Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng cao, đạt 5,14 tỷ USD nhờ đóng góp của tất cả các nhóm hàng đều tăng.
Theo Bộ NN&PTNT, tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,14 tỷ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi giá trị nhập khẩu 3,72 tỷ USD.
Như vậy, giá trị nông lâm thủy sản xuất siêu tháng đầu năm 2024 đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng hơn 4,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng cao, đạt 5,14 tỷ USD nhờ đóng góp của tất cả các nhóm hàng đều tăng: lâm sản 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản 730 triệu USD, tăng 60,8%; nông sản 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; chăn nuôi 36 triệu USD, tăng 3,5%; đầu vào sản xuất 177 triệu USD, tăng 49,2%.
Về thị trường, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường đều tăng. Trong số đó, xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ 1,18 tỷ USD (tăng 93,6%); châu Phi 104 triệu USD (tăng 185,4%); châu Á 2,52 tỷ USD (tăng 86,3%); châu Âu 532 triệu USD (tăng 38,2%) và châu Đại Dương 78 triệu USD (tăng 100,9%).
Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23%, tăng 106,9%; Mỹ chiếm 20,8%, tăng 95,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, tăng 47,5%.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết, đơn vị đã chủ động đàm phán mở cửa thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Nhờ đó, năm 2023, có thêm nhiều cơ sở thủy sản đã được phép xuất khẩu sang các thị trường như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ…
Cụ thể, đã bổ sung 38 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Hàn Quốc nâng tổng số lên 786 cơ sở; 13 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU nâng lên tổng số lên 524 cơ sở; 45 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ, cua, tôm hùm sống nâng tổng số lên 585 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc; 1 cơ sở cá tra vào Mỹ nâng tổng số lên 26 cơ sở; thêm 2 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Liên bang Nga nâng tổng số lên 83 cơ sở.
Cùng với đó, cả nước có 6.997 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu đi các thị trường; 1.613 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu; bổ sung sản phẩm xuất khẩu (sầu riêng, tổ yến sang Trung Quốc; bưởi diễn, dừa tươi sang Hoa Kỳ…). Các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT đã kịp thời tháo gỡ khó khăn xuất khẩu đi các thị trường, các lô hàng bị cơ quan thẩm quyền các nước cảnh báo…
Năm 2023, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT đã cấp 39.576 chứng thư/45.170 hồ sơ đăng ký (đạt 88%); tiếp nhận và xử lý 197/211 hồ sơ đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến (đạt 93,4%). Thời gian tới, đơn vị tiếp tục hướng dẫn các địa phương kiện toàn tổ chức, tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường. Đồng thời, tổ chức vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến gắn với cơ sở chế biến nông thủy sản bảo đảm chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Đơn vị cũng hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuyển giao ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, gia tăng chế biến; tổ chức sản xuất theo quy định thị trường; xây dựng, phát triển thương hiệu, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương phát triển thị trường trong và ngoài nước.
Về nhập khẩu, Bộ NN&PTNT cho biết, giá trị nhập khẩu là 3,72 tỷ USD, tăng khá cao 45,1% do các nhóm hàng nhập khẩu đều tăng như: nông sản 2,2 tỷ USD, tăng 41,1%; sản phẩm chăn nuôi 300 triệu USD, tăng 46,8%; thuỷ sản 250 triệu USD, tăng 33,9%; lâm sản 253 triệu USD, tăng 100,7%...
Về thị trường trong nước, trong tháng 1, giá hầu hết các mặt hàng có xu hướng tăng so với thời điểm tháng 12/2023 do nhu cầu cao dịp cận Tết Nguyên đán nhưng tương đối ổn định. Riêng mặt hàng chăn nuôi có xu hướng giảm từ những tháng cuối năm 2023 cho đến nay như lợn hơi (giảm 10,5%), bò hơi (giảm 2,5%), gà lông màu (giảm 2,3%),&PTNT gà công nghiệp (giảm 6,8%).
Theo Bộ NN&PTNT, nhìn chung, nguồn cung hàng nông sản dồi dào, bảo đảm phục vụ tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán, giá cả không biến động nhiều thậm chí một số mặt hàng giảm do người dân thay đổi thói quen tiêu dùng.