Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa cho biết đã có văn bản gửi Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Thường Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ yêu cầu xử lý trách nhiệm để rừng bị phá, khai thác trái pháp luật.
Cụ thể, yêu cầu Chi cục Kiểm lâm đề nghị xem xét, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Thường Xuân và các cá nhân có liên quan để xảy ra mất ổn định an ninh rừng, với nội dung: Từ tháng 01/2023 đến nay, trên diện tích rừng do BQL RPH Thường Xuân quản lý xảy ra 4 vụ vi phạm (tương ứng 66% tổng số vụ vi phạm trên toàn địa bàn huyện Thường Xuân trong cùng kỳ), bao gồm 1 vụ phá rừng, 3 vụ khai thác rừng trái pháp luật.
Diện tích rừng bị phá 3.367 m2; khối lượng lâm sản thiệt hại 14,418 m3 gỗ thông thường các loại; 1.040 cây nứa; cả 4 vụ vi phạm nêu trên đều do lực lượng Kiểm lâm kiểm tra, phát hiện; BQL RPH Thường Xuân không kiểm tra, phát hiện kịp thời, không báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Để xảy ra tình trạng nêu trên, nguyên nhân chủ yếu là do lãnh đạo BQLRPH Thường Xuân thực hiện không hết trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ rừng được quy định tại Điều 74 Luật Lâm nghiệp 2017. Có biểu hiện buông lỏng quản lý, không chủ động kiểm tra an ninh rừng, để rừng bị phá, bị khai thác trái pháp luật trong thời gian dài, gây mất ổn định an ninh rừng.
Phần khác, các Trạm bảo vệ rừng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của BQL RPH Thường Xuân chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao. Chưa thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra an ninh rừng; chưa chủ động phối hợp với các lực lượng và chính quyền địa phương để tổ chức tuần tra, kiểm tra an ninh rừng nên không kịp thời phát hiện vi phạm.
Để xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan của BQL RPH Thường Xuân và lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu BQL RPH Thường Xuân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ; Giám đốc Sở yêu cầu: Giám đốc BQLRPH Thường Xuân tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng và các cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ công tác bảo vệ diện tích rừng được Nhà nước giao.
Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của chủ rừng theo quy định tại Điều 74 Luật Lâm nghiệp; các quy định trong Quy chế quản lý rừng tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng được nêu trong phương án quản lý rừng bền vững đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Củng cố lại hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho viên chức,người lao động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng trong đơn vị, đảm bảo đủ sức đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ rừng ngay từ cơ sở.
Chủ động phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân, các lực lượng chức năng khác và chính quyền địa phương nơi có rừng thuộc Ban quản lý, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về Lâm nghiệp đến cộng đồng dân cư, để nhân dân biết, thực hiện; thường xuyên tuần tra BVR, phát hiện sớm các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, để kịp thời có phương án xử lý ngay khi vụ việc mới phát sinh, không để vụ việc tương tự tái diễn.
Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, chủ trì tham mưu cho Giám đốc Sở chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Thường Xuân và những cá nhân có liên quan trong việc không thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, rừng, không kịp thời phát hiện vi phạm, để tài nguyên rừng bị xâm hại trong thời gian dài, gây mất ổn định an ninh rừng.
Việc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Thời gian tổ chức kiểm điểm trước ngày 20/3/2023.