Trong 11 tháng qua, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành, sản phẩm. Trong đó, điểm sáng lớn nhất là xuất khẩu gạo và rau quả liên tục tăng vọt trong nhiều tháng, bên cạnh một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực giảm sâu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng ước đạt 85,13 tỉ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022; xuất siêu 10,55 tỉ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong thời kỳ này, một số ngành hàng có giá trị xuất khẩu tăng vọt. Cụ thể, xuất khẩu rau quả đạt 5,32 tỉ USD, tăng 74,5%; gạo 4,41 tỉ USD, tăng 36,3%; hạt điều 3,31 tỉ USD, tăng 17,4%. Đặc biệt, sản phẩm chăn nuôi có giá trị xuất khẩu đạt 453 triệu USD, tăng 23,5%. Nhìn chung, nhóm nông sản xuất khẩu thời kỳ này đạt 24,3 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp ước đạt 47,84 tỷ USD, giảm nhẹ 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, bên cạnh những nhóm hàng tăng trưởng một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giảm sâu như thuỷ sản 8,24 tỷ USD, giảm 18,9%; lâm sản 13,02 tỷ USD, giảm 17%; đầu vào sản xuất 1,82 tỷ USD, giảm 17,8%;...
Ba thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam bao gồm Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23,2%; Mỹ chiếm 20,6% và Nhật Bản chiếm 7,4%.
Trong 11 tháng năm 2023, ngành nông nghiệp xuất siêu 10,55 tỷ USD tăng 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 12 tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu...
Để đạt được chỉ tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 54 tỉ USD, trong tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu... để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.
Tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ; đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và cân đối cung cầu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tổ chức các hoạt động, như: các diễn đàn hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản; tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường, các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước, các sàn thương mại điện tử (Postmart, Shopee, Tiki, Lazada, Tiktok, Zalo…) đối với các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP...