Tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2%. Khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 15%; số lượng hành khách đi và đến Thành phố bằng đường sắt tăng 178%, bằng đường hàng không tăng 74% so với cùng kỳ năm 2022.
Chiều 28/4, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 5/2023.
Tham dự hội nghị có Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; các Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, Ngô Minh Châu, Bùi Xuân Cường; lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố.
Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, về công tác chỉ đạo điều hành, trong tháng 4/2023 TP.HCM tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 31, Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị; Kết luận số 550-KL/TU của Thành ủy TP.HCM; đón tiếp Thường trực Chính phủ chủ trì làm việc với TP.HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; trình HĐND Thành phố thông qua 16 tờ trình thông qua chủ trương đầu tư nhiều dự án quan trọng.
Về đầu tư kinh doanh, TP.HCM đã ban hành Kế hoạch thực hiện cải thiện môi trường đầu tư năm 2023; Kế hoạch thực hiện Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030 năm 2023; Kế hoạch triển khai Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030” năm 2023; Kế hoạch tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4 năm 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không”…
Về kinh tế - xã hội, tháng 4 có những diễn biến tích cực thể hiện qua các chỉ số sau: Các ngành công nghiệp, thương mại có sự khởi sắc; đặc biệt là du lịch, vận tải hành khách tăng cao. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tính tăng 3,0% so với tháng trước. Doanh thu du lịch tăng 71,6%, số lượng du khách quốc tế đến Thành phố tăng 200% so với cùng kỳ.
Trong 4 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2%. Khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 15%; số lượng hành khách đi và đến TP.HCM bằng đường sắt tăng 178%, bằng đường hàng không tăng 74% so với cùng kỳ năm 2022.
Công tác chăm sóc sức khỏe và y tế, giáo dục, an sinh xã hội được chú trọng triển khai. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn Thành phố được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng. Hoạt động đối ngoại được tổ chức hiệu quả. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được thực hiện nghiêm.
Bên cạnh kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế: Doanh nghiệp thành lập mới giảm về số lượng và vốn do gặp khó khăn về nguồn vốn. Đầu tư nước ngoài vào Thành phố giảm so với cùng kỳ...
Trước tình hình trên, trong tháng 5/2023, TP.HCM sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về phát triển kinh tế - xã hội.
Rà soát, sắp xếp tinh gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở, ngành, quận, huyện và TP. Thủ Đức. Trong đó, ban hành các kế hoạch: Kế hoạch triển khai “Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm Công nghệ thông tin - Truyền thông giai đoạn 2020 - 2030” năm 2023; Kế hoạch cải thiện, khắc phục và nâng cao Chỉ số năng lực tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM năm 2023; Triển khai ứng dụng di động cổng giao tiếp thống nhất giữa công dân với chính quyền Thành phố.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công các dự án được ghi vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn như nhà ga metro 1, dự án Rạch Xuyên Tâm...
Tập trung hoàn thành các đề án: Đề án Xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM; Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công và số hóa dữ liệu liên quan đến tài sản công; Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022 - 2026 và Chương trình kích cầu đầu tư; Triển khai Kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023 của 47 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc TP.HCM; Hoàn thành Đề án bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ giai đoạn 2020 - 2025; Đề án nghiên cứu tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm Thành phố; Đề án Xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ;...
Tập trung phát triển văn hóa gắn với đẩy mạnh hoạt động du lịch. Tiếp tục các nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Tập trung triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ nhằm giải quyết các bài toán lớn của Thành phố: Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2030, năm 2023; Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn Thành phố; Chương trình Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo từ môi trường nghiên cứu đến thử nghiệm, ứng dụng thí điểm đến ứng dụng rộng rãi trong xã hội.
Tập trung hoàn thành công tác thi học kỳ 2 và tổng kết năm học 2022-2023. Tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp thành phố (Vòng 2), Hội thảo Trường học hạnh phúc. Kiểm tra cơ sở vật chất chuẩn bị năm học mới 2023 - 2024. Triển khai danh mục sửa chữa, mua sắm hè 2023 cho các đơn vị trực thuộc. Triển khai kế hoạch hè năm 2023…
Đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe và an sinh, phúc lợi xã hội. Tập trung các giải pháp đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc mua sắm trang thiết bị, thuốc và vật tư y tế; khắc phục những bất cập về biên chế, chế độ chính sách y tế.
Tổ chức đón tiếp chu đáo và trọng thị các đoàn các đoàn khách quốc tế đến TP.HCM Triển khai hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển Thành phố.
Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Củng cố phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Quyết tâm kéo giảm các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, ma túy, tội phạm đường phố, sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, xâm hại trẻ em; tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình và trẻ em; công tác phòng, chống cháy nổ. Tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội Thành phố trong tháng 4 có một số điểm sáng, có xu hướng phục hồi và phát triển. Đây là nỗ lực chung của toàn hệ thống, doanh nghiệp, người dân Thành phố cũng như sự tập trung tháo gỡ của Trung ương.
Tuy nhiên, theo ông, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục theo dõi, nhận dạng và nỗ lực giải quyết. Chủ tịch Phan Văn Mãi nêu những nội dung cần tập trung thực hiện trong tháng 5 cụ thể như sau:
Ttập trung ban hành, triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch thực hiện Kết luận của Thường trực Chính phủ tại Buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy; Tiếp tục thực hiện Kết luận số 550-KL/TU của Thành ủy; Hoàn thiện Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 của Quốc hội ngay khi được thông qua; Tiếp tục triển khai các nội dung sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tập trung đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, cải thiện môi trường đầu tư; triển khai có hiệu quả Kết luận số 14-KL/TW, gắn thúc đẩy đổi mới sáng tạo khu vực công, khắc phục tình trạng lo ngại trong thực thi công vụ.
Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công hằng tuần, hằng tháng, tập trung khẩn trương giải ngân toàn bộ số vốn đã đăng ký và được giao cho các dự án. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công các dự án được ghi vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tập trung theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đã khởi công, mục tiêu đến hết quý II năm 2023 tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 35%.
Tập trung công tác phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo giám sát được tình hình, có phản ứng phù hợp, kịp thời tránh gây hoang mang, nhất là trong dịp lễ sắp tới. Đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục và lao động; triển khai hiệu quả giải pháp đảm bảo an sinh xã hội. Hoàn thiện một số cơ chế như thu hút đầu tư nước ngoài; cải cách quy trình thủ tục...