Ngày cuối năm: Dòng người đổ về chợ quê sắm Tết

Kim Sáng| 24/01/2020 12:34

Ở quê lạ lắm, Tết là dịp duy nhất trong năm để người dân sắm đồ, trang trí nhà cửa. Có lẽ cũng vì thế mà những ngày cuối năm, phiên chợ quê lúc nào cũng náo nhiệt và tấp nập người mua kẻ bán.

6241ae90e88110df4990-w1000-h750.jpg

Phiên chợ Tết ở quê

Tết ở Thành phố, người dân tranh thủ đi chơi, đi du lịch để tận hưởng không khí sau một năm làm việc vất vả nhưng ở quê, Tết có lẽ là khoảng thời gian mà người ta bận rộn nhất bởi ở quê, người ta thường sắm Tết vào dịp cuối năm chứ không có điều kiện để mua bán quanh năm như người dân Thành phố.

Những ngày cuối năm, không khí ở quê vui đến lạ, người người, nhà nhà đều tất bật với những phiên chợ cuối năm. Ở quê, ai cũng có thể đi sắm Tết, không chỉ riêng phụ nữ mà từ người già đến mấy đứa trẻ con, hễ thích là người ta đi chợ, vừa để du xuân vừa để thưởng ngoạn phiên chợ Tết đông vui.

Từ 23 tháng Chạp trở đi, khung cảnh quen thuộc nhất ở phiên chợ quê chính là hình ảnh người phụ nữ “ba gồng bốn gánh” trên tay để lo cho cái Tết ấm cúng của gia đình. Không chỉ mua thực phẩm như thịt, cá mà từ chiếc chiếu, chồng bát dĩa hay cả những chiếc khay đựng bánh kẹo, trà… người ta cũng để dành dịp Tết mới sắm. Đó cũng là lý do mà những người con xa quê như tôi luôn muốn trở về nhà vào dịp Tết để có thể sống lại ký ức những ngày thơ bé.

4921eb14ad05555b0c14-w1000-h750.jpg

Chuối, lá dong, ống giang... không thể thiếu ở phiên chợ quê

4921eb14ad05555b0c14-w1000-h750.jpg

Người dân đổ xô đi chợ ngày cuối năm

4921eb14ad05555b0c14-w1000-h750.jpg

Tranh thủ bán gánh hàng cuối năm

Cuối năm, ai cũng háo hức đi chợ quê, cha mẹ đi sắm Tết còn mấy đứa trẻ con thì bẽn lẽn bên mấy bộ quần áo mới để chuẩn bị đón xuân sang, nhận lì xì. Những ngày cận Tết, ngắm dòng người đi chợ quê cũng thấy vui trong lòng vì phiên chợ đặc biệt này chỉ có duy nhất một lần vào ngày Tết. Nhớ lại lúc nhỏ, cứ Tết đến là đòi ba mẹ chở đi chợ, hồi ấy chỉ cần bịch kẹo, chiếc nón mới cũng đủ để vui cả mùa Tết, thậm chí đi chợ xách đồ Tết mà trong lòng cũng thấy nôn nao. 

Đi chợ cuối năm, tôi nghe bà con hỏi nhau: “Tết này ăn to không?”, “Sắm hết đồ chưa?”, “Các cháu năm nay có về ăn Tết không?” Chao ôi, sao mà người ở quê hào sảng đến thế. Tôi ở Thành phố gần 4 năm nay nhưng chưa năm nào nghe được những câu nói chứa đựng ân tình như thế, cũng dễ hiểu bởi mỗi vùng miền người ta đều đón Tết theo một cách riêng.

55e66ab42ca5d4fb8db4-w1000-h750.jpg

Ngày 30 Tết, người dân đi mua cây kiểng khá đông

bbb4cf139b02635c3a13-w1000-h750.jpg

Nhộn nhịp phiên chợ cuối năm

Ở quê tôi, ngày cuối năm là thời điểm mà người dân tập trung ra chợ đông nhất, họ tìm mua những món đồ còn thiếu để kịp đón đêm giao thừa 30. Đây cũng là lúc mà những gánh hàng bắt đầu dọn dẹp để về nhà đón Tết, vui nhất là quầy thực phẩm, đến tận chiều 30, không khí nơi đây vẫn tấp nập để phục vụ nhu cầu của người dân trong ba ngày Tết.  

Năm nay, giá thịt heo tăng cao, người dân ở quê cũng bị ảnh hưởng nhưng người ta luôn quan niệm rằng: “Làm cả năm, tiêu ba ngày Tết” nên dù giàu hay nghèo, người dân cũng cố gắng kiếm tiền để trang trải một cái Tết no đủ. Tết ở quê chỉ cần có thịt, có bánh chưng, có hũ dưa hành rồi dăm ba cây kiểng để chưng là vui rồi. Nhà nào có điều kiện hơn thì trang hoàng nhà cửa, mổ bò, mổ heo…

Những năm gần đây, kinh tế phát triển nên ngoài việc ăn Tết, người dân cũng bắt đầu chú trọng đến việc chơi Tết, những xe tải chở đầy hoa cúc, hoa mai, hoa đào, quất… đủ mọi kích cỡ đã có mặt tại chợ quê từ ngày 20 tháng Chạp để phục vụ người dân. Cũng nhờ đó mà mấy năm nay, Tết ở quê vui và náo nhiệt hơn hẳn.  

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngày cuối năm: Dòng người đổ về chợ quê sắm Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO