Rất nhiều công nhân xây dựng trường cởi trần, đội nón lá rách, làm việc dưới trời nắng nóng gay gắt tại Dự án xây dựng Trường Mầm non Dĩnh Trì TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Những hình ảnh ghi nhận cho thấy nhiều bất cập trong việc đảm bảo an toàn lao động, tiến độ và chất lượng công trình của nhà thầu.
Ngày 8/9/2023, ông Nguyễn Trung Trực, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Bắc Giang (thời điểm đó) đã ký Quyết định số 514/QĐ-QLDA về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu: Xây lắp, thiết bị công trình thuộc dự án Trường Mầm non Dĩnh Trì, TP Bắc Giang. Theo đó, đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty xây dựng Việt Đức – (TNHH) và Công ty Cổ phần xây dựng số 1 Bắc Giang, giá trúng thầu là 60.476.679.000 đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 355 ngày, kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
Trong Hồ sơ mời thầu nêu rõ, việc thi công, giám sát, nghiệm thu các công việc xây lắp căn cứ theo các tiêu chuẩn quy định về thi công nghiệm thu; nhà thầu phải lập biện pháp chi tiết về phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và an toàn lao động quá trình thi công. Trong đó, đảm bảo hạn chế tối đa tiếng ồn, bụi, khói, rung và hạn chế việc rơi vãi bùn, đất và các vật liệu khác trong quá trình vận chuyển trong quá trình thi công; có phương án vệ sinh các tuyến đường phố và phương tiện vận chuyển đi qua. Đồng thời, nhà thầu tổ chức đào tạo, phổ biến kiến thức, nội quy và an toàn lao động cho toàn thể cán bộ, công nhân trên công trường; biện pháp đảm bảo an toàn lao động đối với người và thiết bị máy móc đối với từng hạng mục thi công.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều ý kiến phản ánh về dự án xây dựng Trường Mầm non Dĩnh Trì, TP Bắc Giang, đã xảy ra nhiều vấn đề trong quá trình thi công như xe vật liệu xây dựng vận chuyển ra vào công trình làm rơi vãi đất đá, gây ô nhiễm môi trường sống của người dân. Cùng với đó, công nhân làm việc trong điều kiện thiếu thốn trang thiết bị bảo hộ, an toàn lao động...
Ghi nhận những ngày đầu tháng 7/2024, tại dự án, nhà thầu thực hiện đã bộc lộ nhiều yếu kém. Công nhân tại công trường của doanh nghiệp thi công không được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ. Thậm chí có người còn cởi trần trong suốt quá trình làm việc.
Bên trong, công nhân thi công cheo leo như “người nhện”, không được trang bị đầy đủ các biện pháp bảo hộ an toàn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động. Một số công nhân cho biết, họ đi theo một người cai thầu làm khoán chứ không phải là người của công ty xây dựng Việt Đức và công ty xây dựng số 1 Bắc Giang. Họ cũng không được ký hợp đồng lao động hay được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.
Liên quan tới sự việc này, trao đổi với báo chí, ông Giáp Quang Chính, Giám đốc Ban quản lý dự án ĐTXD TP Bắc Giang cho biết, về an toàn lao động, đơn vị có nhắc nhở và yêu cầu nhà thầu thi công phải cắm biển báo.
“Anh em thường xuyên nhắc nhở, nhưng do nắng nóng (người lao động) nên họ cởi áo ra và có thể do ướt", một vị đại diện Ban nói. Đồng thời vị này khẳng định, công trường có trang bị (thiết bị ATLĐ) và lưới an toàn.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy hình ảnh trái ngược tại hiện trường thi công.
Người này cho biết thêm, nhà thầu đã có lán trại sức chứa koảng 150 người, nhưng do mặt bằng giải phóng phục vụ công trình nên đã tháo dỡ. Về vệ sinh môi trường, cuối giờ có 1 người thường xuyên quét dọn cổng chính.
Hiện nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, như Luật Xây dựng năm 2014, Luật An toàn, Vệ sinh lao động năm 2015, Nghị định 39/2016/NĐ-CP, Nghị định 44/2016/NĐ-CP, Nghị định 59/2015/NĐ-CP, Nghị định 46/2015/NĐ-CP, Thông tư số 04/2017/TT-BXD... được ban hành.
Trong đó, các chính sách mới được nghiên cứu, ban hành theo hướng đổi mới, chủ động phòng ngừa, làm rõ nội dung quản lý an toàn lao động của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, của các cơ quan chuyên môn về xây dựng, đa dạng hoá nguồn lực xã hội trong thực hiện công tác an toàn lao động. Cụ thể: Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm phải tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trước khi thi công xây dựng công trình.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức phối hợp giữa các nhà thầu để thực hiện quản lý an toàn lao động trên công trường; phân định trách nhiệm về quản lý an toàn lao động…
Ngoài ra, công tác quản lý của cơ quan chuyên môn về xây dựng phải kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng và kiểm tra khi hoàn thành thi công xây dựng. Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo thẩm quyền sẽ kiểm tra đồng thời về an toàn lao động hoặc kiểm tra theo kế hoạch định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất khi cần thiết.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 119/2015/NĐ-CP ban hành ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Cụ thể, về đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 như sau: Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với bên thứ ba.
Đồng thời, Nghị định bổ sung quy định về thời hạn bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với bên thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng, căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.
Nghị định cũng bổ sung điểm d khoản 1 Điều 6 về phạm vi bảo hiểm, loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Theo đó, đối với bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với bên thứ ba: Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng, tài sản phát sinh trực tiếp trong quá trình thi công xây dựng và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Như vậy, pháp luật đã có nhiều quy định về việc nhà thầu thi công phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Đây là quy định bắt buộc, hơn nữa, khoản chi này đã được phê duyệt dự toán và sẽ được chủ đầu tư chi trả. Mọi hành vi gian dối, sử dụng sai mục đích khoản tiền này là hành vi vi phạm pháp luật, căn cứ vào mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến xử lý hình sự.
Từ đây cho thấy, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn nhằm đảm bảo hiệu quả trong phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, cần nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn lao động tại các công trình xây dựng; đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.