Tiến tới y tế 4.0 để không còn sai sót y khoa vì “chữ bác sĩ”

Thành Nhân| 27/02/2019 10:01

Công nghệ đang trở thành xu hướng toàn cầu. Ngay trong lĩnh vực y tế cũng đã có những thay đổi để thích nghi.

Hình ảnh bác sĩ gõ cập nhật thông tin sức khoẻ của bệnh nhân vào bệnh án điện tử, đơn thuốc được in thay vì viết tay… dần xuất hiện nhiều hơn tại các bệnh viện trong nước. 

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúng tôi giới thiệu đến độc giả cuộc trò chuyện với Thạc sĩ - Bác sĩ Dương Nguyễn Việt Hương về những trải nghiệm của chị về ứng dụng công nghệ trong y tế. Thạc sĩ - Bác sĩ Dương Nguyễn Việt Hương từng có thời gian học tập, làm việc, giảng dạy ở trong nước và nước ngoài. Dù là một bác sĩ nhưng với kinh nghiệm của mình, chị đã cùng tham gia góp ý và hoàn thiện Ứng dụng đặt bác sĩ khám tại nhà Jio Health.

Thạc sĩ - Bác sĩ Dương Nguyễn Việt Hương

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế, chị cảm nhận như thế nào về những tiện ích mà công nghệ mang lại trong các công việc hằng ngày tại phòng khám của chị?

Ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực y tế đang hiển hiện rõ trong công tác khám chữa bệnh hàng ngày của tôi. Việc sử dụng thiết bị thông minh, hệ thống lưu trữ thông tin, mạng Internet dần trở nên quen thuộc như tai nghe. Cả bệnh nhân và bác sĩ đều được hưởng lợi từ những ứng dụng hữu ích này. Giờ đây, bệnh nhân sẽ không còn cần mang theo hàng sấp kết quả xét nghiệm, chẩn đoán y khoa như ngày xưa. Tất cả đã được hệ thống bệnh án điện tử lưu trữ. Bệnh án điện tử tạo điều kiện thuận lợi quá trình thăm khám với bệnh nhân được liên tục. Thử hình dung ở thời kỳ chưa có bệnh án điện tử, nếu bệnh nhân quên hoặc làm mất tài liệu thì bắt buộc bác sĩ phải cho làm lai các xét nghiệm, chụp phim… Việc này rất tốn thời gian và tiền bạc.

Bên cạnh đó, ở một số đơn vị đã triển khai các phần mềm cho phép bệnh nhân đặt hẹn bác sĩ. Việc này giúp bệnh nhân chọn thời gian, bác sĩ chủ động lên kế hoạch  thăm, khám. Thay vì trước đây, bác sĩ gần như bị động khi không biết ca khám đó sẽ có bao nhiêu bệnh nhân, họ là những ai.

Yếu tố tích cực nữa mà ứng dụng công nghệ mang lại là giúp minh bạch và hạn chế sai sót trong y khoa. Nhiều trường hợp bệnh nhân không thể đọc được đơn thuốc của mình hay nhà thuốc có thể ra thuốc sai vì hệ quả của “chữ bác sĩ”.

Tuy vậy, hẳn còn nhiều bất cập, chị có thể chia sẻ thêm về điều này?

Bên cạnh những điều tích cực thì ứng dụng công nghệ vào y tế ở Việt Nam còn nhiều điều cần khắc phục. Đầu tiên là hệ thống phần mềm cần cải thiện, hướng tới tạo điều kiện dễ dàng hơn cho bác sĩ. Hiện chúng tôi đang chẩn đoán bệnh nhân theo mã được quy định, việc này gây khó khăn ít nhiều trong công tác ghi chú y khoa. Cùng đó là tốc độ xử lý dữ liệu, đường truyền. Nhất là hiện nay dữ liệu bệnh án điện tử chưa được liên thông giữa các bệnh viện. Ở nước ngoài, có một số nước bệnh án điện tử đã kết nối với nhau nhưng quá trình này khá phức tạp. Với Việt Nam, chúng ta cần thêm thời gian.

Theo chị, điều gì cản trở bác sĩ và người bệnh tiếp cận công nghệ trong công tác khám chữa bệnh?

Dùng thiết bị công nghệ phải có kỹ năng cho nên sẽ có người thích và không thích. Có những bác sĩ viết nhanh nhưng gõ chưa nhanh sẽ không muốn thay đổi. Cùng đó, bệnh nhân cũng sẽ đóng góp không nhỏ vào quá trình thay đổi này. Đa số người bệnh chưa có thói quen.

Công nghệ hoá dịch vụ y tế là xu hướng tất yếu. Vậy, các bác sĩ cần làm gì để thay đổi?

Đầu tiên là cả bệnh nhân và bác sĩ đều cần tập thích nghi với những thay đổi tất yếu của thời đại. Thích nghi không khó, khó là do bản thân có muốn hay không. Đánh máy chậm thì có thể nhờ thư ký đánh. Đó cũng là một giải pháp. Ví như ở Pháp, bác sĩ ghi âm chẩn đoán rồi chuyển cho thư ký nhập liệu. Thích nghi không thể một sớm một chiều mà cần có thời gian. Nhưng chắc chắn chúng ta phải thay đổi để tránh những hệ luỵ như giấy sẽ mục hay sai sót y khoa do chữ viết.

Chị là một trong bác sĩ đầu tiên tham gia dự án Jio Health. Tại sao chị đồng ý tham gia dự án này?

Tôi thật sự may mắn khi được đồng hành trong dự án này bởi bản thân chưa phải là người giỏi về công nghệ. Có lẽ do một phần tôi người thích công nghệ, thích điều mới cho nên khi được đội ngũ đề nghị tham gia thì tôi nhận lời ngay. Cùng đó, tôi hiểu đây là xu hướng tất yếu của tương lai vì những tiện ích tối ưu mà nó mang lại.

Trong đó, Jio Health cho phép bệnh nhân đặt hẹn bác sĩ chuyên khoa khám chữa bệnh tại nhà thông qua ứng dụng. Các thông tin về bác sĩ được đăng tải đầy đủ, không có mập mờ về thông tin. Đó là ưu điểm dành cho bệnh nhân. Còn với bác sĩ, chúng tôi có cảm giác cả phòng khám được gói gọn trong chiếc điện thoại dễ dàng mang theo bên người. Bất cứ lúc nào có Internet, chúng tôi đều có thể tra cứu bệnh sử, hiểu hơn về quá trình thăm khám, điều trị của người bệnh để đưa ra những phương án phù hợp.

Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ.

Thạc sĩ - Bác sĩ Việt Hương đang là Cố vấn chuyên môn của ưng dụng đặt bác sĩ khám tại nhà Jio Health. Chị tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ đa khoa tại trường Đại Học Y Dược TP HCM và tiếp tục đào tạo sau đại học chuyên ngành Nhãn Khoa tại Việt Nam và nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Bỉ, Nhật…

Hiện chị tham gia giảng dạy tại bộ môn Mắt của trường ĐH Y Dược TP.HCM và công tác lâm sàng tại Bệnh viện Mắt TP.HCM. Từng giành nhiều học bổng và giải thưởng quốc tế, Bac sĩ Hương đam mê nghiên cứu và là một trong những thành viên sáng lập - biên tập viên tạp chí chuyên ngành Nhãn Khoa Đông Nam Á - Eye South East Asia (ISSN: 2586-2349).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến tới y tế 4.0 để không còn sai sót y khoa vì “chữ bác sĩ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO