Doanh nghiệp

Công ty Nước sạch Hà Nội: Doanh thu nghìn tỷ, hàng loạt giao dịch thế chấp ngân hàng

Trang Nguyễn 08/10/2023 13:53

Nửa đầu năm 2023, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (gọi tắt Công ty Nước sạch Hà Nội) ghi nhận doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận vài chục tỷ, với hàng loạt giao dịch thế chấp tại ngân hàng.

Nợ vay tại Công ty Nước sạch Hà Nội hơn 1.700 tỷ đồng

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty Nước sạch Hà Nội ghi nhận doanh thu thuần gần 1.066 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng 31%, đạt hơn 63 tỷ đồng. Lãi công ty liên kết hơn 7 tỷ đồng (cùng kỳ 2022 lỗ hơn 2 tỷ).

Tuy nhiên, các khoản chi phí đều tăng so với đầu năm. Trong đó, chi phí lãi vay tăng 22% so với cùng kỳ, lên mức 54,3 tỷ đồng; chi phí bán hàng cũng tăng 13% lên hơn 397 tỷ đồng,... Sau khi khấu trừ các loại chi phí, Công ty Nước sạch Hà Nội báo lãi sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 hơn 75,4 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.

cong-ty-nuoc-sach-ha-noi-bi-thua-lo(1).jpg

Về tình hình tài chính, tính đến 30/6/2023, tổng tài sản tại doanh nghiệp hơn 6.671 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chỉ chiếm 30% với mức gần 2.029 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Tài sản dài hạn chiếm tới 70%, đạt hơn 4.642 tỷ đồng, tăng nhẹ 6%.

Nợ phải trả tại Công ty Nước sạch Hà Nội tính đến 30/6/2023 tăng 19% so với đầu năm, ghi nhận hơn 2.882 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là nợ dài hạn với hơn 2.282 tỷ đồng, còn lại là nợ ngắn hạn với hơn 599 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tổng nợ vay của Công ty Nước sạch Hà Nội ghi nhận hơn 1.743 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ghi nhận hơn 161 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn gần 1.582 tỷ đồng.

Có vẻ như tình trạng lệ thuộc vào vốn vay của Công ty Nước sạch Hà Nội thể hiện rất rõ qua dòng tiền tài chính của doanh nghiệp này. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, tiền thu từ đi vay ghi nhận hơn 61 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2022; tiền trả nợ gốc vay hơn 71,6 tỷ đồng (cùng kỳ 2022 gần 46 tỷ đồng).

Những giao dịch thế chấp

Với khoản nợ vay hơn 1.740 tỷ đồng đã khiến chi phí lãi vay tại doanh nghiệp tăng, do đó không lạ gì khi Công ty Nước sạch Hà Nội có nhiều giao dịch thế chấp tại ngân hàng. Đặc biệt, kể từ tháng 6/2023 đến nay đã ghi nhận hàng loạt giao dịch thế chấp với ngân hàng.

Theo đó, ngày 1/6/2023, Công ty Nước sạch Hà Nội có giao dịch tại ngân hàng Vietinbank chi nhánh Bắc Thăng Long.

Tài sản thế chấp là động sản, không phải là tài sản gắn liền với đất đai, nhà ở, công trình xây dựng; là toàn bộ các tuyến ống phân phối, tuyến ống dịch vụ, đồng hồ nước và các thiết bị, phụ kiện đi kèm được lắp đặt tại khu vực Ô1C- Xí nghiệp Cầu Giấy, được hình thành từ vốn vay ngân hàng và vốn tự có của Bên thế chấp đầu tư Dự án Cải tạo mạng lưới cấp nước và chống thất thoát thất thu khu vực Ô1C- Xí nghiệp Cầu Giấy duyệt theo quyết định số 587/QĐ-NSHN-CTCN ngày 18/03/2023 của công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc Dự án Cải tạo mạng lưới cấp nước và chống thất thoát thất thu khu vực Ô1C- Xí nghiệp Cầu Giấy.

Cùng ngày, tiếp tục thế chấp tại ngân hàng Vietinbank chi nhánh Bắc Thăng Long tài sản là động sản, không phải là tài sản gắn liền với đất đai, nhà ở, công trình xây dựng; là toàn bộ các tuyến ống phân phối, tuyến ống dịch vụ, đồng hồ nước và các thiết bị, phụ kiện đi kèm được lắp đặt tại khu vực DMA4 (DMA8 cũ) Ô4B- Xí nghiệp Cầu Giấy.

Đến ngày 7/6/2023, thế chấp tại ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Hồ toàn bộ các tuyến ống phân phối, tuyến ống dịch vụ, các đồng hồ nước và các thiết bị, phụ kiện đi kèm tại khu vực Ô19A– Xí nghiệp Hoàng Mai.

Tháng 7/2023, tiếp tục mang toàn bộ tài sản là động sản bao gồm máy móc, trang thiết bị, đường ống nước... được lắp đặt tại địa phận quận Cầu Giấy, thuộc dự án “Cải tạo mạng lưới cấp nước và chống thất thoát thất thu khu vực Ô1D – Xí nghiệp Cầu Giấy” thế chấp tại ngân hàng Shinhan Việt Nam chi nhánh Phạm Hùng.

cong-ty-nuoc-sach-ha-noi-no-dam-dia(1).jpg
Nguồn: CỤC ĐĂNG KÝ QUỐC GIA GIAO DỊCH BẢO ĐẢM - BỘ TƯ PHÁP

Trước đó, vào tháng 9/2022, Công ty Nước sạch Hà Nội mang toàn bộ tài sản bao gồm trang thiết bị, vật tư... thuộc hệ thống đường ống cấp nước sạch hình thành từ Dự án “Cải tạo mạng lưới cấp nước và chống thất thoát thất thu khu vực Ô19B+B1 – Xí nghiệp Hoàng Mai" thế chấp tại ngân hàng Shinhan Việt Nam chi nhánh Phạm Hùng.

Tháng 3/2022, doanh nghiệp này đã từng mang toàn bộ tài sản bao gồm máy móc, thiết bị, đường ống nước, …. thuộc dự án Cải tạo mạng lưới cấp nước và chống thất thoát thất thu khu vực Ô14 – Xí nghiệp Đống Đa thế chấp tại ngân hàng Shinhan Việt Nam chi nhánh Phạm Hùng.

Tháng 1/2022, Công ty Nước sạch Hà Nội cũng thế chấp toàn bộ máy móc, thiết bị, vật tư thuộc hệ thống tuyến ống phân phối, tuyến ống dịch vụ và các thiết bị, phụ kiện đi kèm thuộc dự án “Cải tạo mạng lưới cấp nước và chống thất thoát thất thu khu vực Ô21 – quận Hai Bà Trưng cho ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Hồ.

Cùng thời điểm, doanh nghiệp cũng thế chấp tại ngân hàng Vietinbank chi nhánh Bắc Thăng Long toàn bộ các tuyến ống phân phối, tuyến ống dịch vụ, đồng hồ nước và các thiết bị, phụ kiện đi kèm tại khu vực Ô11 - Xí nghiệp Đống Đa.

Công ty Nước sạch Hà Nội đầu tư hơn 244 tỷ đồng vào công ty liên doanh, liên kết

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023, Công ty Nước sạch Hà Nội hiện có 1 công ty con và 4 công ty liên doanh, liên kết.

Trong đó, công ty con là CTCP Nước sạch số 2 HN với tỷ lệ vốn góp 96,64%; 4 công ty liên doanh, liên kết gồm CTCP Đầu tư XD và kinh doanh Nước sạch có tỷ lệ vốn góp 23,7%; CTCP Đầu tư hạ tầng Nước sạch vốn góp 20%; CTCP Nước mặt sông Hồng với vốn góp 8,65% và CTCP Tháp nước Hà Nội có vốn góp 30%.

Tính đến 30/6/2023, Công ty Nước sạch Hà Nội đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết hơn 244 tỷ đồng (trong đó trích lập dự phòng gần 238 triệu đồng), tăng nhẹ 3% so với đầu năm. Trong đó, đầu tư lớn nhất vào CTCP Đầu tư XD và kinh doanh Nước sạch với hơn 114,4 tỷ đồng; tiếp đến là CTCP Tháp nước Hà Nội đầu tư hơn 80 tỷ đồng; CTCP Nước mặt Sông Hồng hơn 47,7 tỷ đồng trong đó trích lập dự phòng gần 238 triệu đồng và cuối cùng là CTCP Đầu tư hạ tầng Nước sạch gần 2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Công ty Nước sạch Hà Nội còn đầu tư gần 100 tỷ đồng vào đơn vị khác với số tiền dự phòng lên tới gần 100 tỷ đồng (tương đương số tiền đầu tư) nhưng phía doanh nghiệp lại không tiết lộ tên đơn vị này.

Trong khi đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, tính đến 31/12/2022 Công ty Nước sạch Hà Nội cũng đầu tư gần 100 tỷ đồng vào đơn vị khác tên là CTCP nước mặt Sông Đuống với dự phòng lên tới gần 100 tỷ đồng, tỷ lệ góp vốn trong tổng vốn chủ sở hữu là 10%...

Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Nội là Công ty hoạt động theo hình thức Công ty Mẹ – Công ty con được UBND thành phố Hà Nội thành lập theo Quyết định 367/QĐ-UBND ngày 22/1/2008, trên cơ sở tổ chức lại Công ty KDNS Hà Nội và Công ty KDNS số 2 Hà Nội. Quản lý và vận hành hệ thống cấp nước, cung cấp nước sạch cho 09 quận nội thành (trừ quận Thanh Xuân, quận Nam Từ Liêm) và 05 huyện ngoại thành: Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn và một phần huyện Mê Linh (khu thị trấn công nghiệp Quang Minh).

Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội có 100% vốn Nhà nước, trực tiếp tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện một số quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với phần vốn Nhà nước đầu tư vào các công ty thành viên, Công ty con, Công ty liên doanh, liên kết theo qui định của pháp luật. Công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật doanh nghiệp năm 2006 và điều lệ của Cty đã được UBND TP Hà Nội phê chuẩn và các qui định hiện hành của Nhà nước. Công ty chịu sự quản lý trực tiếp và toàn diện về các mặt hoạt động của UBND TP Hà Nội, đồng thời chịu sự quản lý Nhà nước của các cơ quan chuyên ngành khác theo qui định pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty Nước sạch Hà Nội: Doanh thu nghìn tỷ, hàng loạt giao dịch thế chấp ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO