2018 đến hết năm 2023 cơ quan này đã chuyển 417 vụ việc có dấu hiệu trốn, gian lận bảo hiểm sang Cơ quan điều tra, nhưng chỉ khởi tố được 15 vụ án, còn lại không xác định dấu hiệu tội phạm.

417 vụ việc, chỉ khởi tố 15 vụ án

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính từ năm 2018 đến hết 31/12/2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã gửi 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra, trong đó có 34 hồ sơ đề nghị khởi tố theo Điều 214 về Tội gian lận BHXH, BHTN, 4 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 215 về Tội gian lận BHYT, 379 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216 về Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Riêng năm 2023, toàn ngành phát sinh 26 hồ sơ kiến nghị khởi tố,(17 hồ sơ theo Điều 214, 01 hồ sơ theo Điều 215, 08 hồ sơ theo Điều 216).

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 15 hồ sơ đã được khởi tố, trong đó có 8 bản án đã có hiệu lực pháp luật với số tiền cá nhân, tổ chức phải thi hành án cho cơ quan BHXH là 2.690.508.989 đồng, số tiền cơ quan BHXH đã thu hồi được từ thi hành án đạt 2.381.982.535 đồng (chiếm 88,5% số tiền phải thi hành án).

Số vụ việc không khởi tố là 220 do không xác định có dấu hiệu tội phạm, không có hành vi vi phạm hoặc chuyển xử lý hành chính. Các vụ việc tạm đình chỉ giải quyết là 23 vụ, 2 vụ việc bị tạm đình chỉ, đình chỉ, 3 vụ việc vẫn đang trong quá trình xem xét, giải quyết.

baohiemxahoi.png
Cần có chế tài mạnh hơn đối với hành vi trốn, gian lận bảo hiểm. Ảnh minh họa.

BHXH Việt Nam cho biết, kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, tại nhiều địa phương, BHXH các tỉnh, thành phố đã tham mưu UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác thu, phát triển đối tượng và giảm nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN.

Từ tháng 9/2019, khi Nghị quyết số 05, (Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng Điều 214, Điều 215 và Điều 216 về tội Trốn đóng bảo hiểm và Gian lận bảo hiểm) có hiệu lực thi hành, BHXH các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện, đặc biệt sau khi có hướng dẫn của BHXH Việt Nam về lập hồ sơ kiến nghị khởi tố.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn rất nhiều vướng mắc phát sinh, nhất là trong khâu xác định yếu tố cấu thành tội Trốn đóng bảo hiểm, Gian lận bảo hiểm và còn có cách hiểu khác nhau khi áp dụng quy định của pháp luật.

Cần quy định chặt chẽ hơn

Theo BHXH Việt Nam, thực tiễn cho thấy, hầu hết các hành vi cơ quan BHXH xem xét, lập hồ sơ gửi kiến nghị khởi tố được xác định là hành vi chậm đóng.

Cụ thể, đơn vị sử dụng lao động đã kê khai đầy đủ số người tham gia BHXH, số tiền khải đóng, khấu trừ tiền lương của người lao động để đóng BHXH, BHTN, BHYT nhưng chưa đóng được cơ quan Công an xác định là không có thủ đoạn gian dối hoặc thủ đoạn khác nên không thỏa mãn dấu hiệu tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 216.

Tiếp theo đó, về dấu hiệu “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm”, theo BHXH Việt Nam, Cơ quan điều tra không thụ lý hồ sơ do quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cơ quan BHXH ban hành được xác định đối với hành vi chậm đóng nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định. Ngoài ra, Biên bản xử phạt vi phạm hành chính xác định chủ thể là đơn vị sử dụng lao động nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân không có căn cứ.

Thêm vào đó, hành vi “Đã bị xử phạt VPHC về hành vi này mà còn vi phạm” còn có cách hiểu khác, là cùng hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng đơn vị sử dụng lao động không nộp số tiền vi phạm, (thỏa mãn dấu hiệu từ đủ 6 tháng trở lên đối với 10 người hoặc 50 triệu đồng) hay là hành vi vi phạm tiếp tục tái diễn sau khi đã bị phạt vi phạm hành chính, (mà đơn vị sử dụng lao động trước đó đã nộp tiền hoặc chưa nộp số tiền vi phạm được xác định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính).

Nguyên nhân tiếp theo đó là, đối với hành vi chậm đóng mà đơn vị sử dụng đã kê khai đầy đủ số người, số tiền phải đóng nhưng không đóng (lý do phía đơn vị đưa ra là do khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có thủ đoạn gian dối), Cơ quan điều tra có ý kiến “Đơn vị nợ do khó khăn, đề nghị khởi kiện vụ án dân sự theo quy định pháp luật”.

Tuy nhiên, việc khởi kiện dân sự của tổ chức công đoàn hiện đang gặp nhiều vướng mắc nên hầu như không thực hiện được trên thực tế do khó khăn trong việc thực hiện quy định về ủy quyền của người lao động và thực tế triển khai của tổ chức công đoàn.

Theo BHXH Việt Nam, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi trốn đóng, BHXH, BHTN, BHYT, dự thảo Luật BHXH, Luật BHYT sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cần quy định rõ ràng cụ thể về hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm.

Việc xây dựng này đảm bảo sự đồng bộ với các quy định pháp luật hành chính, hình sự và tình hình thực tiễn tổ chức, thực hiện. Đồng thời, có hướng dẫn cách thu thập hồ sơ tài liệu đảm bảo điều kiện cần và đủ trước khi gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra, nhằm đáp ứng đầy đủ điều kiện chuyển hóa hồ sơ, tài liệu thành chứng cứ phục vụ công tác điều tra, khởi tố đối với tội danh trốn đóng theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

“Điều 216, Bộ luật Hình sự, quy định tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;

d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;

c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trốn đóng, gian lận bảo hiểm rõ nhiều, khởi tố chả là bao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO