Nâng tầm du lịch Tây Ninh

Tây Ninh| 05/05/2022 20:24

Sự đa dạng về nguồn lực (thiên nhiên, con người, kinh tế, văn hoá, du lịch…) đã tạo điều kiện thuận lợi để Tây Ninh trở thành vùng đất có "1 không 2” trong khu vực Đông và Tây Nam Bộ. Phát huy những thế mạnh đó, Tây Ninh vẫn đang nỗ lực từng ngày để tiếp tục phát triển về mọi mặt.

Nguồn lực dồi dào

Nằm ở vị trí tiếp giáp với các địa phương có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, là cửa ngõ giao thông đường bộ quan trọng sang Campuchia và các nước ASEAN, Tây Ninh không chỉ giữ trí chiến lược về quốc phòng an ninh mà còn giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hoá, dịch vụ, du lịch, thương mại giữa các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông.

Phát huy truyền thống cách mạng "trung dũng, kiên cường" qua hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Tây Ninh từng bước khôi phục, phát triển sản xuất, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Nếu so sánh với các địa phương trong khu vực Đông và Tây Nam Bộ, Tây Ninh được ví như “thủ phủ” bởi những lợi thế, tiềm lực mà tỉnh này sở hữu vô cùng lớn.

di-tich-lich-su-va-thang-canh-nui-ba-den-w900-h527.jpg

Di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bà Đen

Về nguồn lực địa lý, theo hướng Bắc - Nam, Tây Ninh cùng với Bình Phước là hai tỉnh của Nam Bộ có vị trí cầu nối giữa cao nguyên Nam Trung Bộ với đồng bằng Nam Bộ. Theo hướng Đông - Tây, Tây Ninh là cửa ngõ của hành lang Xuyên Á, cầu nối giữa TPHCM với thủ đô Phnom Penh (toàn Nam Bộ có tới 6 tỉnh giáp ranh và kết nối với Campuchia thông qua 28 cửa khẩu).

Nguồn lực thiên nhiên, Tây Ninh cùng với An Giang là hai tỉnh của Nam Bộ có núi cao nhất, trong đó, Tây Ninh có núi Bà Đen cao 986m, được mệnh danh là nóc nhà của Nam Bộ. Dù không sở hữu thế mạnh nhiều về thuỷ văn bằng Tây Nam Bộ nhưng trong số các tỉnh Đông Nam Bộ thì hai con sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông cùng hồ nhân tạo Dầu Tiếng của Tây Ninh đã tạo thành một hệ sinh thái sông - hồ và rừng đầu nguồn với cảnh quan vùng đệm tạo nên sự đa dạng cao về sinh học, sự đa dạng này đang được bảo tồn tốt tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Về con người, Tây Ninh có đủ bốn tộc người chính của vùng Tây Nam Bộ là Việt, Khmer, Chăm, Hoa; ngoài ra, Tây Ninh lại có các tộc ít người của riêng Đông Nam bộ như Stiêng, Tà Mun và một số tộc ít người khác. Tuy nhiên chất lượng nguồn lực con người Tây Ninh vẫn thấp. Theo điều tra dân số 2019, Tây Ninh là tỉnh có tỷ lệ lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo thấp nhất trong toàn vùng Đông Nam Bộ (tỷ lệ này của Tây Ninh là 15,2%, trong khi tỷ lệ chung của Đông Nam Bộ là 27,5%).

ho-dau-tieng-w900-h555.jpg

Hồ Dầu Tiếng, địa điểm du lịch nổi tiếng của Tây Ninh

Nguồn lực kinh tế, Tây Ninh có đủ các loại hình kinh tế và các ngành kinh tế nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại và dịch vụ.

Nguồn lực văn hoá, Tây Ninh là nơi giao thoa, tích hợp của nhiều luồng văn hoá theo thời gian - từ cổ đến kim (tháp Bình Thạnh, tháp Chót Mạt; đạo Cao Đài), theo không gian (từ Ấn Độ, Campuchia, Trung Quốc, phương Tây) và theo chủ thể (Việt, Khmer, Chăm, bản địa Phù Nam).

Về nguồn lực du lịch, Tây Ninh có tiềm năng du lịch vô cùng phong phú, từ du lịch văn hoá - lịch sử, lễ hội - tâm linh đến du lịch sinh thái, mạo hiểm. Tây Ninh có 90 di tích được xếp hạng, từ di tích quốc gia đặc biệt đến các di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh. Trong đó, phải kể đến núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát…

Hiến kế nâng tầm du lịch Tây Ninh

Sau khi quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen được phê duyệt vào tháng 9/2018; hệ thống cáp treo và cảnh quan trên đỉnh núi được Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng đi vào hoạt động trong các năm 2020-2021, từ Tết Nguyên đán 2022 đến nay, du lịch tỉnh này đã hồi sinh, lượng khách tăng vọt, đánh dấu một giai đoạn mới của ngành văn hoá - du lịch Tây Ninh.

Không dừng lại ở đó, Tây Ninh vẫn đang nỗ lực trong việc sử dụng các nguồn lực để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 đưa du lịch Tây Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bên cạnh việc nâng tầm các địa danh như núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát… các chuyên gia đề xuất xây dựng Khu du lịch “Thủ đô Cách mạng miền Nam”. Đây là một di tích lịch sử - văn hoá đáp ứng tiêu chí mang tính đại diện cao, không chỉ cho tỉnh Tây Ninh, khu vực Nam Bộ mà cho cả nước.

Để làm được điều đó, Tây Ninh phải chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu. Theo các chuyên gia, tên gọi “Căn cứ Trung ương Cục miền Nam” là tên gọi chính xác, phù hợp với lịch sự nhưng chưa đáp ứng được những yêu cầu của một thương hiệu điểm đến du lịch. Do đó, việc sử dụng tên gọi “Thủ đô Cách mạng miền Nam” vừa đảm bảo tính lịch sử vừa đáp ứng tốt yêu cầu này.

Đối với việc xây dựng quy hoạch điểm đến du lịch Thủ đô Cách mạng miền Nam, các chuyên gia đề xuất nên có ít nhất bốn phân khu: Phân khu 1 - là phân khu di tích nơi ở và làm việc của các nhà lãnh đạo cách mạng, hiện đã có nhưng cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện. Phân khu 2 - xây dựng Bảo tàng Thủ đô Cách mạng, phòng trưng bày của khu du lịch Căn cứ Trung ương Cục miền Nam hiện nay rất đơn điệu, nghèo nàn.

000-w750-h497.jpg

Khu di tích mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam

Phân khu 3 - khu vui chơi, giải trí và ẩm thực, mua sắm với những hình thức thông minh, phù hợp nội dung, hàng hoá đa dạng, phong phú (các kỷ vật chiến tranh của cả hai phía như quân trang, quân dụng Mỹ; dép cao su, mũ tai bèo, các kỷ vật làm từ nhôm xác máy bay, vỏ đạn…; các tài liệu sách vở bằng hai hoặc nhiều thứ tiếng về chiến tranh Việt Nam, văn hoá Việt Nam). Cạnh đó, cần mở rộng đoạn đường qua rừng vào Căn cứ Trung ương Cục để các xe có thể lưu thông dễ dàng; phát quang bớt cây rừng, tránh cây đổ gây cản trở giao thông vào mùa mưa.

Nếu xây dựng thành công Khu du lịch “Thủ đô Cách mạng miền Nam”, Tây Ninh sẽ là địa phương có đóng góp quan trọng cho đất nước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của một di sản lịch sử - văn hoá.

Cùng với Khu du lịch “Thủ đô Cách mạng miền Nam”, các chuyên gia kiến nghị xây dựng phức hệ du lịch Toà thánh Cao Đài - Bảo tàng tôn giáo Nam Bộ. Toà thánh Cao Đài được biết đến với hai ngày lễ lớn trong năm (vía Đức Chí Tôn 8/1 âm lịch và Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung 15/8 âm lịch). Nhiều năm trở lại đây, ngoài các tín đồ, có một lượng khá lớn người Việt Nam và người nước ngoài quan tâm đến tôn giáo này. Tuy nhiên, lượng du khách trong các năm 2013-2018 cũng chỉ đạt 1,3%, đó đó việc nâng cấp, mở rộng là hết sức cần thiết.

Có thể thấy rằng, việc xây dựng hai dự án Khu du lịch “Thủ đô Cách mạng miền Nam” và phức hệ du lịch Toà thánh Cao Đài sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng tầm du lịch của tỉnh Tây Ninh  nói riêng và cả nước nói chung trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm du lịch Tây Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO