Mục đích của ACV là gì khi xoá bỏ đề xuất xây dựng nhà ga lưỡng dụng?

Nguyễn Bá| 26/02/2019 20:59

Bản đề xuất xây dựng, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất của ACV thu nhỏ phần nhà ga T3 chỉ còn 16ha, xóa bỏ hoàn toàn phần nhà ga hàng không lưỡng dụng. Mục đích của ACV là gì ?

Được biết, tại văn bản số 2143/BQP-TM ngày 20/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi Bộ GTVT, đã đề xuất đưa vào quy hoạch khu vực hàng không lưỡng dụng với quỹ đất khá lớn, bao gồm các công trình: sân đỗ máy bay lưỡng dụng, nhà ga hàng không lưỡng dụng, cơ sở bảo dưỡng máy bay (hangar), các công trình phụ trợ.

Tiếp thu các nội dung đề xuất của Bộ Quốc phòng, ngày 7/9/2015, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký ban hành Quyết định số 3193/QĐ-BGTVT “Về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, khu vực hàng không lưỡng dụng do Bộ Quốc phòng đề xuất chính thức được đưa vào quy hoạch phát triển sân bay Tân Sơn Nhất của Bộ GTVT, với đầy đủ các hạng mục nêu trên, kể cả nhà ga lưỡng dụng T3.

Văn bản 1942 do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký "đi ngược" với thiết kế của Pháp mà Thủ tướng đã phê duyệt trước đó.

Theo Quyết định số 3193/QĐ-BGTVT, sân bay Tân Sơn Nhất được nâng cấp sân bay đạt chuẩn 4E (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp 1. Sân bay được xác định là “dùng chung dân dụng và quân sự”.

Sau đó, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa có văn bản 6856/BGTVT-KHĐT ngày 17/6/2016 gửi Bộ Quốc Phòng về vấn đề mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Tại văn bản này, nguyên Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: “Dự kiến, năm 2016 lượng hành khác thông qua sân bay Tân Sơn Nhất là 31 triệu hành khách, trong khi tổng công suất thiết kế nhà ga T1 và T2 là 25 triệu hành khách. Vì thế, đề nghị Bộ Quốc phòng chuyển hoạt động bay quân sự ra khỏi TSN, ưu tiên hoạt động hàng không dân dụng”.

“Đối với đất quân sự quản lý đã được Bộ Quốc phòng dự kiến xây dựng nhà ga lưỡng dụng với công suất 9-10 triệu khách/năm. Đề nghị Bộ Quốc phòng sớm chấp thuận chủ trương và yêu cầu Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga lưỡng dụng, phấn đấu khởi công trong năm 2016-2017”.

Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Cũng theo tìm hiểu của PV, Chủ đầu tư dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3 là một doanh nghiệp liên doanh với Bộ Quốc Phòng. Theo đề án mở rộng, xây dựng nhà ga mà CĐT này trình lên, tổng dự toán xây dựng nhà ga lưỡng dụng chỉ khoảng hơn 2 nghìn tỷ đồng và nếu được phê duyệt sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020.

Trong khi đó, trong đề xuất của ACV, tổng mức đầu tư cho dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên tới hơn 11 nghìn tỷ đồng và thời gian thực hiện lên tới gần 4 năm (có thể kéo dài hơn).

Điều đáng nói, đề xuất tốn kém kinh phí, thời gian này lại được Thứ trưởng Lê Đình Thọ phê duyệt. Thậm chí đề xuất này cũng đi ngược lại quyết định phê duyệt của Thủ tướng vào tháng 3/2018 và của chính đời Bộ trưởng GTVT nhiệm kỳ trước. Các chuyên gia và dư luận đặt ra câu hỏi, liệu có lợi ích nhóm ở đây, tại sao lại gạt phần xây dựng nhà ga lưỡng dụng trong khi lợi ích của nhà ga lưỡng dụng là cực kì quan trọng ? Mục đích của ACV là gì?.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mục đích của ACV là gì khi xoá bỏ đề xuất xây dựng nhà ga lưỡng dụng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO