Công lý 24h

Thông tin Nhà máy Xi măng Đại Việt được “mua lại” là không chính xác

PV 08/06/2023 - 13:00

Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1947/BXD-VP ngày 17/5/2023 trả lời báo chí, khẳng định chưa có cơ sở để xác định việc có doanh nghiệp mong muốn đàm phán mua lại Nhà máy Xi măng Đại Việt.

Khi còn là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam - VICEM), ông Bùi Hồng Minh đã quyết định chi xấp xỉ 100 tỉ đồng mua lại 76,8% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Xi măng Miền Trung, với giá trên 11 nghìn đồng/1 cổ phần. Bằng cách này, Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn sẽ nắm giữ quyền kiểm soát hoạt động của Nhà máy Xi măng Đại Việt.

Tuy nhiên, sau khi nắm giữ cổ phần chi phối của Công ty Cổ phần Xi măng Miền Trung với giá cao hơn rất nhiều, so với giá cổ phiếu của công ty mẹ (giá cổ phiếu của Công ty Xi măng Bỉm Sơn, giai đoạn 2010-2015, chỉ giao dịch ở mức 3-6 nghìn đồng/cổ phiếu) thì Nhà máy Xi măng Đại Việt cũng gần như không thể hoạt động, do công nghệ không đảm bảo, gây ô nhiễm và vấp phải sự phản ứng của nhân dân địa phương.

anh-1-xi-mang-1-.jpg
Thông báo mua cổ phần của Công ty Xi măng Bỉm Sơn

Ngay trong năm 2015, 2016, mỗi năm Nhà máy Xi măng Đại Việt đã phải chịu lỗ trên 30 tỉ đồng. Những năm sau này, tình trạng kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị càng ngày càng bi đát hơn.

Tính đến ngày 31/12/2022, lỗ lũy kế của đơn vị này đã trên 254 tỉ đồng. Nợ phải trả là 307 tỉ đồng; gấp 2,37 lần vốn điều lệ. Công ty Xi măng Bỉm Sơn đã phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính và dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với Công ty Xi măng Miền Trung số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Chiều ngày 22/02/2023, tại Kỳ họp 26, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, ông Bùi Hồng Minh trên các cương vị công tác đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, những điều đảng viên không được làm. Ông cũng vi phạm trách nhiệm nêu gương trong lãnh đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác cán bộ; có nguy cơ mất vốn đầu tư. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vi phạm của ông Bùi Hồng Minh ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và ngành xi măng Việt Nam "đến mức phải xem xét kỷ luật"…

anh-2-xi-mang(1).jpg
Tình trạng ô nhiễm tại Nhà máy Xi măng Đại Việt dẫn đến người dân địa phương phản đối

Thông tin “giải cứu” Nhà máy Xi măng Đại Việt được “thổi” bùng lên từ đầu tháng 3/2023, sau đó được “lan truyền” rằng Bộ Xây dựng và tỉnh Quảng Ngãi đã trình Thủ tướng Chính phủ bản Quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất. Theo đó, Nhà máy Xi măng Đại Việt sẽ được quy hoạch vào Khu kinh tế Dung Quất và dân cư khu vực xung quanh nhà máy sẽ được giải tỏa, tái định cư nên nhà máy có thể hoạt động trở lại vì sẽ không còn xung đột về môi trường sống với người dân.

Thông tin đồn thổi thứ hai là đang có những doanh nghiệp đang “nhòm ngó” muốn đàm phán mua lại Nhà máy Xi măng Đại Việt với mức giá trên 400 tỉ đồng. Đương nhiên, nếu Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn thực hiện thành công “thương vụ” này thì sẽ trang trải hết nợ nần và thậm chí còn có lãi.

Liên quan đến những tin đồn thất thiệt này, ngày 17/5/2023, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1947/BXD-VP trả lời báo chí, cho biết chưa có cơ sở để xác định thông tin có doanh nghiệp mong muốn đàm phán mua lại Công ty Cổ phần Xi măng Miền Trung.

Bộ Xây dựng cũng khẳng định, Công ty Cổ phần Xi măng Miền Trung (doanh nghiệp cấp 3) chỉ là công ty con của Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn. Vì vậy, theo Luật Doanh nghiệp cũng như Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Xi măng Việt Nam thì việc xem xét tiếp tục nắm giữ cổ phần hay bán/thoái khoản vốn đầu tư của Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (doanh nghiệp cấp 2) tại Công ty Cổ phần Xi măng Miền Trung không thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng.

Thông tin chính thức từ Bộ Xây dựng cho thấy chưa có giải pháp nào để dừng thua lỗ tại Nhà máy Xi măng Đại Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tin Nhà máy Xi măng Đại Việt được “mua lại” là không chính xác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO