Tết, trong tiềm thức của những người hoài cổ

Lê Nam| 21/01/2020 12:09

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, mong ước được trở về đoàn tụ, sum vầy với gia đình trong tôi lớn hơn bao giờ hết. Và chỉ cần từng ấy thôi cũng đủ khiến tôi ngậm ngùi nhớ về ký ức xưa với cái rét tuổi thơ và những bộ quần áo mới.

01dupz-w800-h453.jpg

Hình minh họa (Nguồn: Báo PLVN)

Đã bao năm bon chen nơi phố thị, ngày thường chẳng sao, nhưng y như rằng, cứ trước ngày ông Công, ông Táo vài hôm, cuộc sống dường như ngưng đọng lại. Trong đầu tôi lúc này chỉ toàn những toan tính xem ngày nào về quê, Tết này sẽ mua quà gì cho gia đình và mấy đứa nhỏ, đi chúc Tết những nhà nào…

Những lúc như thế tôi lại nhớ, thèm cái Tết của tuổi thơ vô cùng. Cuộc sống lúc đó tuy nghèo, thiếu thốn đủ thứ nhưng những ký ức về Tết có lẽ sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí những đứa trẻ.

Tôi còn nhớ như in thuở đó, cứ mỗi dịp xuân về Tết đến là lẽo đẽo theo chân mẹ đi chợ quê ngày Tết. Cái chợ quê bé tý như được khoác bộ áo mới, nhộn nhịp hơn nhiều. Người ta bày bán đủ thứ, lỉnh kỉnh những đồ cho Tết.

Từ cổng chợ, các cửa hàng tạp hóa sáng hẳn hơn so với mọi khi từ những ánh đèn trang trí sáng lấp lánh. Dường như, những cái gì có thể thắp và lấp lánh được thì người ta đều khoe ra hết, nhiều nhất là đống dây đèn nháy. Nó nhiều đến mức người ta tưởng như mình đang lạc vào một thế giới huyền ảo, đầy ánh sáng, nhấp nháy liên hồi, đa màu sắc, cái nhanh cái chậm. Y như nhịp tim hồi hộp, hào hứng của đám trẻ quê mong Tết và được đi chợ Tết.

Rồi vào bên trong, các mặt hàng như nấm hương, mộc nhĩ, miến dong, măng khô... cũng được bày bán nhiều hơn. Những vật dụng sinh hoạt thường ngày như cái rá, nồi niêu, xoong chảo cũng xuất hiện nhiều hơn, sáng bóng cả một khu chợ. Hay những xấp là rong xanh mướt được xếp ngay ngắn, gọn gàng bên cạnh các ông giang xanh, bó lạt đã được tỉa sẵn.

Chợ quê lúc đó chẳng khác nào các trung tâm thương mại 5 sao ở thành phố, sáng bừng lên rực rỡ, tiếng cười nói, chào mời rôm rả. Bọn trẻ thì đùa nhau nô nức, tiếng cười bay từ đầu chợ, đến cuối chợ.

Và đương nhiên, đẽo theo chân tới chợ chỉ mong mẹ mua cho những bộ quần áo mới để diện mấy ngày Tết, những đồ chơi để đi khoe với đám bạn ở trong làng. Nhưng không phải đứa nào cũng được mua cho đồ chơi vì kinh tế gia đình không cho phép.

Gia đình tôi thời đó thuộc diện chẳng khá giả gì, bố mẹ phải đi bắt cá từ 4h sáng để kịp mang ra chợ bán. Quanh năm suốt tháng như vậy nên cũng chỉ đủ ăn, nói chung phải giật gấu vá vai cho qua ngày. Làm ăn tích góp cả năm cũng chỉ đủ sắm cho 2 anh em tôi cái áo khoác mới, chứ nói gì đến việc mua đồ chơi.

Ấy vậy mà trò chơi ngày ấy của chúng tôi cũng rất phong phú, đa dạng và không kém phần hấp dẫn. Chúng tôi nghĩ ra đủ thứ để nghịch, ví dụ như làm pháo bằng chiếc đũa xe đạp.

Cứ lân la vào mấy quá sửa xe ở trong xóm để xin đũa xe rồi chế thành pháo đài mini. Phần đầu có van thì được uốn cong 1 đầu vuông góc 90 độ, đầu kia gấp lại để cho dễ cầm. Phần đầu van chính là khu vực gây nổ, “kim hỏa” là cái đinh 5 phân được buộc vào thân chiếc đũa xe bằng 1 sợi dây thun. Sau khi đã nhồi diêm vào đầy trong van xe, lấy cây đinh nén chặt vào rồi cố định lại, đập mạnh xuống đất sẽ tạo ra tiếng nổ đì đẹp, nghe rất vui tai.

Những đứa trẻ gia đình khá giả hơn thì sẽ đi tìm mua pháo, hay những khẩu súng nhựa, cũng tạo tiếng nổ bằng diêm đã được sản xuất sẵn. Trẻ em gái thì tìm mua bóng bay được bơm sẵn khí hidro - ngày đó chúng tôi gọi là bóng bay oxi, nó bay lơ lửng trên đầu. Thỉnh thoảng lại có đứa khóc nhè vì bị tuột tay, làm bóng bay mất.

Chơi xong rồi lại ăn, trẻ con mà, biết làm gì đâu khi không phải đi học. Có lẽ, cái thú nhất của lũ trẻ ngày ấy trong dịp Tết là được ăn uống thỏa thích mà không cần phải đúng giờ. Bánh kẹo lúc nào cũng đầy túi, thậm chí là chán chẳng muốn ăn nữa. Ở nhà chán lại rủ nhau ra bờ đê đốt pháo, nô đùa.

Và đương nhiên, điều mà những đứa trẻ ở quê mong ngóng nhất môi khi đến Tết đến là được nhận lì xì. Ngày đó, việc khoe “chiến lợi phẩm” với đám bạn cũng là một cái thú, đứa vui sướng vì được lì xì nhiều, đứa hậm hực vì ít hơn bạn. Nhưng cuối cùng thì những khoản tiền đó chúng tôi cũng chẳng được sở hữu, đứa thì bỏ heo để dành, , đứa thì đưa lại cho bố mẹ để mua đồ dùng học tập trong năm mới, hay phụ vào khoản học phí kỳ tới...

Có một điều khá thú vị đối với thệ hệ 8x, 9x của chúng tôi là sưu tập vỏ bao lì xì. Bởi thời đó, chỉ có nhà nào khá giả mới có bao lì xì, việc sưu tầm những mẫu bao lì xì cũng là một cái thú, một tài sản để khoe với lũ bạn.

Dù đã lang thang ở nơi phố thị nhiều năm, tiếp xúc với nhiều thứ mới và mùi nước hoa đắt tiền, nhưng tôi vẫn không thể quên được mùi hương nước thơm mà mẹ nấu vào buổi sáng mùng 1 Tết. Mãi sau này lớn thì tôi mới biết đấy là nước từ cây mùi già mà mẹ trồng sau nhà.

Tôi vẫn nhớ như in lời mẹ dặn, rửa mặt bẳng nước mùi già sẽ giúp mọi người gột rửa những điều không may của năm cũ và sẽ thơm tho, sạch sẽ hơn trong cả năm mới. Mẹ cũng không quên dặn tôi, ngày Tết là phải mặc quần áo mới, gọn gàng, ngoan ngoãn, gọi dạ bảo vâng, nhận quà bằng hay tay và phải biết cảm ơn…

Đi lễ chùa vào sáng mùng 1 Tết cũng rất thú vị, các bà các chị đều xúng xính trong bộ quần áo mới, hương thơm từ những nén nhang lan tỏa, hòa quyện với những lời chúc tốt đẹp khi mọi người gặp nhau tại đây cũng tạo cảm giác rất khác lạ. Khó có thể thể diễn tả bằng lời nói.

Giờ đây, khi cuộc sống ngày càng hiện đại và nhịp sống cũng nhanh hơn, cần mua gì hay thiếu thứ gì thì chỉ cần lên mạng lướt lướt rồi bấm bấm, ít phút sau là mọi thứ đã có đầy đủ.

Mấy ngày Tết cũng nhạt hơn, mọi lời chúc tốt đẹp nhất đều thể hiện qua những cuộc điện thoại, tin nhắn, thậm chí là những dòng trạng thái trên mạng xã hội.

Đã bao mùa Tết trôi qua, trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc. Có một chú vấn vương, một chút tiếc nhớ và một miền hoài niệm, nhưng dù thế nào đi chăng nữa, thẳm sâu trong tiềm thức, tôi vẫn và sẽ mãi yêu những mùa Tết của tuổi thơ. Nơi đó có rất nhiều, rất nhiều ký ức đẹp mà tôi chưa thể kể hết. Đành giữ lại tất cả trong tim những mùa xuân trong trẻo của tuổi thơ, những cảm giác an yên của quá khứ...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tết, trong tiềm thức của những người hoài cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO