Ông Björn Andersson, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho rằng: Thúc đẩy bình đẳng giới là vấn đề mấu chốt để giải quyết thay đổi về dân số và kiến tạo một xã hội có thể thích nghi được và đứng vững được.
Dân số thế giới đạt 8 tỉ người vào tháng 11/2022 - một dấu mốc quan trọng của nhân loại và đánh dấu những tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, khoa học và phát triển kinh tế xã hội.
Khi dấu mốc này được kỷ niệm thì đồng thời cũng có những lo lắng đáng kể rằng thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức chồng chéo, từ đại dịch Covid-19 đến khủng hoảng khí hậu, các nền kinh tế yếu kém, xung đột, thiếu lương thực, thực phẩm và dịch chuyển dân số hàng loạt. Trong bối cảnh này, sự sợ hãi và lo lắng về thay đổi dân số đang tác động đến quyền của phụ nữ được lựa chọn việc có sinh con hay không và khi nào có con và có bao nhiều con.
Báo cáo Tình trạng dân số thế giới năm nay của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã tháo gỡ mối “lo lắng về nhân khẩu học” này - những lo ngại nổi lên từ những quan tâm về tác động của quy mô dân số, thay đổi dân số, cơ cấu dân số hay tỉ suất sinh.
Báo cáo mới chỉ rõ rằng những lo ngại đó, chỉ tập trung vào con số, đôi khi sẽ dẫn đến những biện pháp bắt buộc nhằm kiểm soát mức sinh. Những vi phạm các quyền cơ bản của con người như vậy để đưa ra quyết định về số con, nếu có, và khoảng cách sinh con là sai lầm và có nguy cơ bỏ qua những vấn đề thực chất trong xã hội.
Khu vực châu Á và Thái Bình Dương là khu vực rộng với đa dạng nhân khẩu học. Một số nước đang trải qua vấn đề giảm dân số, trong khi đó một số nước khác đang tăng dân số. Và ở hầu hết các nước, tăng trưởng dân số đang chậm lại, tạo ra những xã hội với ti lệ người cao tuổi cao hơn.
Dù trong tình huống nào thì những dao động về tỉ suất sinh và thay đổi quy mô dân số như vậy đòi hỏi các chính sách cần phải được sửa đổi và mở rộng ra ngoài lĩnh vực nhân khẩu học. Tuy nhiên, tất cả các chính sách như vậy phải chú trọng vào việc thúc đẩy bình đẳng giới và đẩy nhanh hơn tiến bộ về trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy các kế hoạch làm chậm hay thúc đẩy tỉ suất sinh, kể cả các chính sách đặc biệt nhằm khuyến khích và không khuyến khích sinh con, chỉ đem lại tác động không đáng kể và trong một vài tình huống những chính sách đó lại trở thành có hại. Các chính sách phải vượt ra ngoài những quan điểm quá đơn giản về việc có “quá nhiều” hay “quá ít” người.
Để giải quyết những quan tâm thực chất như biến đổi khí hậu, những thách thức về kinh tế, già hóa dân số và nhiều vấn đề khác nữa, chúng ta cần có những chính sách hợp lý, dựa trên bằng chứng và quyền con người chứ không phải là những chính sách cố gắng định hướng về tỉ suất sinh.
Thúc đẩy bình đẳng giới là vấn đề mấu chốt để giải quyết thay đổi về dân số và kiến tạo một xã hội có thể thích nghi và bền vững. Trao quyền cho phụ nữ và tạo cơ hội cho họ phát triển tiềm năng để đưa ra các quyết định liên quan đến cơ thể họ và cuộc sống của họ sẽ hỗ trợ họ, gia đình của họ và xã hội của họ phát triển thịnh vượng.
Cần đầu tư vào mỗi giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của một phụ nữ thông qua việc đảm bảo giáo dục cho trẻ em gái, đảm bảo trẻ em gái và phụ nữ được tiếp cận với các thông tin và dịch vụ liên quan đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục và các quyền cũng như đảm bảo để họ có thể tham gia một cách đầy đủ và bình đẳng trong mọi lĩnh vực của xã hội.
Ngoài ra, các chính phủ cũng cần phải thể chế hóa các chính sách gia đình thân thiện và tạo điều kiện cho mỗi người dân có thể thực hiện nguyện vọng về sinh đẻ của mình (ví dụ như các chương trình để người cha được nghỉ trông con mới sinh, các dịch vụ chăm sóc trẻ em có chất lượng, chế độ làm việc linh hoạt) và đảm bảo phủ rộng chăm sóc sức khỏe toàn dân, trong đó có cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Các chính phủ cũng nên tăng cường các chế độ lương hưu và thúc đẩy tuổi già năng động và khỏe mạnh.
Áp dụng hướng tiếp cận “vòng đời”, trong đó các trẻ em gái và phụ nữ được trao quyền tại mỗi thời điểm khác nhau trong cuộc đời của họ để họ có thể tự đưa ra các quyết định và lựa chọn, kể cả lựa chọn về sinh sản, sẽ cho phép các trẻ em gái và phụ nữ có thể theo đuổi những ước mơ, khát vọng trong cuộc sống của họ và giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong xã hội.
Vậy làm thế nào để châu Á và Thái Bình Dương thành công trong vấn đề bình đẳng giới và thực hiện các quyền về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của phụ nữ? Trong khi chúng ta chứng kiến nhiều thành tựu thì vẫn còn có nhiều vấn đề cần nỗ lực hơn nữa. Hơn 130 triệu phụ nữ vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ và thông tin về kế hoạch hóa gia đình để họ có thể có kế hoạch sinh con. Trong khi đó, hơn một nửa trong số 1,8 tỉ thanh thiếu niên trên thế giới hiện đang sống ở châu Á và Thái Bình Dương, hầu hết trong số họ vẫn chưa được tiếp cận chương trình giáo dục tình dục toàn diện để giúp họ có thể có những quyết định đúng đắn về cơ thể của họ. Tỉ lệ phụ nữ bị bạo lực thể chất và/hay bạo lực tình dục bởi bạn tình của họ vẫn còn cao.
Giờ đã đến lúc cần phải thúc đẩy tiến độ thực hiện các cam kết được đưa ra tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển năm 1994, tại đó một Chương trình Hành động đã được thông qua, nhìn nhận quyền con người và nhân phẩm của mỗi cá nhân, trong đó có sức khỏe sinh sản và các quyền, trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới, là những trọng tâm của phát triển.
Các chính sách phát triển, kể cả các chính sách giải quyết các vấn đề về dân số, đều phải trên cơ sở đảm bảo quyền. Chúng ta hãy cùng nhau hợp tác hướng tới đặt các quyền và lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái là trọng tâm, để xây dựng các xã hội có thể đứng vững và phát triển thịnh vượng trước những dao động về khuynh hướng dân số.