“Hoa hồng” trong vụ án Giang Kim Đạt và những quy định pháp luật có liên quan

Quốc Huy| 28/02/2017 07:31

Gần 260 tỷ đồng tiền tham ô từ các thương vụ mua bán tàu, gửi giá của các bị cáo tại công ty Vinashinlines trong vụ án Giang Kim Đạt vừa qua khiến không ít người giật mình.

Pháp luật Viêt Nam cũng có quy định điều chỉnh về vấn đề này, nhưng chưa thật sự chặt chẽ nên không ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm.

Giang Kim Đạt tại phiên tòa

Thiệt hại số tiền lớn

Vừa qua, TAND TP Hà Nội đã tuyên án hai án tử hình với Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines) và Trần Văn Liêm (nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin); 2 bị cáo khác là Trần Văn Khương tù chung thân cùng về tội Tham ô tài sản, Giang Văn Hiển (bố đẻ Giang Kim Đạt) 12 năm tù về tội Rửa tiền.

“Chủ xị” trong những giao dịch này là Trần Văn Liêm và Giang Kim Đạt thực hiện qua đàm phán mua tàu, cho thuê tàu bằng cách hành vi “gửi giá” và các khoản “hoa hồng” từ các công ty môi giới.

Theo diễn biến của vụ án thì từ tháng 5/2006 - 6/2008, quá trình thỏa thuận, Đạt đã đàm phán với công ty môi giới là Marvin Shipping LTD mua tàu Vinashin Sumer của Panama với giá 6,25 triệu USD và sẽ được hưởng 2% trên tổng giá trị hợp đồng mua tàu. Chiếc tàu Vinashin Island được mua với giá 5,95 triệu USD của Croatia. Đạt thỏa thuận với Marvin Shipping LTD để được hưởng 3,75%. Đối với tàu Vinashin Phoenix được mua với giá 21,55 triệu USD của Hy Lạp, Đạt cũng thoả thuận để được hưởng 2% hoa hồng. Số tiền hoa hồng Đạt chuyển vào tài khoản của bố đẻ là Giang Văn Hiển theo % là gần 11,5 tỷ đồng.

Bên cạnh việc mua bán 3 con tàu này, thông qua các công ty môi giới, Liêm, Đạt và Khương đã thoả thuận, đàm phán với các chủ tàu gửi giá cước cho thuê 9 con tàu để chiểm đoạt tiền của Vinashinlines với tổng số tiền hơn 249 tỷ đồng.

Cáo trạng cho rằng, quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, Liêm, Đạt và Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của Vinashinlines hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, Trần Văn Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, Giang Kim Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng, Trần Văn Khương chiếm đoạt 110.000USD.

Cuối tháng 8/2010, trước khi vụ án bị khởi tố, Giang Kim Đạt đã bỏ trốn ra nước ngoài, bị truy nã đặc biệt và truy nã quốc tế. Đến ngày 7/7/2015, Giang Kim Đạt mới bị bắt. Năm 2012, Trần Văn Liêm đã phải ra hầu tòa tội Cố ý làm trái các quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và bị tuyên phạt mức án 19 năm tù giam. Trong khi đang thi hành án tù, sau gần 2 tháng Giang Kim Đạt bị bắt, Liêm bị khởi tố bổ sung thêm tội danh Tham ô tài sản.

Chi “hoa hồng” theo thông lệ quốc tế như thế nào?

Theo thông lệ quốc tế, giao dịch mua bán của các đối tác, doanh nghiệp thông qua đơn vị môi giới và bên mua được hưởng một khoản gọi là “hoa hồng” tối đa có thể lên đến 5,7%. Trong vụ án xét xử Giang Kim Đạt vừa qua cho thấy các bị cáo cho rằng đó là tài sản mặc nhiên được  hưởng chứ không xác định khoản “hoa hồng” đó là tài sản của Nhà nước và với cương vị cán bộ thực thi nhiệm vụ (lãnh đạo DNNN) thì không thể xem đó là tài sản cá nhân.

Diễn tiến quá trình điều tra cho thấy, Giang Kim Đạt được giao nhiệm vụ đàm phán mua 3 tàu cũ và quản lý, điều hành khai thác cho thuê 9 tàu của Công ty Vinashinlines chiếm đoạt tiền hơn 255 tỷ đồng. Số tiền này được Giang Kim Đạt đã sử dụng một phần mua bất động sản trong nước, mua 2 căn hộ tại Anh (Đạt khai tại phiên tòa), đầu tư chứng khoán tại Singapore...”.

Tại phiên toà sáng 17/2/2017, Giang Kim Đạt trình bày, do nhận thức hiểu biết của mình là khoản tiền hoa hồng không phải là Vinashinlines được hưởng, mà chính là Công ty môi giới là người được hưởng khoản tiền hoa hồng môi giới. Nếu số tiền này là của Công ty môi giới thì họ quyết định cho Đạt bao nhiêu là quyền của họ, hoàn toàn không có việc thoả thuận về tỷ lệ như quy buộc và cho rằng số tiền đó là đương nhiên Đạt được hưởng.

Điều mà nhiều người quan tâm là, một trong những yếu tố tác động rất lớn đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án chính là xác định khoản tiền “hoa hồng” trong lĩnh vực mua, khai thác, kinh doanh tàu biển mà các Công ty môi giới, công ty bán tàu nước ngoài trích lại được quy định trong pháp luật như thế nào, có hợp pháp hay không?  Và các khoản tiền hoa hồng mua tàu, tiền gửi giá cước cho thuê tàu mà các Công ty nước ngoài chuyển vào tài khoản của ông Giang Văn Hiển (bố đẻ Giang Kim Đạt) có phải là tài sản của Công ty Vinashinlines đã bị chiếm đoạt hay không?

Về góc độ pháp luật Việt Nam, Thông tư số 33/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 199/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác cũng có những quy định quy định chi tiết về chi phí hoạt động kinh doanh của Công ty. Thông tư quy định Công ty không được chi hoa hồng môi giới  cho đại lý bán hàng, khách hàng, các chức danh quản lý và nhân viên trực tiếp làm nhiệm vụ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm của Công ty.  Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định nêu trên, chính sách về tài chính chỉ quy định chung về chi giao dịch, môi giới áp dụng cho DNNN, không quy định cụ thể riêng biệt về lĩnh vực nào.

Còn nếu coi “hoa hồng” là một khoản thu nhập khác thì quy định thu nhập chịu thuế khác tại Thông tư 128/2003/TT-BTC quy định “quà biếu, quà tặng bằng hiện vật, bằng tiền và các khoản thu nhập khác”. Thông tư số 134/2007/TT-BTC cũng quy định các khoản thu nhập chịu thuế khác, trong đó có quy định “quà biếu, quà tặng bằng tiền, bằng hiện vật, thu nhập nhận được bằng tiền, bằng hiện vật từ khoản hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán, thưởng khuyến mại và các khoản hỗ trợ khác; các khoản thu nhập khác”. Các quy định này là áp dụng chung cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trường hợp là doanh nghiệp Nhà nước thì phải tuân thủ các quy định về quản lý sử dụng vốn áp dụng cho DNNN.

Trước đó, khi được hỏi ý kiến về các quy định của pháp luật có liên quan trong vụ án, Bộ Tài chính cũng nêu rõ các khoản “hoa hồng” mà các Công ty môi giới nước ngoài, Công ty bán tàu trích lại cho các cá nhân liên quan phát sinh từ việc gửi giá trong các hợp đồng mua tàu hoặc thuê tàu nhưng không được hạch toán vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinashinlines mà các cá nhân chia nhau hưởng như mô tả của CQANĐT là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành nên chế độ kế toán không có hướng dẫn đối với trường hợp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hoa hồng” trong vụ án Giang Kim Đạt và những quy định pháp luật có liên quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO