Trao đổi nghiệp vụ

"Tô vẽ", "đánh bóng" thương hiệu sản phẩm, chế tài ra sao?

Phú Nguyễn 14/11/2023 21:02

Cá nhân, tổ chức được thực hiện các quyền kinh doanh, truyền thông quảng cáo cho thương hiệu, sản phẩm của mình. Song hoạt động này phải tuân thủ theo pháp luật. Trường hợp việc kinh doanh những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn chất lượng, tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lâu nay, trên một số phương tiện thông tin truyền thông và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Tiktok… xuất hiện nhiều thông tin quảng bá về một dòng sản phẩm mỹ phẩm cao cấp của Nhật Bản được "tô vẽ" bằng những lời có cánh, như: “Shion là dòng mỹ phẩm cao cấp của Nhật Bản, được đầu tư nghiên cứu và phát triển bởi Pacific Empire Investment. Sứ mệnh của Shion là giúp cho hàng triệu phụ nữ trên thế giới “turn on your pride”… Hội đồng khoa học tại Shion là các chuyên gia, nhà cố vấn khoa học, bác sĩ với 20 năm kinh nghiệm…”

Đáng chú ý, truyền thông còn rầm rộ đưa tin Công ty Pacific Empire Investment do Chủ tịch Tuệ Nghi (tên thật là Phan Thanh Ngọc Bảo) đã rót 2 triệu USD vào thương hiệu mỹ phẩm Shion Nhật Bản. Pháp nhân tại Việt Nam là Công ty TNHH thương mại Shion, được thành lập vào ngày 17/11/2017, do chính Tuệ Nghi làm đại diện theo pháp luật.

Song thực tế, tới thời điểm hiện tại, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm Shion vẫn chưa được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chấp nhận. Đáng chú ý, theo số liệu từ cơ quan chức năng cho thấy, hoạt động của loạt công ty gắn với cái tên Phan Thanh Bảo Ngọc bết bát, một số đã ngừng hoạt động, bị cưỡng chế thuế.

Nhiều độc giả quan tâm, trong trường hợp nào, doanh nghiệp sẽ bị đóng mã số thuế, nếu cá nhân, tự ý vẽ ra “thương vụ triệu đô” để đánh bóng tên tuổi có vi phạm pháp luật không? Chế tài xử lý ra sao?

luatsudong.jpg
Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 39 Luật Quản lý Thuế năm 2019, doanh nghiệp đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong các trường hợp: Chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc giải thể, phá sản; Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất.

Doanh nghiệp đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong các trường hợp: Chấm dứt hoạt động kinh doanh, không còn phát sinh nghĩa vụ thuế đối với tổ chức không kinh doanh; Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép tương đương; Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất; Bị cơ quan thuế ra thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; Nhà thầu nước ngoài khi kết thúc hợp đồng; Nhà thầu, nhà đầu tư tham gia hợp đồng dầu khí khi kết thúc hợp đồng hoặc chuyển nhượng toàn bộ quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí.

Đối chiếu quy định trên cho thấy doanh nghiệp của Tuệ Nghi bị đóng mã số thuế thuộc trường hợp bị cơ quan thuế ra thông báo “người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký” có thể doanh nghiệp này đã bỏ địa chỉ trụ sở đã đăng ký khi cơ quan thuế tiến hành kiểm tra thì không có doanh nghiệp nào hoạt động tại đây.

Nếu doanh nghiệp bị cơ quan thuế ra thông báo “người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký” thì cơ quan thuế sẽ gửi kiến nghị sang Sở kế hoạch đầu tư để thu hồi đăng ký kinh doanh, vì thế doanh nghiệp sẽ không còn được phép hoạt động đầu tư.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đồng cho biết, theo quy định pháp luật cá nhân, tổ chức được thực hiện các quyền kinh doanh, truyền thông quảng cáo cho thương hiệu, cho sản phẩm của mình. Song hoạt động kinh doanh, thông quảng cáo cho thương hiệu, cho sản phẩm phải tuân thủ các điều kiện đã được pháp luật chuyên ngành điều chỉnh. Trường hợp việc kinh doanh những ngành nghề bị cấm, sản phẩm không đủ tiêu chuẩn chất lượng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp không có hoạt động kinh doanh đầu tư, sử dụng truyền thông để quảng cáo, để đưa ra thông tin không sai sự thật để người tiêu dùng tin tưởng để sử dụng sản phẩm, để gửi tiền, tài sản khác sau đó cá nhân, tổ chức này chiếm đoạt. Thì hành vi này được xác định là hành vi chiếm đoạt thông qua thủ đoạn gian dối, nếu chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu số tiền và tài sản chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên thì hình phạt người vi phạm phải đối mặt lên đến 12-20 năm tù hoặc tù chung thân. Ngoài ra phải trả lại các tài sản cho những người bị hại khác.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự cũng đã quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội, nếu pháp nhân được lập ra để phục vụ cho hoạt động động phạm tội thì sẽ bị buộc chấm dứt hoạt động vĩnh viễn, pháp nhân phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm cho cá nhân phạm tội, nên người đứng đầu doanh nghiệp thực hiện hành vi phạm tội thông qua pháp nhân vẫn sẽ bị xử lý.

Vị luật sư khẳng định, nếu việc đưa ra thông tin gian dối, thông tin sai sự thật về sản phẩm, công dụng sản phẩm không được như lời quảng cáo truyền thông thì hành vi này có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trường hợp trong quá trình mua bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa dối khách hàng quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu hành vi được xác định là có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn xảo quyệt, thu lợi bất chính trên 50 triệu thì khung hình phạt cao nhất là 1-5 năm tù.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Tô vẽ", "đánh bóng" thương hiệu sản phẩm, chế tài ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO