'Trở về' - Hành trình của những yêu thương

Đan Hà| 15/01/2020 17:02

Tôi biết anh một dịp tình cờ và may mắn được anh tặng “Trở về’, tập thơ nhạc đầy ắp những cảm xúc trữ tình, nồng nàn. Cuộc truyện trò về thơ và nhạc khiến tôi tò mò muốn viết về anh và chúng tôi đã có một buổi trò chuyện thú vị về cuộc sống, thơ ca, âm nhạc và cả về những quan niệm sống rất đời.

Không gian quán cà phê sáng chủ nhật khá đông đúc ồn ào, có vẻ như không hợp cho một cuộc phỏng vấn hóa ra lại trở thành tương hỗ khi ngồi nói chuyện đời. Anh kể cho tôi nghe mối nhân duyên của anh với thơ và nhạc, về ấp ủ 10 năm cho đứa con tinh thần đầu tiên của mình, “Trở về”. Cái nhân duyên bắt đầu từ cảm xúc dành cho một người bạn khiến anh thức trắng 2 đêm dịch bài hát “Hoa Kalina đang nở” từ nguyên bản tiếng Nga để tặng bạn mình.

Hoa Kalina nở bên suối, gió rung rinh trên đồng

Có anh chàng trẻ trung đó, em đã yêu từ lâu.......

Bài hát về tình yêu của một cô gái, nhẹ nhàng, da diết, e ấp như một nụ hoa hàm tiếu được dịch bởi cảm xúc đang dâng trào đã ngay lập tức được đón nhận khiến anh tự tin hơn trong việc dịch những bài hát, những vần thơ Nga sang tiếng Việt, như một cách anh thể hiện tình yêu với nước Nga, nơi anh đã qua một thời tuổi trẻ, sống, học tập và yêu thương.

Có vẻ như thơ ca và âm nhạc đã đến với anh thật đúng lúc, như một cách giải tỏa, như một cứu cánh cho tâm hồn, cho cuộc sống vốn bộn bề lo toan. Không biết từ lúc nào, thơ ca trở thành niềm vui không thể thiếu của anh, là cách để anh diễn đạt cuộc sống, là liệu pháp tinh thần và cũng là liều thuốc chữa lành nhiều vết thương. Anh, một người vốn xuất thân ngoại đạo với thơ ca bỗng thấy mình may mắn, bởi thơ ca và âm nhạc đã đem đến cho anh nguồn năng lượng mới tích cực và nhân văn hơn rất nhiều.

Ta chạy về trong tiếng gọi mẹ ơi

Về với mẹ là nơi sâu lắng nhất

Nước mắt ta rơi bởi một điều có thật

Rồi một ngày mẹ sẽ đi xa.

22-w491-h688.png

Mẹ đã đi xa, nhưng tình yêu thương của con dành cho mẹ lại là bất tận. Những bài thơ anh viết về mẹ, khi mẹ trên giường bệnh hay lúc tiễn mẹ đi xa đều khiến người ta đau thắt trong lòng. Ai rồi cũng chạm vào cảm xúc ấy, và anh đã viết thay lời hàng triệu trái tim những đứa con thương về mẹ. Cũng chính tình yêu thương ấy khiến trái tim anh trở nên bao dung, nhân hậu hơn thì phải. Anh làm ra nhiều và cho đi cũng nhiều, tự nhiên như hơi thở.

Anh kể cho tôi nghe về 8 đứa trẻ anh nhận nuôi ở Huế, 8 đứa trẻ mồ côi không còn mẹ. Bởi “ anh đã từng có lúc lang thang xin ăn, nên anh hiểu khi không có mẹ, nó lạnh lẽo biết dường nào, nó cô đơn biết dường nào và nó cần một vòng tay che chở biết dường nào”. Ngày đó, cậu bé 6 tuổi là anh được giữ lại ở Hà nội để chuẩn bị đi học, còn mẹ phải theo nhà máy đi sơ tán ở xa, xa lắm với một cậu bé con tí teo như thế. Nhớ mẹ quay quắt, giữa mùa đông lạnh Hà nội cậu bé con thèm lắm vòng tay ấm ấp của mẹ, chẳng kịp nghĩ gì nhiều, cậu bé trốn bác đi tìm mẹ. Chỉ cần có mẹ thôi...

Đường đi tìm mẹ xa lắm, càng xa hơn với cậu bé con. Và cậu ấy không còn biết mình đã đi bao xa, cũng không biết phải đi như thế nào mới gặp mẹ. Đói, mệt và chỉ còn nước mắt, cậu bé 6 tuổi là anh lúc đó phải đi xin ăn, như một đứa trẻ không cha, không mẹ, không gia đình... May mắn cho anh vì gặp được mấy chú dân quân tự vệ đi tuần, hỏi han rồi đưa về nhà, kể từ đó mỗi lần người lớn đi đâu là khóa trái cửa, nhốt anh trong nhà vì sợ anh lại trốn đi tìm mẹ. “ Anh cứ thế ở trong nhà với nỗi nhớ mẹ khắc khoải. Nghe tiếng gọi “Minh ơi” mà tưởng mình đang mơ. Mẹ về, gần trong gang tấc mà chẳng được chạm vào mẹ, chẳng được ôm mẹ hít hà mùi mồ hôi quen thuộc vì cái khóa cửa ngăn cách hai mẹ con. Anh khóc, mẹ còn khóc nhiều hơn, cả vạt áo nơi cánh tay mẹ ướt đẫm nước mắt. Và sau đó mẹ quyết định không gửi anh đi học xa nữa. Anh được ở gần mẹ, trong khó khăn mà ngập tràn hạnh phúc”.

Thủa nhỏ, trò giải trí mà anh yêu thích nhất là sách. Những cuốn sách đưa anh đi từ cuộc phiêu lưu này sang cuộc phiêu lưu khác, đưa anh đến hết vùng trời này đến vùng đất khác để rồi hình như dòng chảy văn thơ đã thấm đẫm tâm hồn anh, tự nhiên như điều vốn có. Đến một ngày, nó bật ra trong từng câu viết. Tôi đọc bài thơ “ Bà ơi” trong tập sách của anh, nỗi nhớ bà bỗng ùa về trong tâm trí. Anh kể tôi nghe cái cách anh viết bài thơ về Bà, cũng là một khoảnh khắc nỗi nhớ ùa về trong tâm trí. Đi công tác ngang nhà mà không kịp ghé về thắp cho bà nén nhang, nỗi nhớ bà kèm theo day dứt khiến cảm xúc dâng trào, tứ thơ cứ thế buông khiến anh cho dừng xe bên đường để viết, một mạch không lơi, lời thơ đong đầy da diết:

Chiều nay về lại quê nhà

Lòng con đau quặn, nhớ bà, bà ơi

...........

Bà không còn ở trên đời

Cháu không còn được đến ngồi nghe thơ

Nỗi đau sao đến bất ngờ

Nỗi đau ơi, có bao giờ nguôi ngoai...

Đêm tĩnh lặng là lúc anh thả hồn vào câu chữ. Thơ như một cách giải tỏa và “khi ngôn ngữ bất lực, hãy để âm nhạc lên tiếng”. Anh may mắn hơn biết bao người bởi có cả hai để cân bằng cuộc sống. 10 năm, quãng thời gian không ngắn cho cuộc đời và khá dài cho một cuộc thai nghén. 10 năm cho đứa con tinh thần của mình ra đời đủ để thấy với anh thơ ca không phải là một cuộc dạo chơi. Nó là một phần chân lý của cuộc đời. Anh trân trọng từng câu chữ, như trân trọng cuộc đời và như một cách tri ân với cuộc đời. Yêu thương và gắn bó, như một phần không thể tách rời.

Tôi hỏi anh, điều gì là kim chỉ nam cho cuộc sống của anh, để anh có thể cân bằng giữa bộn bề công việc của một doanh nhân với một tâm hồn nghệ sĩ ?

Đam mê, nghị lực, hiệu quả và trách nhiệm !

Sống phải có đam mê và không được quên nuôi dưỡng đam mê. Đam mê sẽ tạo nên năng lượng tích cực để làm việc. Đam mê sẽ khiến người ta không bao giờ cảm thấy chán nản, luôn muốn bước tiếp trên bước đường đời.

Nghị lực, là cái để người ta vượt qua khó khăn vươn đến thành công. Cuộc đời vốn dĩ nhiều khúc quanh, ai cũng có những vấp ngã. Người ta hơn nhau chỉ bởi có nghị lực vượt qua và thành công chỉ đến với những ai biết vượt qua khó khăn để vươn tới.

Hiệu quả công việc luôn là thước đo chân thực nhất cho thành công của một con người mà không cần nhiều lời hoa mỹ.

Trách nhiệm, không chỉ với chính minh, với gia đình mà còn với xã hội, với cộng đồng.

Đó là cách mà anh đã và đang sống. Là thương hiệu cá nhân. Và bây giờ, quan điểm sống đó anh truyền lại cho con mình, mong con thành công trên nền tảng biết yêu thương và chia sẻ. “ Anh về hưu rồi, giao quyền điều hành doanh nghiệp lại cho con gái. Khi giao cho con doanh nghiệp mà anh dành cả đời tạo dựng, anh đã dạy con những điều như thế. Trên cương vị một người sếp, một người điều hành anh còn dặn con, ngoài hiệu quả công việc còn phải biết chăm lo cho nhân viên bởi chính họ mới là người tạo nên sự bền vững cho doanh nghiệp. Mỗi nhân viên khi đến công ty phải như đang về với ngôi nhà thứ 2, cùng làm việc, cùng cố gắng phấn đấu cho sự phát triển bền vững thì khi đó người lãnh đạo mới thực sự thành công”.

Giờ là lúc anh tận hưởng cuộc sống theo một cách khác hơn một chút so với lúc còn điều hành công việc. Vẫn là đam mê, nhưng giờ đây đam mê đó được dành nhiều hơn cho thơ ca, nhạc họa, thể thao, du lịch, quây quần cùng gia đình, con cháu, bạn bè. Vẫn phải là nghị lực để đương đầu với những biến động của tuổi tác, của sức khỏe, của sự dẻo dai. Vẫn phải hiệu quả kể cả trong sáng tác, trong vui chơi, với những đam mê vốn có. Và vẫn chia sẻ trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng bằng tâm thế của một người, cho đi để nhận lại nhiều hơn những yêu thương trân quý của cuộc đời.

Lê Tự Minh là một doanh nhân thành đạt, điều mà nhiều người biết đến. Anh cũng là một nghệ sĩ, đúng chất nghệ sĩ với những vần thơ thấm đẫm yêu thương. Tình yêu trong thơ anh dành cho mẹ, cho bà, cho con, cho anh em bè bạn, cho quê hương đất nước và cho một nửa yêu thương. Một doanh nhân như anh, dành thời gian và tác phẩm cho văn học và âm nhạc là một văn hóa đáng trân trọng và cần được phát huy, lan tỏa

Anh Tự Minh cũng là một người góp cho đời nhiều bản dịch nhạc Nga tuyệt đẹp, nhẹ nhàng đi vào lòng người. Thơ của anh đã và đang được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và được nhiều thế hệ người nghe yêu mến. Mới đây, anh Tự Minh ra mắt tập thơ nhạc đầu tay mang tên “ Trở Về” với phần đầu gồm 30 bài thơ được chắt lọc từ những cảm xúc trong cuộc sống đời thường hàng ngày. Phần hai gồm 30 bài hát gồm những bài dịch lời từ những bài hát nổi tiếng nước ngoài như “ Xin chào Việt Nam” và những bài hát được các nhạc sĩ phổ nhạc từ chính những bài thơ của anh như “ Trở Về”, “Trường Sa và Mẹ”, “Quảng Bình, miền yêu dấu”...

Những bài hát về nước Nga, của các nhạc sĩ Nga được anh chuyển lời Việt đã được trình diễn trong chương trình “Nước Nga trong trái tim tôi” do Hội Hữu nghị Việt Nga và Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Chương trình nhằm chào mừng năm chéo hữu nghị Việt Nga và kỷ niệm 70 năm quan hệ hữu nghị Việt Nga. Những bài hát Nga được dịch sang tiếng Việt của anh Tự Minh đã được đón nhận và gây xúc động mạnh cho các cựu học sinh Việt Nam từng du học ở Nga cùng cộng đồng người Việt đang sinh sống ở Nga..

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
'Trở về' - Hành trình của những yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO