Sự kiện nổi bật
giá xăng
bóng đá
năng lượng tái tạo
lịch nghỉ Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán
AFF cup
Tìm kiếm

Hát xẩm – loại hình diễn xướng dân gian độc đáo

Nghệ thuật hát xẩm đóng một vai trò quan trọng, góp phần định hình bản sắc văn hóa dân tộc. Sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật hát xẩm cũng phản ánh cả một thời kỳ lịch sử của đất nước. Lần đầu tiên, Liên hoan các câu lạc bộ hát xẩm khu vực phía Bắc được tổ chức cuối năm 2019 tại Ninh Bình.

1-cac-nghe-sy-bieu-dien-tai-lien-hoan-hat-xam-cac-tinh-khu-vuc-phia-bac-nam-2019-w2000-h1327.jpg

Các nghệ sỹ biểu diễn tại liên hoan hát Xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc năm 2019

Loại hình diễn xướng dân gian độc đáo 

Hát xẩm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc ta, với lối kể tích sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn. Hát xẩm ra đời cách đây hơn 700 năm.

Theo tài liệu của ông Trần Việt Ngữ - nhà nghiên cứu dân gian lão thành công bố năm 1964, hát xẩm có 8 làn điệu chính: Xẩm chợ; Xẩm xoan (Chênh bong); Huê tình (riềm huê); Xẩm nhà trò (ba bậc); Nữ oán (Phồn huê); Hò bốn mùa; Hát ai; Thập ân. Tuy nhiên, dân gian thường gọi tên các loại xẩm theo một số tiêu thức khác, đó là gọi theo tên bài xẩm nổi tiếng như “Xẩm anh Khóa” (theo tên bài thơ được hát theo điệu Xẩm Tiễn chân anh Khoá xuống tàu của Á Nam Trần Tuấn Khải), hoặc theo mục đích, nội dung bài xẩm như “Xẩm dân vận”, là những bài xẩm được sáng tác để tuyên truyền, vận động quần chúng và gọi theo môi trường biểu diễn như “Xẩm chợ” và “Xẩm cô đầu”. Riêng tại Hà Nội, còn có một dòng xẩm rất đặc trưng mà không đâu có được đó là xẩm tàu điện, vì nó thường được hát trên tàu điện để phục vụ người dân đô thị.

Với đặc trưng là những khúc hát mang nặng tâm sự, xẩm thường gắn với hình ảnh những người hát rong với cây đàn trên tay đi khắp nơi để mưu sinh. Nhưng điều làm nên sức hút của nghệ thuật hát xẩm chính là những làn điệu vui tươi với lời ca gần gũi, mang nội dung chính là đả kích, châm biếm, lên án những thói hư tật xấu trong xã hội hay đề cập đến các sự kiện mới xảy ra. Sự tài hoa của những người hát xẩm nằm ở chỗ họ có thể nhanh chóng ứng tác những nội dung, sự kiện ấy vào bài hát của mình để chuyển tải thành những câu chuyện kể dễ đi vào lòng người. Bởi thế, họ được mệnh danh là những “người kể chuyện bằng âm nhạc”.

Thăng trầm nghệ thuật hát xẩm

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là thời gian thịnh đạt nhất của hát xẩm. Lúc này, không còn đơn thuần là loại hình giải trí lúc nông nhàn, xẩm đã phát triển thành một nghề kiếm sống của người nghèo nơi thành thị và được truyền dạy qua nhiều thế hệ.

Và lượng người hát xẩm đông nhất là thời kỳ Pháp thuộc và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Một thời gian dài, hát xẩm đã là món ăn tinh thần của quần chúng lao động. Nó đề cập đến nhiều vấn đề ở mọi khía cạnh, trong mọi tình huống của cuộc sống, từ công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, tình huynh đệ cho đến những tình cảm riêng tư của mỗi con người, hay những vấn đề mang tính thời sự cập nhật, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời…

2-nghe-thuat-hat-xam-tu-he-duong-den-san-khau-w1600-h1066.jpg

Nghệ thuật hát xẩm, từ hè đường đến sân khấu

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và những năm sau đó, xẩm cũng như nhiều môn nghệ thuật dân gian khác đã “đồng hành” cùng với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Đơn cử như tuyên truyền cho phong trào bình dân học vụ ở các huyện ngoại thành với bài “Tiễu trừ giặc dốt”, nghệ nhân xẩm Minh Sen (Thanh Hóa) với cây đàn nhị đã đi khắp các mặt trận để hát cho các chiến sĩ nghe; hay nghệ nhân Hà Thị Cầu dù không hề biết chữ hay bất cứ nốt nhạc nào cũng sáng tác bài “Theo Đảng trọn đời” theo điệu Thập ân...

Có thể thấy xẩm có một sức sống mạnh mẽ, dễ lan tỏa và có sức truyền cảm sâu sắc đến người nghe. Tuy nhiên, từ thập niên 60 trở lại đây, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là do những quan niệm sai lầm nên các phường xẩm dần tan rã. Các nghệ nhân xẩm tài danh bước dần vào tuổi xế chiều, rồi lần lượt ra đi. Năm 2013, “người giữ hồn xẩm” - nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời, những tưởng nghệ thuật hát xẩm sẽ lụi tàn. Nhưng, thực tế nghệ thuật hát xẩm vẫn được lưu giữ và đang từng ngày có thêm những nhân tố mới.

Nỗ lực bảo tồn và phát huy

Nhận thấy giá trị nghệ thuật to lớn cũng như nguy cơ thất truyền của nghệ thuật hát xẩm, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân đã cùng nhau phục dựng. Các tỉnh phía Bắc thành lập nhiều câu lạc bộ, nhóm xẩm như chiếu xẩm Hà Thành, chiếu xẩm Hải Phòng, các Câu lạc bộ hát xẩm tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình... đã tạo nên sức sống mới cho loại hình nghệ thuật hát xẩm. Nội dung các bài hát xẩm đã phong phú hơn, ngoài ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, nghĩa mẹ, tình cha thì những vấn đề xã hội đã được đưa vào xẩm để phù hợp với cuộc sống đương đại.

Không đơn thuần là hình thức giải trí, một nghề để kiếm sống, xẩm đã trở thành một loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo, được truyền dạy qua các thế hệ, là món ăn tinh thần của đông đảo công chúng ngày nay. Từ những nỗ lực của những nghệ sĩ nặng lòng với nghệ thuật dân gian như Thao Giang, Văn Ty, Xuân Hoạch, Thúy Ngần, Thanh Bình, Mai Tuyết Hoa... nghệ thuật hát xẩm dần được hồi sinh.  Từ những định kiến của số đông rằng xẩm chỉ là lời hát của tầng lớp bần cùng trong xã hội, nay xẩm đã bước lên sân khấu như các môn nghệ thuật khác.

16-w744-h496.jpg

Tái hiện lịch sử hát Xẩm qua chương trình Nghệ thuật hát Xẩm - Từ hè đường đến sân khấu

Sự chào đón nồng nhiệt của khán giả Thủ đô đối với xẩm chưa bao giờ giảm kể từ năm 2005 - khi nhạc sĩ Thao Giang lần đầu tiên thử nghiệm đưa xẩm lên sân khấu tại khu vực ngã năm Hàng Đào.

Năm 2006, một CD về xẩm Hà Nội đã ra đời và một chiếu xẩm hằng đêm vào tối thứ bảy vẫn duy trì ở khu vực chợ đêm Đồng Xuân. Có những đêm diễn, hàng trăm người đứng xem. Cũng ở đó, nhiều nhân sĩ, trí thức đã đến thưởng thức một không gian riêng của xẩm như Giáo sư Trần Văn Khê, Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong, nhà thơ Nguyễn Duy… Và những đốm lửa đã được nhóm Xẩm Hà Thành và những người thầy miệt mài, bền bỉ thắp lên như thế, để xẩm đi vào đời sống và người dân Hà Nội bắt đầu biết về xẩm.

18-w768-h1048.jpg

Nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa, nghệ sỹ hát xẩm được nhiều người ưa thích

Cuối năm 2019, nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11), Chiếu xẩm Hải Phòng và Nhóm Đình làng Việt phối hợp với Ban Quản lý Di tích Phố cổ Hà Nội tổ chức chương trình Tọa đàm và biểu diễn "Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu". Ngay trong chương trình biểu diễn, khán giả không chỉ ngạc nhiên, vui mừng được nghe những làn điệu tưởng như đã mai một do các nghệ nhân dân gian và các nghệ sĩ hát xẩm trình diễn trong một không gian sân khấu hoàn toàn khác lạ, mà còn được gặp gỡ, giao lưu với các thế hệ tâm huyết lưu giữ, duy trì hát xẩm.

Và sau nhiều nỗ lực, Liên hoan các Câu lạc bộ hát xẩm khu vực miền Bắc lần đầu tiên đã được tỉnh Ninh Bình đăng cai tổ chức. Ninh Bình được coi là một trong những cái nôi sản sinh ra bộ môn nghệ thuật hát xẩm và là quê hương của cố nghệ nhân hát xẩm nổi tiếng Hà Thị Cầu – “báu vật nhân văn sống” quốc gia.   Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Ninh Bình, tới đây tỉnh Ninh Bình sẽ cùng các tỉnh khu vực phía Bắc tiến hành lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hát xẩm là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Sau đó, ban tổ chức có kế hoạch xây dựng những điều kiện để làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Diệp Ninh

Nhận xét

Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.

0 nhận xét

Bài viết cùng chuyên mục

Khởi tố cựu Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc

Ngày 23/3, Viện KSND tỉnh Lâm Đồng đã phê chuẩn quyết định khởi tố đối với ông Nguyễn Quốc Bắc, cựu Chủ tịch UBND TP.Bảo Lộc để điều tra về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bình Dương: Xác minh video nhóm người ẩu đả trước cổng công ty

Công an huyện Bàu Bàng cho biết, đơn vị đã chỉ đạo Đồn Công an Khu công nghiệp Bàu Bàng khẩn trương xác minh nhóm đối tượng liên quan đến vụ ẩu đả trước một công ty nằm trong khu công nghiệp này.

Container mất lái, lao vào 3 nhà dân

Sáng 22/3, Công an huyện Củ Chi cho biết, đơn vị đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ xe container tông dải phân cách, sau đó lao vào nhà dân trên đường Tỉnh lộ 8.

Bắt giữ đối tượng cưỡng bức, cưỡng đoạt tài sản chủ tiệm spa ở Bình Dương

Ngày 21/3, Công an TP. Thủ Dầu Một đã có báo cáo về vụ một phụ nữ bị khống chế, cưỡng bức nhiều lần tại tiệm spa thuộc phường Phú Tân, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Đề nghị khai trừ Đảng đối với Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã bỏ phiếu thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền khai trừ ông Nguyễn Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ra khỏi Đảng.

Hà Nội: Thêm một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới hoạt động trở lại

Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 2915D ở huyện Thường Tín được hoạt động trở lại với một dây chuyền, đáp ứng nhu cầu đăng kiểm xe cơ giới của người dân.

Hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng bị ‘thổi’ giá bán

Theo khảo sát, BioAmicus Complete và BioAmicus Vitamin K2D3 được bán tràn lan tại nhiều cửa hàng thuốc lớn và các hệ thống siêu thị Con Cưng, Bibomart, Kids Plaza… Tại chuỗi Con Cưng, nhà thuốc Bệnh viện Nhi TW, BioAmicus Complete có giá 480.000 ...

Trí tuệ nhân tạo và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn

Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2023, sáng 18/3, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hội thảo 'Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn'.

Lừa đảo "con đang cấp cứu": Bộ Công an vào cuộc điều tra

Trước thủ đoạn mạo danh giáo viên liên hệ phụ huynh báo tin "học sinh phải nhập viện cấp cứu" để chiếm đoạt tài sản, Bộ Công an cho biết đang điều tra và làm công tác phòng ngừa.

Thanh Hóa: Ban hành quy định khu vực cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm

Kể từ ngày 20/3, nhiều khu vực được quy định là khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người, cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm; khu vực cấm hoặc hạn chế người trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Người dân vi ...