Chủ động ngừa sốt xuất huyết

Gia Nguyễn| 07/05/2022 11:47

Sốt xuất huyết vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc xin phòng bệnh và có thể dẫn đến tử vong, nhất là ở trẻ nhỏ. Do đó, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Những ngày qua, thời tiết liên tục thay đổi, nắng nóng kéo dài xen lẫn các đợt mưa đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại lăng quăng, ruồi, muỗi… làm tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết, nhất là ở trẻ em.  

Sốt xuất huyết thường xuất hiện với các triệu chứng như sốt cao liên tục 2-7 ngày, mệt mỏi, nôn ói, đau bụng, ít tiểu, phân đen… kèm các dấu hiệu xuất huyết như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, phát ban trên da, xuất huyết âm đạo (đối với bé gái dậy thì)… Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6 với biểu hiện trụy tim mạch (tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt) cùng một số triệu chứng liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa.

Bệnh nếu được phát hiện sớm có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu gặp các biểu hiện như khó chịu mặc dù đã hết hoặc giảm sốt; không ăn, không uống; đau bụng, nôn ói nhiều; tay chân lạnh, ẩm; mệt mỏi, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng và xuất huyết âm đạo; không tiểu trên 6 giờ; không tỉnh táo, lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì… cần nhập viện để điều trị ngay, tránh các biến chứng nặng về sau.

Trên thực tế, cả người lớn và trẻ em thường gặp các dấu hiệu tương tự sốt xuất huyết nhưng chỉ nghĩ là cúm mùa, viêm họng hoặc do nhiễm Covid-19 nên khá chủ quan, thờ ơ, nhiều người tự điều trị tại nhà mà không thông qua bác sĩ, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.  

sxh-4-w620-h400.jpg

Sốt xuất huyết vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc xin phòng bệnh và có thể dẫn đến tử vong, nhất là ở trẻ nhỏ

Sốt xuất huyết đến nay vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc xin phòng bệnh và có thể dẫn đến tử vong. Do đó, người dân phải thường xuyên theo dõi và chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện, bên cạnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý (uống nhiều nước, sử dụng các món ăn mềm có nước, dễ tiêu hóa, luyện tập thể dục…) thì phải thường xuyên vệ sinh thân thể, mặc quần áo mềm, mỏng, thấm hút mồ hôi để da luôn được khô thoáng… Đồng thời, tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị.

Cạnh đó, các gia đình nên chủ động vệ sinh nơi ở, môi trường sống xung quanh sạch sẽ; không nên trữ nước trong nhà; tiêu diệt muỗi vằn bằng cách đốt nhang muỗi, vợt muỗi, phun thuốc diệt muỗi; phát quang bụi rậm và ngủ màn để tránh bị muỗi đốt… Song song đó, người dân nên tìm hiểu kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bệnh để kịp thời xử trí trong những trường hợp cấp thiết.  

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận hàng chục ngàn ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có nhiều nặng đang điều trị tại các bệnh viện, có những ca đã tử vong. Hầu hết các ca nặng đều nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sốc sốt xuất huyết, kèm theo nhiều dấu hiệu, biến chứng nặng do không được phát hiện và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ngừa sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO