Nhộn nhịp hội Đu truyền thống ở Thừa Thiên - Huế

Quốc Lâm| 08/02/2019 13:12

Hội Đu truyền thống ở thôn Gia Viễn (xã Phong Hiền, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) là một trong những nét văn hóa đặc sắc của vùng quê ven sông Bồ được người dân bảo tồn, gìn giữ trong suốt hơn 150 năm qua.

Đến hẹn lại lên, ngày 8/2 tức mùng 4 Tết, những người dân cũng như du khách nô nức, nhộn nhịp đổ về thôn Gia Viên, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền để xem lễ hội đu truyền thống.

Ông Trần Ngọc- Bí thư chi bộ thôn Gia Viên, cho biết: Đây là một lễ hội truyền thống đã có từ xa xưa. Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về thôn Gia Viên lại tổ chức cho mọi người vui chơi ngày xuân một cách thiết thực, bổ ích và lành mạnh. Đây cũng là trò chơi phổ biến trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, thu hút nhiều người đến tham gia tranh tài, cổ vũ.

Đại diện thôn đánh trống khởi động lễ hội

Để chuẩn bị cho lễ hội đu truyền thống, từ trước Tết, Ban tổ chức phải đi tìm những cây tre ngà lớn chắc chắn và có dáng cong, các giá đu, đòn đu và gióng đu được liên kết với nhau bằng các nuột thừng, tre, lạt mây... tạo độ nhún để người chơi đu có thể bay lên cao, ở trên có gắn cờ hội bay phấp phới, ở giữa có buộc dây thừng để người chơi có thể đu cao nhất có thể. Người chơi lên giá đu được trang bị dụng cụ bảo hộ để đảm bảo an toàn.

Mở đầu hội đu, một bô lão uy tín của thôn Gia Viên mặc áo dài khăn đóng đánh trống và thực hiện các nghi lễ truyền thống, sau đó lên giá đu để mở màn ngày hội. Tiếp đến là phần tranh tài quyết liệt và đẹp mắt của các nam thanh niên khỏe mạnh trong tiếng reo hò của người dân và du khách.

Đông đảo người dân đến tham gia lễ hội và cổ vũ người chơi

Theo phong tục của thôn Gia Viên hội đu chỉ dành cho nam giới. Con em trong thôn hay những du khách gần xa cũng có thể đăng ký đánh đu cầu may mắn vừa rèn luyện sức khỏe. Ngoài việc phải đu cho thật cao, người chơi còn phải nhún sao cho đẹp mắt, phải tạo đà sao cho đu càng cao càng tốt. Tay của người chơi chạm cờ đỏ thì đó là người chiến thắng và chuyển sang tranh tài ở giải khác.

Ngoài việc phải đu cho thật cao, người chơi còn phải nhún sao cho đẹp mắt

Anh Trương Công Tiễn, thanh niên thôn Gia Viên, cho biết: “Để chơi được trò chơi này đòi hỏi người chơi phải thật khéo léo trong từng động tác, phối hợp ăn ý với đu để đưa đu lên cao nhất có thể. Tham gia hội đu, tôi rèn luyện được tinh thần và sức khỏe, có sức lực vừa giữ gìn truyền thống cha ông để lại”.

Lễ hội đu truyền thống năm Kỷ Hợi của thôn Gia Viên thu hút hơn 30 chàng trai khỏe mạnh đến từ trong và ngoài địa phương dự thi, các vận động viên sẽ thi theo hình thức đấu loại trực tiếp. Có 5 giải được trao cho năm người có thành tích thi đấu xuất sắc nhất, đầu tiên là giải Cúng, sau đó là các giải Nhất, Nhì, Ba và cuối cùng là giải Phá. Giải Cúng là giải được trao cho người đầu tiên đu cao nhất và chạm tay vào được lá cờ trên đỉnh đu. Giải Phá là giải cuối cùng được trao cho người giật được cờ ra khỏi đỉnh đu.

Người đu cố gắng chạm tay vào lá cờ

VĐV Bùi Mạnh Điền, người 2 năm liên tục giành được giải Cúng lễ hội đu truyền thống thôn Gia Viên (2018 và 2019) vui vẻ nói: “Thật sự là em rất vui và rất tự hào vì đã nỗ lực hết mình để đạt được giải thưởng cao quý này. Đây là món quà đầu năm mới hy vọng nó sẽ mang lại nhiều may mắn cho em trong năm Kỷ Hợi 2019”.

Xuất hiện ở lễ hội từ rất sớm, ông Bùi Vạy (thôn Gia Viên) vui vẻ nói: “Tôi được chiêm ngưỡng những thế đu trên cao rất đẹp và bắt mắt, thời tiết lại nắng ráo như thế này thì hội đu sẽ thu hút rất nhiều người tham gia chơi, tranh tài”. “Hằng năm, cứ vào ngày mùng 4 Tết là tôi cùng gia đình ghé về đây để xem những chàng thanh niên tranh tài trên giàn đu. Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và phát huy”- Ông Lê Văn Minh, du khách ở huyện Quãng Điền cho biết.

Đại diện thôn trao giải cho người chơi xuất sắc nhất

Ông Hoàng Ngọc trung -  Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết: “Hội đu là một lễ hội văn hóa, nên hằng năm địa phương luôn duy trì và rèn luyện những vận động viên trẻ, khỏe để bảo tồn chò chơi truyền thống tốt đẹp. Qua hội đu bà con nhân dân thôn Gia Viên xã Phong Hiền cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bên cạnh đó thắt chặt tinh thần đoàn kết của con dân trong làng để cùng nhau góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp đồng thời để tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Lễ hội đu truyền thống còn là dịp để mọi người tụ hội, gặp gỡ chúc phúc cùng nhau vui vẻ đồng thời biểu thị tính cộng đồng và đây cũng là dịp để các thanh niên trai tráng của các địa phương thể hiện sự dẻo bền bỉ của sức trẻ sự khéo léo của các động tác tạo không khí phấn khởi trong những ngày đầu Xuân mới”.

Hội Đu truyền thống thôn Gia Viên diễn ra trong suốt buổi sáng ngày mùng 4 Tết. Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc của vùng quê ven dòng sông Bồ trong những ngày xuân mới, được người dân bảo tồn, gìn giữ trong suốt hơn 150 năm qua. Hội đu còn mang ý nghĩa thiêng liêng cầu mưa thuận gió hoà trong năm mới thông qua động tác vươn cao tới trời, chạm tay vào quả cầu may mắn; vừa mang tinh thần thể thao, rèn luyện sức khoẻ dẻo dai cho thanh niên trai tráng trong làng. Đồng thời cũng là dịp để mọi người xích lại gần nhau, gắn kết cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhộn nhịp hội Đu truyền thống ở Thừa Thiên - Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO