"Nổ" được Nhà nước giao cho khai thác kho báu, 3 bị cáo là Lê Văn Tiến, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Văn Tâm Em (đều ngụ tại TP.HCM) đã dụ dỗ người khác với hình thức góp tiền đầu tư, chia tài sản.
Ngày 19/6, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Lê Văn Tiến (53 tuổi), Nguyễn Thị Tuyết (52 tuổi) và Nguyễn Văn Tâm Em (43 tuổi) cùng ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, cả 3 bị cáo nói trên đã rủ nhau đi lừa đảo để lấy tiền tiêu xài. Cụ thể, cả nhóm thống nhất đưa ra thông tin về việc Tiến có mối quan hệ mật thiết với những người công tác trong Chính phủ, Công an và Quân đội.
Từ đó, Tiến được giao cho khai thác kho báu rồi kêu gọi người khác đầu tư tiền vào khai thác để cùng chia tài sản. Tiếp đó, Tiến giao cho Tâm Em tìm mua tiền USD và tiền rồng vàng giả để Tiến đưa cho các nạn nhân làm tin.
Thông qua giới thiệu của bà Lâm Thị Thảo, Tiến gặp và làm quen với bà Phan Thị A. (chị họ của Thảo). Trong lúc nói chuyện, Tiến nói mình được giao cho khai thác kho báu của quốc gia chứa rất nhiều tiền, đồ vật quý hiếm…và dụ bà A. tham gia đầu tư.
Tin tưởng sẽ nhận được kho báu là tiền đồng USD và hưởng các chính sách lâu dài của Nhà nước như lời Tiến nói, cùng với việc nghe Thảo nói đã từng đến kho báu ở Tây Ninh, Kiên Giang và đã đầu tư vào các kho báu này nên bà A. đã đưa 500 triệu đồng cho Tiến.
Nhận tiền xong, Tiến tiếp tục yêu cầu bà A. đưa thêm 1 tỷ đồng nữa để được hưởng lợi nhuận nhiều hơn. Tin tưởng, bà A. tiếp tục đưa cho Tiến 1 tỷ đồng. Để tạo lòng tin vững chắc từ bà A., Tiến đưa cho nạn nhân 100 tờ USD, mỗi tờ có mệnh giá 1 tỷ USD (toàn bộ số tiền này không có giá trị sử dụng) và nói đây là “tiền bảo chứng”.
Thấy bà A. không nghi ngờ gì, Tiến và Tuyết tiếp tục dụ nạn nhân đầu tư thêm, với gói đầu tư mới là 2 tỷ đồng để được hưởng lợi nhuận cao và lâu dài. Thấy Tiến liên tục hối mình đưa tiền, bà A. nghi ngờ bị lừa đảo nên đã trình báo cơ quan Công an.
Khoảng 12h30 ngày 26/4/2021, Tiến và Tuyết đến một quán cafe ở Quận 5 để gặp anh Trương Mạnh Đ. (con trai bà A.) để nhận 1 tỷ đồng.
Nhận tiền xong, Tiến tiếp tục đưa cho anh Đ. một hộp gỗ bên trong chứa nhiều tiền rồng vàng giả. Đúng lúc này, Cảnh sát ập vào bắt giữ 2 kẻ lừa đảo.
Tại CQĐT, các đối tượng khai, số tiền lừa đảo được chúng đem trả nợ, mua vé máy bay, thuê khách sạn và tiêu xài.
Đặc biệt, Tâm Em khai, đã chuyển một người tên là Lã Huy T. 520 triệu đồng để mua tiền rồng và USD giả. Lã Huy T. khi được triệu tập đã thừa nhận việc bán số tiền giả này cho Tâm Em để hưởng chênh lệch nhưng không biết Tâm Em sử dụng vào mục đích gì và cũng không tham gia việc lừa đảo. Khi biết số tiền Tâm Em đưa cho mình là tiền bất chính, T. đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền này.
Đối với Lâm Thị Thảo, dù giới thiệu bà A. với nhóm lừa đảo nhưng không tham gia bàn bạc, thỏa thuận trong việc chiếm đoạt tiền của bà A. Mặt khác, do có mối quan hệ bà con, muốn bà A. đầu tư sinh lời nên Thảo mới giới thiệu bà A. với Tiến. Cơ quan điều tra xét thấy hành vi của Thảo chưa đủ căn cứ xác định Thảo có vai trò đồng phạm nên không khởi tố điều tra đối với người này.
Khai tại Tòa, cả 3 bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Đáng chú ý, bị cáo Tuyết khai từng là giáo viên, nhưng sau đó bỏ nghề vào TP.HCM sinh sống cho đến khi bị bắt vì lừa đảo.
Tỏ ra hối hận về việc làm của mình, bị cáo Tuyết trình bày việc mình đã đi dạy học 28 năm và chưa từng vi phạm đạo đức, pháp luật. Bị cáo Tuyết mong HĐXX khoan hồng, tuyên mức án nhẹ để sớm có cơ hội làm lại cuộc đời.
HĐXX sau khi nghị án đã cho rằng, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ nên cần tuyên mức án nghiêm khắc.
Xét thấy, hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây mất trật tự xã hội, xâm phạm trực tiếp đến tài sản của người khác nên sau khi xem xét đã tuyên phạt bị cáo Tiến 15 năm tù, bị cáo Tâm Em 14 năm và bị cáo Tuyết 13 năm tù.