Môi trường

Xử lý nghiêm vụ xâm lấn, chặt phá cây trong Vườn quốc gia Xuân Thủy

Phú Nguyễn-Mai Chiến 24/08/2023 13:15

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi xâm lấn, chặt phá cây trong Vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy).

Ngày 24/8, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nam Định chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND huyện Giao Thủy tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi xâm lấn, chặt phá cây trong Vườn quốc gia Xuân Thủy. Trong quá trình kiểm tra, xác minh nếu nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra.

caychatphaxuanthuy.jpg
Cây bị chặt phá trong Vườn quốc gia Xuân Thủy

Trước đó, ngày 22/8, Đoàn công tác gồm đại diện UBND xã Giao Lạc, Vườn quốc gia Xuân Thủy, Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải, Đồn Biên phòng Ba Lạt phát hiện hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phê (SN 1973, thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy) có hành vi xâm lấn, chặt cây tại khu vực rừng tái sinh thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Qua kiểm tra, Đoàn công tác xác định có 50 cây Mắm, diện tích khoảng 240m2 đã bị chặt phá. Ngoài ra, đoàn công tác cũng phát hiện 1 máy hút cát không hoạt động, đặt tại vị trí cồn cát cao, không có người trông giữ và phát hiện hố hút cát mới hút có kích thước khoảng 50m2, sâu khoảng 2m.

baicat12.jpg
Đổ cát xâm lấn trong Vườn quốc gia Xuân Thủy

Hồi đầu tháng 6/2023, đại diện Vườn quốc gia Xuân Thủy, Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải, Đồn Biên phòng Ba Lạt đã tổ chức tuần tra, kiểm tra khu vực Cồn Lu - vị trí tọa độ E00607295 - N02234672 nằm trong Phân khu phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia Xuân Thủy, phát hiện hành vi hút cát cải tạo bãi và chặt phá cây phi lao, cây ngập mặn tại khu vực. Cơ quan chức năng yêu cầu một số cá nhân ngừng ngay hành vi xâm lấn, chặt cây, nhưng sự việc sau đó vẫn tái diễn, bất chấp quy định của pháp luật.

Vườn quốc gia Xuân Thủy ở Nam Định là một trong các khu rừng ngập nước quan trọng của Việt Nam, và được xem như “sân ga” của nhiều loài chim di cư quý hiếm, trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn du khách.

Đây còn là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, nơi cư trú của các loài chim nước) đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, từ năm 1989.

Đến tháng 12/2004, UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng là khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó Vườn quốc gia Xuân Thủy ở khu vực trung tâm.

Hệ sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy: Đây là khu bảo tồn đất ngập nước ven biển, nơi sông Hồng đổ ra biển (gọi là cửa Ba Lạt) và có ranh giới phía Nam là sông Vọp; thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Với diện tích vùng bảo tồn rộng 7.100ha, bao gồm vùng bãi bồi Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Xanh và vùng đệm rộng 8.000ha, trong đó có gần 3.000ha rừng ngập mặn.

Cồn Ngạn lớn nhất ở Vườn quốc gia, với các đầm nuôi trồng thủy sản và hầu hết có rừng ngập mặn bao phủ. Cồn Lu gồm một bãi cát rộng, cùng các bãi bồi lầy và diện tích nhỏ các đầm nuôi trồng thủy sản. Cồn Xanh nhỏ nhất và vẫn đang tiếp tục bồi đắp phù sa từ sông Hồng. Cồn Lu và Cồn Xanh thường bị ngập khi thủy triều lên.

Thực vật ưu thế trong rừng quốc gia Xuân Thủy là loài cây Trang, Bần, Tra và Ô rô mọc tự nhiên rải rác khắp khu vực. Riêng trên Cồn Lu, cây Phi lao được trồng với diện tích lớn, đây là sinh cảnh quan trọng cho các loài chim rừng di cư. Ngoài ra, các loài rong thuộc 2 ngành rong đỏ và rong xanh có giá trị kinh tế cao, nhất là loài Rong câu chỉ vàng.

Hệ động vật ở đây nổi bật với gần 220 loài chim. Đặc biệt, số lượng chim nước ghi nhận được trong mùa chim di cư lên tới 30.000 - 40.000 cá thể. Một số loài chim quý hiếm như: cò thìa, rẽ mỏ thìa, choắt chân màng lớn, choắt đốm đen, choắt mỏ vàng, cò trắng Trung Quốc, te vàng, mòng bể mỏ ngắn, bồ nông, cò lạo ấn Độ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm vụ xâm lấn, chặt phá cây trong Vườn quốc gia Xuân Thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO