Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng có tổng mức đầu tư gần 3.700 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Nước mặt sông Hồng có tổng tài sản hơn 2.000 tỷ đồng làm chủ đầu tư đã 2 lần phải xin gia hạn tiến độ. Đáng nói, kết quả kinh doanh cũng như tình hình tài chính tại doanh nghiệp này không mấy lạc quan.
Doanh thu 0 đồng, lợi nhuận liên tục âm
Dự án nhà máy nước mặt sông Hồng có diện tích hơn 21ha tại xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015 với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm.
Đây là một trong các nhà máy nằm trong điều chỉnh Quy hoạch cấp nước thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, bên cạnh Nhà máy nước mặt sông Đuống và các nhà máy nước Thăng Long, Cáo Đỉnh, Yên Phụ, Lương Yên, Nam Dư, Gia Lâm, Tiến Thịnh.
Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng có tổng mức đầu tư gần 3.700 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Nước mặt sông Hồng làm chủ đầu tư.
Doanh nghiệp thành lập ngày 5/8/2015 và là liên danh giữa Công ty CP tập đoàn Thành Long – Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cùng 2 cổ đông cá nhân là Vương Thị Ngọc Thịnh và Thái Hồng Vân.
Trong giai đoạn II, nhà máy có thể hoạt động với công suất 450.000m3/ngày đêm, đảm bảo cung cấp nước cho khu vực phía Nam sông Hồng bao gồm: Đô thị trung tâm Hà Nội (các quận nội thành) và các khu vực chưa có hệ thống cấp nước thuộc phía Tây đường Vành đai 3, phía Bắc đường QL 32 (thuộc quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng).
Mặc dù dự kiến sẽ đưa vào vận hành, cung cấp nước từ năm 2018 nhưng đến nay công trình vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã chậm tiến độ 5 năm.
Đi ngược với kỳ vọng ban đầu, Nhà máy nước mặt Sông Hồng đã 2 lần phải xin gia hạn tiến độ. Theo Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư số 1260/QĐ-UBND ngày 28/2/2023 của UBND thành phố Hà Nội, thời gian dự kiện hoàn thành đi vào hoạt động của nhà máy sẽ là Quý IV năm 2024.
Vừa mới thành lập năm 2015 sau đó được giao thực hiện dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng chưa thể đưa vào vận hành, do đó kết quả kinh doanh tại CTCP Nước mặt Sông Hồng không mấy lạc quan.
Theo đó, năm 2022 doanh thu tại doanh nghiệp ghi nhận con số 0 đồng, năm 2021 cũng ghi nhận con số 0 tròn trĩnh.
Năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận gần 820 triệu đồng doanh thu hoạt động tài chính, cao gấp 98 lần so với năm 2021. Tuy nhiên, chi phí tài chính trong năm 2022 lên tới 1,2 tỷ đồng. Do đó, Nước mặt Sông Hồng báo lỗ sau thuế năm 2022 hơn 403 triệu đồng, trong khi năm 2021 lỗ gần 48 triệu đồng.
Xét về dòng tiền, năm 2022 lưu chuyền tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tại CTCP Nước mặt sông Hồng âm hơn 349 tỷ đồng trong khi năm 2021 chỉ âm gần 52 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng đang âm hơn 384 tỷ đồng.
Ai là chủ nợ lớn nhất tại CTCP Nước mặt sông Hồng?
Tính đến cuối năm 2022 CTCP Nước mặt Sông Hồng có tổng tài sản là 2.274 tỷ đồng, tăng 900 tỷ so với đầu năm. Dù không có phát sinh lợi nhuận nhưng tổng tài sản của Nước sạch Sông Hồng vẫn có sự thay đổi là bởi chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh so với đầu năm 2022.
Cụ thể, tính đến 31/12/2022, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 53% so với đầu năm, ghi nhận hơn 1.115 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho cũng tăng 35%, ghi nhận hơn 454 tỷ đồng. Trong năm 2022, CTCP Nước mặt Sông Hồng đã bơm thêm 386 tỷ đồng vào dự án Nhà máy nước ghi nhận vào chi phí xây dựng cơ bản dỡ dang.
Bên cạnh đó, tính đến 31/12/2022, doanh nghiệp ghi nhận nợ phải trả người bán ngắn hạn gần 61 tỷ đồng. Trong đó bất ngờ phát sinh khoản phải trả là đối tác Nhật - KOBELCO ECO-SOLUTIONS Co., Ltd gần 56 tỷ đồng và chi phí phải trả ngắn hạn cho đối tác này hơn 42 tỷ đồng. Đây là 2 khoản phát sinh lớn nhất trong năm 2022.
Hơn nữa, CTCP Nước mặt Sông Hồng còn khoản phải trả các đối tượng khác là hơn 4 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm. Và khoản lãi vay phải trả hơn 23,7 tỷ đồng trong khi đầu năm chỉ hơn 13,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tính đến 31/12/2022, CTCP Nước mặt Sông Hồng đang vay dài hạn tại ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hà Nội hơn 1.591 tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm.
Đây là hợp đồng tín dụng số 01/2019/HĐTD/VCB.HN-SH ngày 20/01/2019. Theo hợp đồng này, Vietcombank sẽ cấp cho Công ty khoản vay hạn mức không vượt quá 3.138 tỷ đồng đồng. Thời hạn cho vay tối đa là 216 tháng kể từ ngày tiếp theo của ngày giải ngân đầu tiên.
Lãi suất cho vay là lãi suất tính theo năm tính bằng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 1,5%/năm áp dụng cho 12 tháng đầu tiên kể từ ngày giải ngân đầu tiên; Lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 2,5%/năm áp dụng cho thời hạn cho vay còn lại.
Tùy từng thời kỳ, bên cho vay và bên vay có thể trao đổi thỏa thuận áp dụng lãi suất cho các khoản vay dựa trên các chương trình ưu đãi lãi suất của Ngân hàng với các điều kiện tương ứng và được quy định cụ thể tại các Phụ lục bổ sung.
Công ty được phép lựa chọn nhập tiền lãi thành nợ gốc đối với toàn bộ khoản tiền lãi phát sinh trên các khoản vay trong giai đoạn từ ngày giải ngân đầu tiên đến ngày vận hành thương mại hoặc khi kết thúc thời hạn rút vốn, tùy thuộc và ngày nào đến sớm hơn. Lãi suất nợ gốc quá hạn được tính bằng 150% lãi suất áp dụng cho khoản vay thông thường. Lãi suất nợ lãi chậm trả bằng 5%/năm tính trên số dư nợ lãi quá hạn.
Khoản vay này được đảm bảo bằng các hợp đồng bảo đảm gồm:
Toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của dự án, được xây dựng, hình thành và tạo lập trên diện tích đất dự án theo Hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền đất hình thành trong tương lai số 01/2019/HĐTC/TSGLVĐHTTTL/VCB.HN-SH ký ngày 20/01/2019; Tất cả các quyền tài sản phát sinh từ dự án theo hợp đồng thế chấp quyền tài sản và động sản số 02/2019/ HĐTC/TSGLVĐHTTTL/VCB.HN-SH ngày 20/01/2019; Tất cả các cổ phần thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Thành Long tại Công ty theo hợp đồng thế chấp cổ phần số 03/2019/HĐTC/CP/VCB.HN-SH ngày 20/01/2019; Các tài sản khác của Công ty CP Tập đoàn Thành Long, cổ đông hoặc bên thứ ba của Công ty CP Tập đoàn Thành Long có tổng giá trị mà Ngân hàng xác định không thấp hơn 40 tỷ đồng.