Bài 2: Hùn vốn spa, nhọc nhằn theo dấu vết và những lá đơn tố cáo
Hùn vốn kinh doanh spa, cứ ngỡ “hệ sinh thái” của đối tác “xịn xò”, nhưng khi tiền chuyển đi, chị L.T.H (41 tuổi, trú tại TP HCM) ngậm đắng, nhọc nhằn lần theo dấu vết của “đối tác” ngoài Hà Nội để đòi lại chính "khúc ruột" của mình bỏ ra. Càng tìm kiếm, chị H càng hoang mang, bởi “hệ sinh thái” của đối tác dính hàng chục lá đơn tố cáo lừa đảo.
Nhọc nhằn lần theo dấu vết Công ty
Như Công lý & Xã hội đã phản ánh ở bài viết trước, chị L.T.H (41 tuổi, trú tại phường 13, quận Tân Bình, TP HCM) kêu cứu vì hùn vốn kinh doanh spa với bà Trịnh Thị Hương Trà, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Nano Nature Fashion And Cosmetics (viết tắt Công ty Nano Nature, trụ sở tại phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội).
Trong đơn, chị H cho biết, chị đã ký hợp đồng hợp tác góp vốn và chuyển số tiền 4.972.000.000đ vào tài khoản của Công ty Nano Nature và Công ty Cổ phần The Skin Master vào các ngày 26/4, 25/7 và 31/10 năm 2023. Tuy nhiên, đến đầu tháng 1/2024, qua nhóm Zalo, chị H phát hiện nhiều bất thường trong việc sử dụng vốn kinh doanh, có dấu hiệu chi khống để chiếm đoạt.
Để làm rõ những nghi ngờ của mình, chị H đã tìm mọi cách liên lạc với bà Trà nhưng bất thành, bà này tắt máy, tránh né không làm việc. Để kịp thời ngăn chặn hành vi khuất tất của bà Trà, chị H đã nhọc công tìm kiếm nhưng mọi sự đều không có kết quả. Cực chẳng đã, chị đành gửi đơn tố giác tội phạm tới Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM đề nghị xác minh, làm rõ và xử lý.
Chị H bức xúc, đại diện của chị đã cất công tìm tới trụ sở Công ty Nano Nature, Công ty The Skin Master tại số 27, ngõ 162b, phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Đáng ngạc nhiên, trụ sở công ty chỉ là căn nhà nhỏ sâu trong hẻm, rộng khoảng 20m2. Chủ nhà sinh sống tại căn nhà cho biết, họ mua ở và sửa nhà trong khoảng 4 năm nay, các công ty không hoạt động, không có biển hiệu, không họp hành, làm việc gì tại địa chỉ trên.
Theo công văn của Đội quản lý thị trường số 5 (Cục quản lý thị trường Hà Nội) thì số 41 Mai Hắc Đế, phường Nguyễn Du (trước là phường Bùi Thị Xuân), quận Hai Bà Trưng; không có hoạt động kinh doanh nào của Công ty Nano Nature và Công ty The Skin Master tại địa chỉ này.
Chủ nhà khẳng định, người thuê và trả tiền là bà Lê Thị Vĩnh Linh, chứ không phải bà Trà. Bà Lê Thị Vĩnh Linh, là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Câu Lạc bộ kì nghỉ Việt Nam (nay là Công ty cổ phần Vietnam Capitaland (viết tắt: VVC), một công ty “hệ sinh thái” mà bà Trà đã giới thiệu.
Tại văn bản của Chi cục Thuế quận Đống Đa, TP Hà Nội cho hay: Công ty The Skin Master - Mã số thuế: 0110370853, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, Chi cục cũng đã có văn bản thông báo về việc này.
Về Công ty Nano Nature, ngày 03/07/2024, Chi cục Thuế quận Đống Đa đã phối hợp với UBND phường Hàng Bột kiểm tra tình hình hoạt động của Công ty tại địa chỉ 27, ngõ 162b, phố Tôn Đức Thắng, kết quả là công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký.
Công ty này đã thay đổi địa điểm đăng ký kinh doanh đến Phòng 403, Tầng 4 tòa nhà Ocean Park số 1 Đào Duy Anh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, TP Hà Nội.
Còn tại cơ sở kinh doanh của bà H (số 39 Trương Quốc Dung, Phường 8, Quận Phú Nhuận, TP.HCM), Công ty Nano Nature đã lập Chi nhánh với mã số doanh nghiệp 0107715995-001, là đơn vị phụ thuộc của Công ty Nano.
Ngày 26/6/2024, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Phú Nhuận đã phối hợp với UBND phường 8 xác minh, kiểm tra và kết luận “Chi nhánh Công ty CP Nano Nature Fashion and Cosmetics không treo biển hiệu, không hoạt động thực tế tại địa chỉ”.
Về thương hiệu "The Skin Master" mà bà Trà đã quảng cáo, tìm hiểu chị H được biết, thương hiệu này không hề có văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật. Ngoài ra, Công ty Nano Nature tự giới thiệu việc đào tạo cấp bằng chứng chỉ và có “sản phẩm độc quyền được cấp phép bởi Bộ Y tế” nhưng hoàn toàn không có giấy tờ, văn bản chứng minh.
Lẽ đương nhiên, chuyện hợp tác với Chủ tịch, tiến sĩ, bác sĩ Kim (người Hàn Quốc) và đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong ngành thẩm mỹ Hàn Quốc, bác sĩ giỏi của Việt Nam trong việc chăm sóc sắc đẹp “Chuẩn y khoa Hàn Quốc”, là tập đoàn uy tín trong lĩnh vực làm đẹp tại Hàn Quốc hay đối tác lớn cũng là chiêu “nổ”, đánh bóng thương hiệu (?!)
Công ty “hệ sinh thái” liên tục bị tố lừa đảo
Quá trình quảng cáo thương hiệu của Công ty Nano Nature, bà Trà đã giới thiệu với chị H về “hệ sinh thái” là Công ty Cổ phần Câu lạc bộ Kỳ nghỉ Việt Nam (VVC) do anh trai ruột là Trịnh Minh Giang và chị dâu là Lê Thị Vĩnh Linh làm chủ. Công ty anh ruột của bà Trà từng vướng "lùm xùm" bán kỳ nghỉ bị báo chí phanh phui, sau đổi tên công ty tiếp tục bị nhiều người “tố” lừa bán kỳ nghỉ.
Khoảng giữa tháng 5/2024, 47 nhà đầu tư đã đồng đoạt ký vào đơn tố giác tội phạm gửi Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP HCM, đề nghị điều tra, làm rõ những hành vi mờ ám của Công ty Cổ phần Việt Nam Capital Land (trước đây là Công ty Cổ phần Kỳ nghỉ Việt Nam, VVC).
Theo đơn tố giác, nhân viên VVC giới thiệu công ty là đơn vị kinh doanh kỳ nghỉ du lịch lâu năm và có uy tín trên thị trường Việt Nam. Hiện VVC đã sở hữu 50 căn hộ (căn hộ gốc) tại dự án nổi tiếng ở Phú Quốc, Kiên Giang. Sau khi sở hữu kỳ nghỉ thì các chủ sở hữu (khách hàng) có thể trao đổi kỳ nghỉ của mình với các khu nghỉ dưỡng khác ở Việt Nam và thế giới, hoặc bán và cho thuê lại để thu lợi nhuận hấp dẫn thông qua một trang web với tên gọi là VPASS (Công ty CP Dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp VPASS ASIA, do bà Lê Thị Vĩnh Linh là đại diện theo pháp luật).
Tin tưởng hình thức đầu tư này, nhiều người đã ký hợp đồng ít thì vài trăm triệu, người nhiều hơn nửa tỷ đồng với VVC. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng xong, nhà đầu tư hoang mang khi công ty này liên tục thay đổi thông tin, thay đổi chức danh đại diện theo pháp luật, toàn bộ các lãnh đạo cấp cao của công ty: Hoàng Bình Dương, Lê Thị Vĩnh Linh (chị dâu bà Trà), Trịnh Minh Giang (anh trai bà Trà) đều lần lượt thay đổi.
Đặc biệt từ tháng 3/2022 cho tới tháng 4/2024, VVC đã có tổng cộng 6 lần thay đổi, trong đó có 4 lần thay đổi đại diện theo pháp luật. Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ đã đến trụ sở công ty này làm việc nhiều lần nhưng nhân viên liên tục tránh né, không cung cấp địa chỉ văn phòng tại Phú Quốc.
Ngoài ra, sau khi mua Hợp đồng nghỉ dưỡng từ VVC, nhà đầu tư liên tục bị các công ty dịch vụ khác làm phiền, gọi điện yêu cầu mua lại kỳ nghỉ, đổi lại sẽ bán cho một gói kỳ nghỉ ngắn hạn hơn. Nhiều nhà đầu tư cho hay, rất nhiều người khác cũng đã mua hợp đồng mới theo như lời mời gọi trên, nhưng VVC chưa hề mua lại hợp đồng cũ. Điều mấu chốt là VVC không chứng minh được việc sở hữu 50 căn hộ gốc từ chủ đầu tư.
Công lý & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin!