Tây Ninh tập trung 5 giải pháp phát triển du lịch

Kim Sáng| 22/06/2022 09:44

Nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị mà ngành du lịch Tây Ninh trong 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt những kết quả ấn tượng. Trong thời gian tới, Tây Ninh chú trọng nhiều giải pháp để đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thiếu những điểm du lịch hấp dẫn

Với những tiềm năng, nguồn lực sẵn có, Tây Ninh được đánh giá là một trong những địa phương có thế mạnh để phát triển toàn diện về các loại hình du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, du lịch Tây Ninh vẫn phải đối mặt, cạnh tranh với thị trường du lịch của các tỉnh lân cận. Mặt khác, thời gian di chuyển giữa Tây Ninh với trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước là TPHCM còn dài, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút thời gian lưu trú và tâm lý của các nhà đầu tư cho các dịch vụ du lịch.

Cạnh đó, Tây Ninh còn thiếu những điểm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách đến tham quan, vui chơi và lưu trú; không có những loại hình vui chơi giải trí về đêm; hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ, hệ thống các dịch vụ bổ trợ, các cơ sở vui chơi giải trí còn thiếu, những cơ sở hiện có chưa đạt chuẩn và còn ở quy mô nhỏ, khả năng phục vụ đáp ứng nhu cầu du khách số lượng lớn trong các dịp lễ hội, sự kiện còn hạn chế;

Tây Ninh được đánh giá là một trong những địa phương có thế mạnh để phát triển toàn diện về các loại hình du lịch

Nguồn nhân lực du lịch, đội ngũ làm công tác thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan tại các điểm tham quan du lịch vẫn còn thiếu và yếu; chưa thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế, nhất là khách đến từ Campuchia mặc dù có lợi thế về đường biên giới và khách du lịch qua lại các cửa khẩu quốc tế của Tây Ninh;

Các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành số lượng còn ít, quy mô còn nhỏ, giai đoạn này chưa hình thành được doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực du lịch; số lượng khách du lịch đến Tây Ninhso với khu vực và cả nước ở mức khá, nhưng doanh thu du lịch rất thấp vì chủ yếu là khách đi hành hương về Tòa Thánh Cao Đài và hệ thống chùa núi Bà Đen;

Các sản phẩm du lịch còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm nổi trội để có sức hấp dẫn khách du lịch, chưa có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu khách quốc tế...

5 giải pháp trọng tâm phát triển du lịch

Sau đại dịch Covid-19, Tây Ninh là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước khởi động lại ngành du lịch, đây chính là quyết tâm, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Phải nói rằng Tây Ninh đã có sự “vùng vẫy” quyết liệt bằng việc triển khai các giải pháp, chương trình phát triển du lịch như giao ngành văn hóa triển khai nhận diện bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh; thực hiện các chương trình di sản Tây Ninh; phối hợp với tỉnh Bình Dương tổ chức giải đua xe đạp truyền hình Đông Nam Bộ lần thứ I; phối hợp với Liên đoàn dù lượn thể thao TPHCM tổ chức biểu diễn dù lượn ở Hồ Dầu Tiếng…

Cạnh đó, Tây Ninh quan tâm đến việc quảng bá, tuyên truyền hình ảnh du lịch thông qua các phương tiện truyền thông, hệ thống phim, tư liệu, mạng xã hội... Trong 6 tháng đầu năm 2022, du lịch Tây Ninh được du khách cả nước và một phần du khách quốc tế ủng hộ.  

Để đạt được những thành quả trên, sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Tây Ninh đã triển khai ngay chương trình hành động về phát triển du lịch, đặc biệt xây dựng kế hoạch phát triển ngành du lịch năm 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung 5 giải pháp chủ yếu.

Tây Ninh nỗ lực xây dựng Khu du lịch núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia - Ảnh: IT

Thứ nhất, tập trung triển khai các dự án thu hút đầu tư để đưa núi Bà Đen thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực, quốc gia với nhiều sản phẩm đa dạng để dẫn dắt và kết nối, lan tỏa trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước;

Thứ hai, tỉnh quan tâm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội để hỗ trợ phát triển du lịch, chẳng hạn như phát triển cao tốc TPHCM - Mộc Bài, khởi động cao tốc Gò Dầu - TP Tây Ninh; triển khai các dự án đô thị gắn với các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ thương mại để phục vụ phát triển du lịch;

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch mới, như du lịch lịch sử về nguồn ở Khu Trung ương Cục miền Nam, phát triển du lịch sinh thái ở vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, hệ thống sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, phát triển du lịch Hồ Dầu Tiếng…

Thứ tư, đẩy mạnh tổ chức các lễ hội cũng như các sự kiện văn hóa, thể thao như đua xe đạp, dù lượn…; các hội thảo quốc gia, quốc tế để tìm hiểu, chia sẻ phát triển ngành du lịch. Dự kiến, trong thời gian tới, Tây Ninh sẽ tổ chức nghệ thuật chế biến món ăn chay lần đầu tiên năm 2022;

Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để nhân dân, du khách Việt Nam, quốc tế nắm bắt được điểm đến của Tây Ninh trong thời gian tới.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, Tây Ninh dự kiến doanh thu du lịch khoảng 800 - 1.000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch đến năm 2025, Tây Ninh nỗ lực xây dựng núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối lan tỏa du lịch địa phương và khu vực Đông Nam Bộ.

Đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch Tây Ninh là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân hằng năm từ 25%/năm trở lên. Chi tiêu bình quân khách du lịch đến Tây Ninh đạt trên 1,3 triệu đồng/người/ngày…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Ninh tập trung 5 giải pháp phát triển du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO