Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, vốn chủ sở hữu của Xi măng Công Thanh tiếp tục âm hơn 5.788 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu âm 3,1, dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu âm 0,41 lần. 6 tháng qua Công ty lỗ sau thuế 608,8 tỷ đồng, ROE (tỷ suất sinh lời/vốn chủ sở hữu) âm 0,11%.
Xi măng Công Thanh phát hành 4 lô trái phiếu, gồm: XMCT0510_5; XMCT0510_8; XMCT1209; XMCT1210_1500, cả 4 mã trái phiếu này đều có kỳ hạn trả lãi 12 tháng. Tổ chức lưu ký là Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam.
Cụ thể, mã trái phiếu XMCT0510_5, phát hành 21/5/2010, ngày đáo hạn 21/5/2030 (20 năm), khối lượng phát hành 355 nghìn trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, lãi suất 18%/năm.
Mã trái phiếu XMCT0510_8 có cùng thời gian đáo hạn được phát hành 21/5/2010, khối lượng 345 nghìn trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng, lãi suất 18,5%/năm,
Mã trái phiếu XMCT1209 được phát hành 25/12/2009, thời gian đáo hạn 25/12/2030 (21 năm), khối lượng 300 nghìn trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, lãi suất 15,5%/năm.
Mã XMCT1210_1500 được phát hành 24/12/2010, khối lượng phát hành 1,5 triệu trái phiếu, lãi suất 17,5%, có thời gian đáo hạn vào 24/12/2030.
Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh có trụ sở chính tại tỉnh Thanh Hóa, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất clinker và xi măng. Vào năm 2022, tổ chức kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính bán niên của Xi măng Công Thanh.
Lý do, Công ty đã phát sinh khoản lỗ hơn 538,6 tỷ đồng (ngày 30 /6/2021 là 343,8 tỷ đồng). Tại ngày 30/6/2022, lỗ luỹ kế của Công ty đã vượt vốn chủ sở hữu là 4.536 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2021 là 3.998 tỷ đồng).
Vào thời điểm lập báo cáo tài chính nợ ngắn hạn của Công ty đã vượt tài sản ngắn hạn hơn 2.062 tỷ đồng (tại 31/12/2021 là 1.820 tỷ đồng).
Tính tới ngày 30/6/2022, Xi măng Công Thanh chưa thực hiện được kế hoạch trả khoản vay dài hạn và trái phiếu dài hạn với số tiền là 1.293.110.373.363 đồng cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank).
Các khoản nợ ngắn hạn của Công ty tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng đã được bán cho Công ty Quản lý Tài sản các Tổ chức Tín dụng Việt Nam (VAMC) vào ngày 29/11/2019.
Theo hợp đồng vay, Công ty phải trả cho SHB hơn 369 tỷ đồng, tính đến ngày 30/6/2022, Công ty chỉ mới trả 81 tỷ đồng cho SHB (trong năm 2022 là 12 tỷ đồng; trong năm 2021: 10,4 tỷ đồng và 2020 hơn 58,5 đồng). Vào ngày 8/11/2021, SHB đã mua lại khoản nợ ngắn hạn này từ VAMC theo Hợp đồng Số 444/2021/BN.VAMC-SHB.
Kết thúc tháng 6/2022, tổng tiền lãi vay quá hạn phải trả cho 2 ngân hàng này là hơn 284,8 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2022, ghi nhận tài sản dở dang của Xi măng Công Thanh tại các dự án tổng giá trị 202,5 tỷ đồng. Cụ thể, Dự án Trạm nghiền xi măng tỉnh Khánh Hòa (118,8 tỷ), Dự án Cảng Công Thanh tại Thanh Hóa (49,9 tỷ), Dự án khách sạn 5 sao tại Thanh Hóa (hơn 4,8 tỷ), Dự án nhà máy nghiền xi măng tại tỉnh Vĩnh Long (hơn 3,8 tỷ), Dự án Golden Coast Resort (1,6 tỷ) và các Dự án khác 23,4 tỷ đồng.
Với đặc thù sản xuất kinh doanh xi măng, Công ty Xi măng Công Thanh được cấp phép khai thác khoáng sản 3 mỏ khoáng sản đá vôi 73,88ha, đất sét 113,4 và đá bazan 5,49ha tại Thanh Hóa, thời hạn khai thác 30 năm, riêng mỏ đá bazan là hơn 5 năm. Xi măng Công Thanh cho biết, 3 mỏ này được cấp phép bởi Bộ TNMT, đến ngày 23/9/2021 UBND tỉnh Thanh Hóa đã gia hạn khai thác đối với 3 mỏ khai thác này.