Công lý 24h

Nhà của hàng trăm hộ dân tại Nông trường Hà Trung có nguồn gốc thế nào?

Trang Nguyễn 28/08/2023 - 10:17

Hàng trăm hộ dân đang sinh sống ổn định tại khu đất của Nông trường Hà Trung (cũ) từ bao năm nay, nay bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Nguồn gốc thực sự của những mảnh đất họ đang sinh sống trên đó ra sao?

Người dân bị ảnh hưởng quyền lợi

Theo phản ánh, tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đang tồn tại hàng trăm hộ dân có nguy cơ mất nhà vì bị xác định đang ở trên đất nông nghiệp.

Cụ thể, những hộ dân tại đây cho biết, họ là những gia đình công nhân trước kia đã từng tham gia công tác tại Nông trường quốc doanh Hà Trung (cũ), nay còn có các con, cháu của họ cùng chung sống.

Nhiều hộ được giao đất xây dựng nhà ở kiên cố để ổn định chỗ ở, yên tâm lao động sản xuất. Năm 1986, theo Công văn số 1136/NN/CV kèm theo Thông tư hướng dẫn số 05-NN/QĐ-TT của Bộ Nông nghiệp về việc xây dựng nhà ở cho các gia đình trong nông trường quốc doanh.

thong-tu-05-dat-nong-truong-ha-long-ha-trung.jpg
fb005e0db5d866863fc9-1-.jpg
Thông tư hướng dẫn số 05-NN/QĐ-TT của Bộ Nông nghiệp

Ông Đầu Đăng Doanh, giám đốc Nông trường Hà Trung thời điểm cũ, là người đại diện Nông trường ký văn bản giao đất cho các hộ dân lúc bấy giờ.

Mấy chục năm sinh sống ổn định, những hộ dân tại Nông trường này đã lập thành làng, thôn và có khu sinh hoạt chung theo đúng mô hình thôn, xóm của bất cứ làng quê nào.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi các hộ dân muốn sửa chữa nhà cửa đang sinh sống lại bị người của Công ty và lực lượng chức năng ngăn cản.

Phần đất của nhiều gia đình đang sinh sống tại thôn Hà Long 1, trong đó có gia đình ông Lê Duy Long thường xuyên xảy ra úng ngập do bị đường cao tốc Bắc – Nam chặn con suối sát nhà.

nong-truong-ha-trung-thanh-hoa-.jpg
Nhiều nếp nhà đã tồn tại hàng chục năm đã bị xuống cấp một cách nặng nề

Do nhà đã sử dụng từ rất lâu không được sửa chữa, đầu năm 2023 toàn bộ căn nhà đã bị sập. Nhờ bà con hàng xóm giúp đỡ, gia đình ông Long đã dựng lại nếp nhà cũ để có chỗ che mưa nắng. Trong quá trình xây dựng, gia đình ông bị người của Công ty và các cán bộ UBND xã Hà Long vào ngăn cản. Đỉnh điểm ngày 29/6/2023, khi gia đình ông đang dựng phần công trình phụ và bếp trên phần đất của nhà để tiện sinh hoạt thì bị lực lượng chức năng cùng người của Công ty đến ngăn chặn.

Tuy nhiên, gia đình ông không nhất trí, bởi việc giao đất, mua bán mảnh đất của gia đình ông hoàn toàn có nguồn gốc rõ ràng, việc xây dựng là hoàn toàn hợp pháp.

Bởi, căn cứ vào khoản c, Điều 4 Thông tư 05/NN/QDiTT ban hành ngày 31/5/1986 hướng dẫn về việc xây dựng nhà ở gia đình trong các nông trường quốc cho thấy: Các hộ được Hội đồng phân phối đất đai của nông trường cấp đất để xây dựng nhà ở, được toàn quyền sở hữu, cụ thể: “Nhà ở gia đình cán bộ công nhân viên nông trường tự làm và mua lại của nông trường, họ được quyền sở hữu và sử dụng, được quyền thừa kế, được quyền bán theo đúng pháp luật hiện hành của Nhà nước”.

Đâu là nguyên nhân?

Theo tìm hiểu của PV, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định về việc rà soát, kiểm tra thực trạng việc quản lý quy hoạch, kế hoạch và sử dụng đất tại các địa phương. Tuy nhiên, trong lúc lập Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng đang quản lý của Nông trường Hà Trung năm 2006, ông Nguyễn Quốc Tiến – là giám đốc Nông trường Hà Trung lúc bấy giờ đã không đưa phần diện tích đất ở của các hộ dân đang sinh sống tại đây như Thông tư hướng dẫn số 05-NN/QĐ-TT của Bộ Nông nghiệp là giao đất cho dân như tại Điều 4, khoản b có quy định về tiêu chuẩn: Căn cứ quyết định số 95 CP ngày 27/3/80 của Hội đồng Chính phủ về Thông tư 08NN/TT ngày 2/3/1981 của Bộ Nông nghiệp đã quy định phần đất thổ cư để làm nhà ở chiếm không quá 250m2…

Cho đến năm 2010, Nông trường Hà Trung được chuyển đổi thành Công ty TNHH Nông - Công nghiệp Hà Trung (nay là Công ty cổ phần phát triển Tân Hà Trung), ông Nguyễn Quốc Tiến vẫn là Tổng giám đốc của Công ty. Theo đó, phần diện tích 1742,0 ha chuyển nguyên trạng từ đất Nông trường sang Công ty trong đó diện tích thuê đất 1640,5 ha, diện tích giao quản lý 101,5 ha.

Chính vì vậy, năm 2019, Công ty Cổ phần phát triển Tân Hà Trung đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND tỉnh Thanh Hóa, cho thuê 1.531,89 ha để sản xuất Nông nghiệp, giao quản lý 50,37 ha. Trong đó diện tích đất nằm trên địa bàn hành chính xã Hà Long, huyện Hà Trung 1.082,78 ha mục đích sử dụng đất sản xuất nông nghiệp.

Dĩ nhiên, trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh Thanh Hóa cấp cho Công ty không có bất cứ thông tin nào liên quan đến việc có sự tồn tại của hàng trăm hộ dân đang sinh sống ổn định mấy chục năm nay.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Long xác nhận: “Trên diện tích đất nhà nước cho Công ty cổ phần phát triển Tân Hà Trung thuê, thuộc địa giới hành chính xã Hà Long có diện tích của 211 hộ dân đang sinh sống tại đây.”

nong-truong-ha-trung-thanh-hoa.png
Hợp đồng mua thầu căn hộ từ năm 1992

Cụ thể, theo ông Thành, qua rà soát thực tế, UBND xã Hà Long đã xác định được trong phần đất mà Công ty cổ phần phát triển Tân Hà Trung quản lý hiện đang tồn tại 201 hộ dân xây dựng nhà trước ngày 01/4/2004 (trong đó các hộ được giám đốc Nông trường giao đất làm nhà theo theo Thông tư 05/NN/QDiTT ngày 31/5/1986 là 149 hộ); thời điểm từ năm 2004 – 01/7/2014 là 01 hộ; thời điểm xây dựng sau ngày 01/7/2014 là 09 hộ.

Vậy là đã rõ, việc tồn tại hàng trăm hộ dân được giám đốc Nông trường Hà Trung trước kia giao đất làm nhà theo chủ trương của Nhà nước là có thật. Hàng trăm hộ dân đã sinh sống yên ổn tại đây mấy chục năm nay.

Vậy, trong quá trình rà soát hiện trạng và lập quy hoạch sử dụng đất của Nông trường quốc doanh thời điểm năm 2006, có hay không tình trạng những cán bộ tham gia công tác rà soát lại bỏ sót phần diện tích đất ở của các hộ dân đang sinh sống tại đây?

Đó là câu hỏi được người dân đặt ra liên quan đến nguồn gốc đất của họ đang sinh sống tại thôn Hà Long 1, xã Hà Long, huyện Hà Trung hiện nay.

Bởi, theo các hộ dân, căn cứ vào khoản C, Điều 4 Thông tư 05/NN/QDiTT ban hành ngày 31/5/1986 hướng dẫn về việc xây dựng nhà ở gia đình trong các nông trường quốc cho thấy: Các hộ được Hội đồng phân phối đất đai của nông trường cấp đất để xây dựng nhà ở, được toàn quyền sử dụng.

“Chúng tôi mong muốn giải quyết cho chúng tôi được công nhận đây là khu dân cư để ổn định cuộc sống, đồng thời những hộ được cấp đất theo đúng quy định thì phải xem xét cấp "sổ đỏ", tránh tình trạng bất ổn như hiện nay”. Đó là mong mỏi của cụ Lê Qúy Hương 85 tuổi, người đã gắn bó với Nông trường Hà Trung từ ngày thành lập gửi gắm tâm nguyện của người dân đang sinh sống tại đây tới các cơ quan chức năng.

Việc rà soát, kiểm tra của cán bộ về nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất tại Nông trường Hà Trung trước đây ra sao? Rất mong lực lượng chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ, nhằm đảm bảo tính minh bạch, khách quan và ổn định tâm lý người dân.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà của hàng trăm hộ dân tại Nông trường Hà Trung có nguồn gốc thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO