Tin tức pháp luật

Cảnh giác bẫy cho vay lãi nặng dưới vỏ bọc dân sự 

Văn Kỳ 11/08/2023 14:43

Công an TP. HCM cho biết, vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an một số quận, huyện đã triệt phá đường dây cho vay lãi nặng, tạm giữ hình sự 7 đối tượng có hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Cưỡng đoạt tài sản”.

Theo đó, các đối tượng gồm: Hoàng Trọng Đức (sinh năm 2001, Hà Nội), Đỗ Hồng Quân (sinh năm 2003, Hà Nội), Phùng Quang Huy (sinh năm 1997, Hà Nội, hiện cư trú tại huyện Bình Chánh), Nguyễn Hoàng Anh (sinh năm 1994, Hà Nội, hiện cư trú tại Quận 8), Nguyễn Văn Long (sinh năm 1995, Hà Nội, cư trú tại huyện Bình Chánh), Trịnh Duy Anh (sinh năm 1994, Nam Định, hiện cư trú tại Quận 8) và Cù Việt Cường (sinh năm 1989, Phú Thọ, hiện cư trú tại huyện Nhà Bè).

img_1691463478142_1691487374331-1-(1).jpg
Các đối tượng bị bắt quả tang vì hành vi cho vay lãi nặng.

Công an xác định Hoàng Trọng Đức có vai trò cầm đầu. Khi người dân có nhu cầu vay tiền, các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân (nơi ở hiện tại, số điện thoại di động, tài khoản mạng xã hội, giấy tờ tùy thân...) và tự chụp ảnh, quay clip khỏa thân, gửi cho nhóm này.

Sau khi kiểm tra, nếu người vay đáp ứng đủ các điều kiện thì Đức sẽ cho vay bằng cách giao tiền trực tiếp hoặc chuyển vào tài khoản ngân hàng. Lãi suất cho vay khoảng 1%/ngày, người vay phải đóng các loại phí dịch vụ từ 5% đến 10% trên tổng số tiền vay và phải đóng trước 2 ngày tiền góp.

Vay tiền là quan hệ dân sự về vay tài sản được quy định tại Điều 463, Bộ luật Dân sự 2015. Khi đến hạn bên vay hoàn trả tiền lại cho bên cho vay, bên vay chỉ trả lãi khi hai bên có thỏa thuận. Nếu thỏa thuận vay có trả lãi, luật quy định giới hạn về lãi suất.

Cụ thể, tại khoản 1, Điều 469, Bộ Luật dân sự 2015 thì trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Như vậy, nếu bên cho vay tiền lấy lãi suất vượt quá quy định trên với một mức nhất định theo Bộ luật Hình sự thì sẽ phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Cụ thể, căn cứ Điều 201, Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi 2017) quy định tội vay lãi nặng: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự… kèm điều kiện có thu lợi bất chính với số tiền nhất định, hay đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc từng bị kết án về tội này thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo cơ quan Công an, các đối tượng thực hiện hành vi cho vay lãi nặng thường tổ chức theo băng, nhóm, hoạt động có tổ chức. Ban đầu các đối tượng phạm tội thường dùng vỏ bọc dân sự, trao đổi nhẹ nhàng để người vay tin tưởng. Khi người vay đã vay rồi, đó là lúc các đối tượng sử dụng các chiêu trò thực hiện hành vi phạm tội.

Để che giấu hành vi, khi cho vay, các đối tượng thường không ghi giấy tờ mà thường lấy tiền mặt, nhận tiền lãi bằng tiền mặt. Khi người vay tiền chậm trả lãi, trả gốc, các đối tượng thường dùng hành vi đe dọa, khủng bố tinh thần, khủng bố các mối quan hệ gần gũi với người vay.

Ngoài ra, các đối tượng còn tăng lãi suất cao đẩy người vay vào thế bất lợi, lãi chồng lãi mất khả năng trả nợ buộc phải lệ thuộc vào bên vay mục đích để trả lãi cho các đối tượng phạm tội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác bẫy cho vay lãi nặng dưới vỏ bọc dân sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO