Nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Lilama 45.3 (UpCoM: L43) kinh doanh thua lỗ triền miên, lỗ lũy kế đã vượt quá vốn điều lệ. Nợ phải trả lớn gấp 19,3 lần vốn chủ sở hữu, các khoản nợ vay, nợ bảo hiểm xã hội đã quá hạn thanh toán. Điều cần phải nhấn mạnh, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) sở hữu 48,83% vốn tại Lilama 45.3.
Bị hủy niêm yết vì thua lỗ
Như Công lý & Xã hội đã nêu ở bài viết trước, cuối tháng 4 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ban hành quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu L43 của Công ty Cổ phần Lilama 45.3. Nguyên nhân, do có kết quả kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục (từ 2021 đến 2023).
Đây là trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 13/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chứng khoán.
Theo báo cáo tài chính năm 2023 vừa được công bố mới đây, tổ chức kiểm toán ngoại trừ nhiều vấn đề liên quan tới công nợ phải thu, các khoản phải trả đã quá hạn thanh toán của Lilama 45.3.
Cụ thể, tổ chức kiểm toán không thể thu thập đầy đủ bằng chứng cho tính chính xác của khoản mục chi phí sản xuất kinh doanh dở dang với số tiền 164,7 tỷ đồng. Tương tự đối với việc thu hồi các khoản phải thu tồn đọng, quá hạn thanh toán tại ngày 31/12/2023 với tổng số tiền là 121,5 tỷ VND (tại ngày 01/01/2023 là 84,6 tỷ VND). Trong đó, chủ yếu là phải thu của khách hàng 116,1 tỷ; trả trước cho người bán 3,6 tỷ; phải trả người bán 82,4 tỷ; phải trả ngắn hạn khác 49,4 tỷ.
Kết thúc năm 2023, khoản mục Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang với số tiền là 164,781 tỷ (đầu năm 2023 là 161,096 tỷ VND) tổ chức kiểm toán cũng không thu thập được bằng chứng xác thực để đánh giá ảnh hưởng đến các khoản mục khác có liên quan.
Thời gian này, Công ty có kết quả kinh doanh lỗ 3 năm liên tiếp và số lỗ lũy kế đã vượt quá vốn điều lệ. Nợ phải trả lớn gấp 19,3 lần vốn chủ sở hữu; các khoản nợ vay, nợ bảo hiểm xã hội đều đã quá hạn thanh toán. Vì những yếu tố trọng yếu này nên kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty, báo cáo tài chính được trình bày trên cơ sở giả định về khả năng hoạt động liên tục.
Cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Công ty còn hơn 17,5 tỷ đồng, suy giảm 13,1 tỷ so với đầu năm. Nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn hơn 5,6 tỷ đồng, chủ yếu là khoán trả trước cho người bán và gia tăng hàng tồn kho.
Loạt dự án dở dang của Lilama 45.3
Giải trình về vấn đề này, L43 cho biết, về khoản chi phí sản xuất kinh doanh (SXKD) dở dang 164,7 tỷ, bao gồm các chi phí: Công trình Hangar A75, phát sinh khối lượng chưa được bù giá, chưa có phương án xử lý tài chính là 60,9 tỷ đồng; Công trình Gang thép Thái Nguyên, dự án đang vướng giữa chủ đầu tư và Tổng thầu MCC Trung Quốc nên công ty chưa quyết toán được dự án, hàng năm vẫn phát sinh các khoản chi phí lương bảo vệ và các khoản chi phí khác, do vậy chí phí SXKD dở dang còn treo 26,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, 2 công trình nhiệt điện Thái Bình và thuỷ điện Đăkre đang chờ quyết toán còn treo 14,4 tỷ đồng và dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM đang tạm ngừng thi công do chưa tháo gỡ được nguồn vốn nên chí phí SXKD còn 62,4 tỷ đồng. Công ty này cho hay đang cố gắng phối hợp với chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc, nghiệm thu lên hồ sơ thanh toán, kết chuyển doanh thu và công nợ phải thu, giảm chi phí SXKD dở dang cuối kỳ.
Về công nợ phải thu 121,5 tỷ bao gồm: Công ty Gang thép Thái Nguyên 34,5 tỷ đồng; Công ty CP tập đoàn Đức Long Gia Lai 27,4 tỷ đồng; Tập đoàn Zephu Trung Quốc đang nợ dự án thuỷ điện Bắc Mê và thuỷ điện Đăk Pô Cô 3,8 tỷ đồng. Công ty đã gửi email và đề nghị thanh toán nhưng nhà thầu phản hồi lại chưa nhận được thanh toán từ chủ đầu tư.
Tiếp đó là Công ty cổ phần đầu tư Thanh Hoa số tiền 2,8 tỷ đồng; Công ty cổ phần cơ khí lắp máy Sông Đà số tiền 1,05 tỷ đồng. “Công ty đang làm thủ tục khởi kiện, còn một số khoản nợ phải thu khác công ty sẽ cố gắng tập trung quyết liệt cho công tác thu hồi vốn để thu hồi các khoản nợ quá hạn như kiểm toán đã nêu”, L43 cho hay.
Về khoản chi phí lãi vay 7,9 tỷ đồng, L43 cho biết thêm đây là khoản lãi vay của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam phục vụ dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM. Trong thời gian dự án dừng thi công, để hoàn thành các hạng mục còn đang dở dang, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam đã ký biên bản làm việc 3 bên với Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (thuộc Trung Nam Group) và Lilama 45.3 về việc vay vốn thi công dự án.
Nguồn trả nợ từ khối lượng thanh toán của dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM và chi phí lãi vay sẽ được tính vào chi phí phát sinh. Do dự án dừng thi công quá lâu từ tháng 8/2020 đến thời điểm hiện tại nên chi phí lãi vay phát sinh rất lớn, trong khi những năm qua doanh thu của công ty thấp không thể bù đắp được chi phí. Vì thế, HĐQT doanh nghiệp yêu cầu làm việc với Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam và Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 để dừng tính lãi vay.
"Trên cơ sở làm việc 3 bên, doanh nghiệp đã có văn bản về việc dừng tính lãi kể từ tháng 01/2023, mặc dù Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam và Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 chưa có văn bản trả lời. Tuy vậy, đơn vị này cũng không gửi bảng tính lãi vay cũng như hóa đơn. Bởi vậy, Công ty đã không ghi nhận khoản chi phí lãi này", theo giải trình của Lilama 45.3.
Cổ phiếu L43 IPO từ năm 2008, tổ chức tư vấn Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), tổ chức kiểm toán là Công ty TNHH DV tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán (AASC) và Công ty TNHH kiểm toán và tư vấn tài chính. Thời điểm trước khi IPO, vào tháng 6/2007, Lilama 45.3 thực hiện tăng vốn điều lệ từ 6,815 tỷ đồng lên 35 tỷ đồng. Sau đó, UBCK Nhà nước xử phạt vì chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không đăng ký với cơ quan quản lý và thực hiện phân phối chứng khoán không đúng theo quy định.