Tin xét xử

Các cựu lãnh đạo thị trấn Lim được giảm án

Phú Nguyễn - Hải Long 02/08/2023 22:29

Ngày 02/8, phiên tòa phúc thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại thị Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục diễn ra; Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nghiêm Thị Lượng.

Trình bày quan điểm bào chữa cho các bị cáo trước HĐXX, luật sư Lê Hồng Hiển và luật sư Chu Thị Út Quỳnh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hành vi của bị cáo Nguyễn Trọng Hoàng (cựu Chủ tịch UBND thị trấn Lim) diễn ra trước ngày 01/01/2018 (thời điểm Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2019 có hiệu lực). Do đó, phải áp dụng Điều 7, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2009) để giải quyết vụ án. Căn cứ này đã quy định tại Nghị quyết 109, năm 2015 của Quốc hội về việc thi hành BLHS năm 2015 để xử lý đối với hành vi xảy ra trước ngày 01/01/2018 nếu việc áp dụng có lợi cho bị can, bị cáo.

anh-bai-phu-1-.jpg
Các bị cáo tại phiên xét xử

Về hành vi hoán đổi đất nông nghiệp thành đất ở của bị cáo Hoàng, luật sư Hiển cho rằng, hành vi của cựu Chủ tịch UBND thị trấn Lim không có mối quan hệ nhân quả, hành động của Hoàng không phải nguyên nhân dẫn đến thiệt hại 1.142.267.400 đồng cho hộ gia đình ông Pha và ông Dụng. Số tiền hơn 1,1 tỷ đồng mà 2 hộ dân không nhận không thể xác định là hệ quả của chủ trương hoán đổi đất, được quy định rất rõ tại Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Về động cơ của bị cáo, luật sư Hiển nêu quan điểm, bị cáo Hoàng không mong muốn hậu quả xảy ra khi thỏa thuận hoán đổi đất, dẫn đến thiệt hại 1,412 tỷ đồng cho 2 hộ gia đình ông Pha, ông Dụng; mà ngược lại, các bị cáo mong muốn 2 hộ này nhận tiền đền bù.

Đánh giá về chứng cứ là quyển sổ tay ghi chép mà bị cáo Nguyễn Trọng Hoàng (cựu Chủ tịch UBND thị trấn Lim) và bị cáo Bạch Trung Tín (cựu cán bộ địa chính UBND thị trấn Lim) đã cung cấp cho HĐXX, luật Hiển cho rằng, đây là chứng cứ quan trọng thể hiện các bị cáo đã báo cáo, xin ý kiến cấp trên chứ không lạm dụng quyền hạn của mình. Ngày tháng ghi chép diễn ra cuộc họp về dự án là trùng khớp nhau. Nội dung đều ghi lại ý kiến chỉ đạo của ông Quang - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Du, ông Hải đối với nội dung hoán đổi 10% đất đấu giá nội bộ.

Đối đáp với 2 bị cáo Hoàng và Tín cùng các luật sư bào chữa, đại diện VKS khẳng định, bản án sơ thẩm đã tuyên phạt các bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là đúng pháp luật. Do đó đại diện VKS giữ nguyên quan điểm, đề nghị HĐXX bác kháng cáo kêu oan của 2 bị cáo Hoàng và Tín, đồng thời đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo Nhuệ và Thưởng.

Sau khi nghị án, HĐXX đồng quan điểm khẳng định, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn, tranh luận công khai tại phiên tòa phúc thẩm, không có cơ sở xác định 2 bị cáo Hoàng và Tín bị oan. Vì vậy, HĐXX đã bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Hoàng và bị cáo Tín.

Tuy nhiên, sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo so với án sơ thẩm, theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, HĐXX phúc thẩm quyết định giảm từ 12 năm tù xuống còn 10 năm tù đối với 2 bị cáo Nguyễn Trọng Hoàng và Bạch Trung Tín; giảm từ 12 năm tù xuống còn 6 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Hữu Nhuệ; và giảm từ 10 năm 6 tháng tù xuống còn 5 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Bạch Công Thưởng.

Các nội dung khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, cũng không bị kháng nghị nên HĐXX phúc thẩm không xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các cựu lãnh đạo thị trấn Lim được giảm án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO