Trong phần tuyên án vụ "chuyến bay giải cứu" chiều 28/7, HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước… nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhằm răn đe, giáo dục tội phạm và phòng ngừa chung.
Hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội
HĐXX nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo mang tính chất nguy hiểm, gây bức xúc cho xã hội và nhân dân.
Hành vi nhận hối lộ xảy ra ở nhiều địa phương, bộ, ngành khác nhau cho thấy các bị cáo đã không thực hiện đúng quy định công vụ, nhận tiền từ các đại diện doanh nghiệp, gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong vụ án này, HĐXX cho rằng có nhiều bị cáo giữ chức vụ cao và quan trọng trong các Bộ, ban, ngành nhưng lại có hành vi vi phạm pháp luật.
Như cáo buộc của VKS, bị cáo Tô Anh Dũng được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. Cục Lãnh sự là đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong thời gian dịch Covid-19, ký văn bản xin ý kiến 4 Bộ (Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải) và ký đề xuất gửi Lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch trên.
Biết được vai trò của Tô Anh Dũng, từ tháng 5/2020 – 01/2022, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tiếp cận, đặt vấn đề nhờ bị cáo Dũng giải quyết việc cấp phép chuyến bay và được Dũng đồng ý. Trong quá trình thực hiện, Tô Anh Dũng đã nhiều lần nhận tiền của doanh nghiệp.
Đối với Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội) đã nhận tiền để “chạy án”. HĐXX nhận định đây là hành vi đáng lên án; dù bị cáo đã khắc phục hết nhưng cũng cần áp dụng mức án nghiêm khắc để răn đe và phòng ngừa chung.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên) đã lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để chiếm đoạt tiền của bị hại nên cần có đường lối xử lý nghiêm khắc.
Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, các bị cáo phạm tội “Nhận hối lộ” bị áp dụng tình tiết “phạm tội 2 lần trở lên”, “lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội”… Các bị cáo còn lại chịu tình tiết tăng nặng theo như quan điểm trước đó của VKS.
Xét các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo trong vụ án này, HĐXX nhận định, ngoài Hoàng Văn Hưng và Trần Minh Tuấn, các bị cáo khác đều được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.
Bị cáo Phạm Trung Kiên đã khắc phục trên 42 tỷ đồng, Nguyễn Thị Hương Lan nộp hơn 1,2 tỷđồng và đề nghị dùng các tài sản bị kê biên để khắc phục hậu quả… Một số bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “tích cực hợp tác với CQĐT để làm sáng tỏ vụ án”, “có nhiều thành tích trong công tác”…
Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế thoát án tử
Căn cứ tính chất mức phạm tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo, theo HĐXX, mức án tử hình mà VKS đề nghị đối với Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) là tương xứng. Nhưng tại phiên tòa, HĐXX xét thấy bị cáo đã thành khẩn khai nhận, tác động tới gia đình khắc phục hậu quả, đến nay đã khắc phục trên 42 tỷ đồng. Trên cơ sở chính sách nhân đạo của pháp luật, HĐXX cho rằng không cần thiết phải loại trừ vĩnh viễn bị cáo.
Những bị cáo tại Cục Lãnh sự, theo HĐXX, các bị cáo đã nhận tiền nhiều lần, số tiền lớn, gây ảnh hưởng tới đơn vị công tác và gây bức xúc trong nhân dân nên cần mức án nghiêm khắc để răn đe và phòng ngừa chung.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan là người đứng đầu đơn vị nhưng lại để xảy ra hành vi nhận hối lộ có hệ thống; tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, tích cực tác động tới gia đình để khắc phục hậu quả nên HĐXX cho rằng không cần phải áp dụng mức hình phạt cao nhất.
Trong vụ án này, HĐXX xét thấy doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin – cho, là nạn nhân của "văn hóa phong bì" nên có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo này.
Kiến nghị CQĐT làm rõ hành vi sai phạm của các cá nhân mà CQĐT đã nêu trong kết luận để điều tra làm rõ ở giai đoạn sau.
VKS xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.
Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ hơn 42,6 tỷ đồng. Bị cáo Tô Anh Dũng đã nhận hối lộ tổng số tiền 21,5 tỷ đồng. Bị cáo Chử Xuân Dũng đã nhận hối lộ 2 tỷ đồng; Trần Văn Tân nhận hối lộ 5 tỷ đồng…
Tại phiên tòa, các bị cáo cơ bản thừa nhận hành vi sai phạm và chỉ mong được giảm nhẹ hình phạt.
HĐXX xét thấy, đối với hành vi của các bị cáo phạm tội “Nhận hối lộ”, trong giai đoạn dịch Covid- 19 bùng phát, một số doanh nghiệp đã nộp đơn xin cấp phép chuyến bay nhưng gặp khó khăn; từ đó nhiều doanh nghiệp đã liên hệ, đặt vấn đề với các bị cáo là cán bộ cơ quan nhà nước để được cấp phép sớm. Ngoài các bị cáo có hành vi đòi hỏi như Phạm Trung Kiên, thì các bị cáo khác tuy không đòi hỏi nhưng đều gặp gỡ, thống nhất, tạo điều kiện.
Theo HĐXX, trước và sau khi cấp phép chuyến bay, doanh nghiệp đều đưa tiền cảm ơn, số tiền đó là đặc biệt lớn, lên tới hàng tỷ đồng; việc đưa tiền diễn ra liên tục, số tiền vượt quá mức bình quân thu nhập của các bộ nhà nước.
Tại CQĐT và tại Tòa, các bị cáo là người điều hành doanh nghiệp đều xác nhận nếu không đưa tiền sẽ không được tạo điều kiện. Như vậy, HĐXX khẳng định các bị cáo là cán bộ trong cơ quan nhà nước đã nhận số tiền đặc biệt lớn để thực hiện theo yêu cầu của doanh nghiệp, sau khi nhận không báo cáo cơ quan mà chiếm hưởng cá nhân là vi phạm pháp luật.
Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng không oan
Tại Tòa, Hoàng Văn Hưng cho rằng bị cáo không phạm tội. HĐXX xét thấy, theo các tài liệu và hồ sơ, Hưng là điều tra viên tiến hành điều tra vụ án này và được Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội) giới thiệu cho gặp Nguyễn Thị Thanh Hằng (lãnh đạo Công ty Blue Sky) để Hằng nhờ giúp đỡ không bị xử lý hình sự.
Tại nhà Tuấn, Hằng và Hưng đã có nhiều lần gặp nhau và Hằng cũng đưa tiền cho Tuấn để đưa cho Hưng nhằm giúp đỡ không bị xử lý hình sự.
HĐXX đã căn cứ vào các tài liệu chứng cứ, gồm Hưng là điều tra viên tiến hành điều tra vụ án, biết rõ quy định của ngành là không được tiếp xúc với người bị điều tra ngoài trụ sở nhưng Hưng vẫn gặp Hằng ngoài giờ làm việc mà không báo cáo cơ quan. Ngoài ra, HĐXX còn căn cứ vào đơn tố giác của Hằng và Lê Hồng Sơn, lời khai của Sơn và Hằng cũng thể hiện nhiều lần phải đưa tiền để được giúp đỡ…
Tại phiên tòa, Hưng một mực kêu oan và cho rằng CQĐT thu thập chứng cứ một chiều và bị cáo có nhận chiếc vali nhưng bên trong có 4 chai rượu vang, không có tiền. Nhưng theo HĐXX, CQĐT và VKS đã thu thập tài liệu chứng cứ đúng quy định pháp luật, được ghi biên bản lời khai. Ngoài lời khai trên, CQĐT còn thu thập dữ liệu điện tử, những lời khai khác của Sơn và Hằng đều thể hiện hành vi phạm tội của Hưng.
HĐXX nhận định các lời khai của Hưng thể hiện sự không thành thật. Tài liệu hồ sơ vụ án thể hiện Hưng đã đưa ra thông tin gian dối dù bản thân đã bị điều chuyển công tác để buộc Hằng phải chi tiền. Thông qua Tuấn, Hưng đã nhận 800.000 USD của Hằng và Sơn, đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không oan.
Từ những chứng cứ, tài liệu và diễn biến tại phiên tòa, HĐXX cho rằng cần phải tuyên Hoàng Văn Hưng mức án cao hơn so với đề nghị của VKS mới tương xứng với hành vi của bị cáo.