Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 492.387 tấn, trị giá đạt gần 339 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam đạt 8,131 triệu tấn, trị giá gần 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Việc Ấn Độ ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo để ổn định thị trường trong nước và nguồn cung tại một số quốc gia bị sụt giảm do El Nino đã thúc đẩy nhu cầu và giá gạo tăng cao trong thời gian qua. Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi từ diễn biến này của thị trường.
Chỉ tính riêng trong tháng 11 năm 2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 667 USD/tấn, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ trước đến nay và cao hơn cả mức giá 665 USD/tấn đối với gạo trắng 5% tấm đang được chào bán trên thị trường.
Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khối lượng nhập khẩu trong 11 tháng năm 2023 đạt 2,87 triệu tấn, kim ngạch 1,57 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 37,6% về lượng và 36,3% về kim ngạch. Indonesia vươn lên vị trí thứ hai về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam do Chính phủ Indonesia tăng cường nhập khẩu nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc.
Đánh giá về kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo đã có tác động lớn đến thị trường gạo thế giới. "Ấn Độ chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới vì vậy việc Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu gạo được coi là cơ hội của các nước và Việt Nam đã biến cơ hội đó thành tiền để nâng cao thu nhập cho nông dân", ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, ngoài nhu cầu của thị trường gạo tăng cao, việc chỉ đạo linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành đã góp phần thành công cho gia tăng giá trị xuất khẩu. "Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay đã trở thành định hướng quan trọng để ngành chức năng và các địa phương tập trung sản xuất và điều tiết", ông Cường nhấn mạnh.
Chủ động các phương án sản xuất gạo
Theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt. Thị trường gạo dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt vào đầu năm do các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Trong khi đó, nhu cầu vẫn tăng trong dịp lễ Tết. Những yếu tố này sẽ tạo động lực cho giá gạo tăng cao hơn nữa.
Sự khởi đầu của El Nino và tác động tiềm tàng của hiện tượng thời tiết này đối với các khu vực trồng lúa chính đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung.
Các quốc gia trên khắp châu Á và châu Phi đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung kể từ khi Ấn Độ tăng cường các biện pháp hạn chế vào tháng 7. Giá gạo ở Philippines tăng cao, trong khi Indonesia yêu cầu quân đội hỗ trợ nông dân tăng sản lượng. Tuy nhiên, giá khó có thể quay trở lại mức kỷ lục năm 2008 là trên 1.000 USD/tấn. Thời điểm đó, làn sóng cấm xuất khẩu gạo lan rộng hơn bây giờ.
Nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam có thể bắt đầu thu hoạch vụ mùa mới trong tháng này, giảm bớt một số lo ngại về nguồn cung. Vụ thu hoạch đông xuân thường mang lại vụ mùa lớn nhất cả nước.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cơ quan ấn định giá gạo trắng Thái Lan 5% tấm, dự báo xuất khẩu gạo của nước này sẽ giảm trong năm nay do nhu cầu giảm. Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, trong khi Việt Nam là nước lớn thứ ba.
Xuất/nhập khẩu gạo thế giới trong năm 2024 ước khoảng 52,1 triệu tấn (gạo xay xát), giảm 710.000 tấn so với mức dự báo trong tháng trước và giảm 270.000 tấn so với năm 2023.
Trước những dự báo về giá gạo sẽ còn cao trong năm 2024, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, dù diện tích lúa có xu hướng giảm nhưng kế hoạch sản xuất năm 2024, ngành trồng trọt vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên.